Hội đồng quản trị HAGL Agrico (Mã chứng khoán HNG) vừa thông báo sẽ dừng thực hiện các thủ tục chào bán và phát hành riêng lẻ hơn 741,4 triệu cổ phiếu HNG cho Công ty CP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico).
Theo HAGL Agrico, ngày 2/7 công ty có nhận được công văn của Ủy ban chứng khoán Nhà nước về việc dừng xem xét hồ sơ đăng ký chào bán và phát hành cổ phiếu riêng lẻ do đã quá thời hạn bổ sung hồ sơ theo quy định. Đến ngày 12/7, Thagrico cũng gửi công văn thông báo quyết định dừng đầu tư sở hữu cổ phiếu HNG bởi nhiều lý do.
3 lý do không đầu tư mới
Thứ nhất Thagrico cho biết đã nhận chuyển nhượng 3 công ty con của HAGL Agrico (bao gồm Cao su Đông Dương, Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên) vào năm 2019, với tổng diện tích 22.462 ha và tổng số tiền 7.623 tỷ đồng. Đây là hành động nhằm hỗ trợ HAGL Agrico có nguồn tiền trả nợ trung hạn ngân hàng.
Tuy nhiên dù đã hoàn tất việc thanh toán, nhưng sau 2 năm Thagrico vẫn chưa nhận được giấy tờ đất của các công ty trên, do các giấy tờ này đang bị giữ lại ở BIDV.
Đến cuối năm 2020 và đầu 2021, Thagrico tiếp tục nhận chuyển nhượng 4 công ty bao gồm An Đông Mia, Cao su Hoàng Anh Quang Minh, Hoàng Anh Đăk Lăk và Bò sữa Tây Nguyên với tổng diện tích 20.744 ha. Tuy nhiên giấy tờ đất các đơn vị này đang thế chấp để đảm bảo cho các khoản nợ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại BIDV.
Trong khi đó Thagrico đã đầu tư xây dựng hạ tầng, trồng mới cây ăn trái trên diện tích của các công ty đã nhận chuyển nhượng trên, nhưng hiện tại vẫn chưa có giấy tờ đất. Do đó, công ty không huy động được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho các dự án này.
Thứ hai, HAGL Agrico vẫn còn gặp nhiều khó khăn và phương án tăng vốn vẫn chưa được thực hiện. Dù vậy, HAGL lại liên tục bán cổ phiếu HNG với khối lượng lớn để giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm này xuống 16,34% và thậm chí còn 11,43% theo đợt đăng ký mới nhất. Trong khi theo cam kết phát hành cổ phần thì nhóm HAGL phải duy trì tỷ lệ sở hữu là 25,24%. Điều này đã làm giá cổ phiếu HNG tụt xuống dưới mệnh giá.
Thứ ba, diễn biến của dịch Covid-19 đang gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Thagrico, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp cho các nông trường tại Lào và Campuchia, cũng như hoạt động xuất khẩu trái cây. Khó khăn này buộc Thagrico phải điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới.Tính đến hết phiên 23/7, thị giá HNG tiếp tục giảm 2,3% xuống mức 8.250 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa thị trường còn 9.145 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, cổ phiếu HNG đã bị thổi bay 43% giá trị vốn hóa.
Từng tiếp quản bất đắc dĩ
HAGL Agrico ban đầu là công ty nông nghiệp bị chi phối bởi HAGL của ông Đoàn Nguyên Đức. Công ty tập trung trồng các loại cây công nghiệp gồm cao su, cọ dầu với tổng diện tích 84.000 ha (8.900 ha tại Việt Nam, 27.376 ha tại Lào và 47.724 ha tại Campuchia).
Tuy nhiên hoạt động công ty ngày càng khó khăn bởi giá các sản phẩm rơi xuống đáy. Giai đoạn 2017-2018 vườn cọ dầu bị bỏ hoang 100%, hơn phân nửa vườn cao su bị hư hại, các vườn cây ăn trái đang ở giai đoạn trồng thử nghiệm bị sâu bệnh, xuống cấp, thu hoạch với năng suất kém do không có kinh phí chăm sóc.
Tình hình tài chính theo đó ngày càng khó khăn và dẫn đến mất thanh khoản. Tổng nợ công ty vượt hơn 22.100 tỷ đồng vào cuối năm 2017, trong khi vốn điều lệ chỉ là 7.671 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm HAGL Agrico mời gọi tỷ phú Trần Bá Dương đầu tư.
Thaco của ông Trần Bá Dương sau đó đã nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty nông nghiệp này lên 35% cổ phần, tương đương 3.890 tỷ đồng và thực hiện tái cơ cấu tài chính cho doanh nghiệp thông qua việc mua lại các công ty con và cho vay tiền.
Giao dịch tiếp quản được thực hiện thông qua kế hoạch tăng vốn cho HAGL Agrico để cấn trừ nợ, đồng thời có thêm vốn cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động giai đoạn 2021-2023. Cụ thể, cổ đông HAGL Agrico thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 7.415 tỷ, lên mức 18.500 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ với ThagricoTuy nhiên vào năm 2020, các bên bắt đầu không thỏa thuận được với ngân hàng về thanh toán nợ đến hạn để lấy lại giấy tờ đất của các công ty đã được chuyển nhượng trên. Kết quả, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương nói rằng đã phải bất đắc dĩ tiếp quản HAGL Agrico từ tay HAGL.
Trong đó, HAGL Agrico đồng ý phát hành 550 triệu cổ phiếu nhằm hoán đổi khoản nợ 5.500 tỷ đồng cho Thagrico. Đồng thời công ty cũng chào bán riêng lẻ 191,4 triệu cổ phiếu cho Thagrico để huy động nguồn lực thanh toán các khoản phải trả ngắn và dài hạn.
Tuy nhiên trong nghị quyết mới nhất, HĐQT HAGL Agrico cũng chấp thuận việc dừng phương án phát hành 550 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ, đồng thời cũng dừng chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho Thagrico. Tại cuộc họp cổ đông tiếp theo, HĐQT sẽ trình lại danh sách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được chào bán riêng lẻ thay thế cho Thagrico hoặc trình việc dừng phương án chào bán riêng lẻ.
Không chỉ gây bất ngờ khi dừng đầu tư mới vào HAGL Agrico, tỷ phú Trần Bá Dương mới đây cũng có động thái dứt khoát khi thoái toàn bộ vốn khỏi công ty Hùng Vương. Giao dịch được thực hiện ngay đầu tháng 7, chấm dứt hoạt động giải cứu “vua cá tra” một thời này chỉ sau hơn 1 năm đầu năm.