"Hạ cánh" thôi các bạn trẻ, đừng mộng mơ hão huyền về nơi làm việc, kiếm tiền nữa!
Lúc chưa đi làm thì ắt hẳn ai cũng có những ngộ nhận và mong muốn nhất thời về công việc đầu tiên của mình. Đó có thể là cảnh văn phòng "xịn sò" như trên phim ảnh, sáng nào cũng xúng xính quần áo công sở và gặp những người đồng nghiệp đáng yêu nhất hệ mặt trời.
Hết giờ tan ca thì thủng thẳng chạy về nhà, nấu ăn, tập thể dục hay hẹn hò và tận hưởng buổi tối của những "người lớn". Nhưng thực tế có giống vậy không? Gần như hầu hết câu trả lời là những cái cười trừ e dè. Vậy những ai chưa bắt đầu đi làm, và sắp chuẩn bị, thì hãy đọc qua những điều này để có sự chuẩn bị tinh thần phù hợp.
1 – Văn phòng như mơ chỉ là chuyện trong mơ
Không phải ai cũng có cơ hội được làm việc tại những văn phòng đẳng cấp như Apple hay Google hoặc chỉ đơn giản là những tòa nhà cao tầng sang chảnh như trên phim ảnh hay thấy. Nếu bạn có cơ hội được làm việc ở những nơi đó thì xin chúc mừng, bạn đã có một văn phòng tương đối "nhỉnh" rồi đó.
Còn những nơi khác thì sao? Không hẳn là quá tệ nhưng chắc hẳn sẽ không được như những gì bạn tưởng tượng hay hình dung qua phim ảnh. Ngoài ra, dù thiết kế văn phòng xịn xò đến mấy thì vẫn có những thế hệ khác đã sử dụng qua, đa phần mọi thứ sẽ cũ và "in hằn dấu vết" hơn. Chưa kể vào buổi trưa, văn phòng có thể bất chợt trở thành quán ăn, siêu thị hay chỗ ngả lung. Những lúc này thì mọi điều mộng tưởng đều sẽ dần tan biến.
2 – Đồng nghiệp trong mơ cũng chỉ là chuyện trong mơ
Điều gây vỡ mộng nhất cho hội những người mới đi làm ngày đầu chính là quang cảnh lạnh lùng đến gai người, hay tìm đâu cũng không thấy "chủ tịch" hào hoa phong nhã hay những cô đồng nghiệp xinh xắn để làm động lực mỗi ngày đi làm.
Nhìn quanh quẩn lại, chỉ thấy ai cũng cắm mặt vào màn hình với cơ hồ giấy tờ và vẻ mặt hốc hác khi phải chạy deadline xuyên ngày đêm. Ngoài ra, thay vì sự hồ hởi chỉ dẫn từng việc thì trong giai đoạn đầu, thường những ai mới đi làm sẽ lâm vào tình trạng "ở không dài hạn" vì vẫn chưa có nhiệm vụ được giao và những người chuyên trách thì đều đã có công việc sẵn.
Thay vì ngồi không chờ sung rụng thì lời khuyên là nên mạnh dạn đề nghị giúp đỡ hoặc làm việc để có thể bắt đầu làm quen với mọi người và dần được giao việc. Bạn biết đó, chính những người thuê bạn cũng sẽ e dè với người nhân viên mới toanh này và bạn phải tự giác tạo niềm tin cho chính bản thân mình.
3 – Còn công việc thì…
Điều này thì còn tùy vào khả năng và vị trí của mỗi người. Thế nhưng, thông thường thì cái gì mới cũng dễ gây bỡ ngỡ và thậm chí sai sót. Vì mới đi làm, "sức đề kháng" của bạn vẫn còn kém nên bạn sẽ dễ dàng "tuột mood" ngay từ những việc đầu tiên. Thậm chí điều này còn dẫn đến cảm giác "muốn bỏ việc" nếu bạn là người có khả năng chống chịu kém.
Bất kỳ công việc nào cũng có những sự khó khăn. Đó là lý do vì sao kinh nghiệm luôn là một ưu tiên trong việc tuyển dụng. "Có kinh nghiệm" là một minh chứng cho tốc độ ứng biến với các vấn đề thường xuyên xảy ra trong phạm vi công việc hay tư duy phản ứng. Điều này bạn chỉ có thể có được sau khi đã làm công việc nào đó trong kha khá thời gian, và hoàn toàn không thể có nếu bạn chỉ được đi học từ trường lớp.
Không ai có thể dạy kinh nghiệm cho bạn, nên bạn hãy kiên nhẫn một xíu. Dù sao bạn đã lựa chọn công việc và vị trí này, thì rốt cuộc mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.
Poni Lê
Theo Trí Thức Trẻ