Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Tỷ số hiện tại của 'trận đấu' thương mại Mỹ - Trung

24/05/2019 22:17

Mỹ và Trung Quốc đều đang dẫn trước trên một số "mặt trận kinh tế" nhưng cũng phải trả giá không ít sau gần một năm đối đầu. 

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lún sâu vào một cuộc chiến thương mại suốt 10 tháng qua. Ở phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump liên tục tung đòn thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Gần đây, họ còn đưa Huawei Technologies vào danh sách cấm mua sản phẩm từ Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc trả đũa bằng chính sách áp thuế tương tự. Người dùng nước này đang tẩy chay Apple. Thậm chí, một bài hát về chiến tranh thương mại cũng đã được sáng tác và phổ biến tại đây.

Theo thống kê dưới đây của Bloomberg,  Mỹ và Trung Quốc đều đang dẫn trước trên một số "mặt trận kinh tế" với một số tiêu chí. Nhưng nhìn chung, cả hai đều có những trả giá nhất định và tỷ số tổng đang tạm nghiêng về Mỹ.

Với Trump, thước đo duy nhất chỉ ra Mỹ đang chiến thắng hay thất bại trong cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc là cán cân thương mại song phương. Các số liệu cho thấy khoảng cách giữa hai nước vẫn còn khá lớn, nhưng thâm hụt đã thu hẹp vài tháng gần đây.

Dù các nhà kinh tế học vẫn tranh cãi về nguyên nhân của sự thay đổi này, và liệu cán cân thương mại có phải là thước đo hữu ích hay không, thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc cũng đã xuống thấp nhất 3 năm trong tháng 3.

Những người chỉ trích cho rằng thuế nhập khẩu mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải chịu giá sản phẩm cao lên. Tuy nhiên, việc này đến nay vẫn chưa xảy ra trên diện rộng. Dĩ nhiên, các dấu hiệu lạm phát gây ra bởi chiến tranh thương mại đã xuất hiện. Sau vòng đánh thuế đầu tiên vào tháng 7/2018, đến tháng 4/2019, giá các mặt hàng nằm trong nhóm chịu thuế đã tăng 1,6%.

Với Trung Quốc, nâng thuế với hàng nhập khẩu Mỹ không có ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng nước này. Vì khá nhiều mặt hàng chịu thuế là nguyên liệu đầu vào, chứ không phải sản phẩm hoàn chỉnh, như đậu nành, vàng hay bông.

Niềm tin tiêu dùng tại Mỹ bật tăng trong tháng 4, nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương tăng. Tuy vậy, tăng trưởng doanh số bán lẻ lại giảm tháng thứ 2 trong vòng 3 tháng. Câu chuyện tại Trung Quốc cũng tương tự, khi doanh số bán lẻ tăng chậm hơn dự báo, đe dọa động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế này.

Hiện tại, người Mỹ nhìn chung không quá bi quan về triển vọng trong chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa đánh thuế lên toàn bộ hàng Trung Quốc.

Đồng Nhân dân tệ (NDT) đã yếu đi 7,5% so với USD trong năm qua. Việc này khiến các hãng xuất khẩu Trung Quốc có bộ đệm quan trọng để đối phó với thuế nhập khẩu của Mỹ. Bên cạnh đó, NDT còn có khả năng tiếp tục yếu đi.

Tuy vậy, bài toán với Trung Quốc hiện tại là không để NDT giảm quá sâu, dễ khiến dòng vốn đột ngột rút khỏi nước này và chính phủ phải dùng dự trữ ngoại hối để cứu vãn. Nhìn chung, NDT yếu là con dao hai lưỡi với nền kinh tế lớn nhì thế giới.

Năm ngoái, thị trường chứng khoán cả hai nước đều giảm mạnh nhất trong gần một thập kỷ. Dù vậy, Trung Quốc chịu tác động lớn hơn. Năm 2018, chỉ số Shanghai Composite mất tới 25% - gấp 4 lần S&P 500. Gần đây, cả hai thị trường đều đang đi lên. Tuy nhiên, câu hỏi hiện tại là việc này có thể kéo dài bao lâu khi đàm phán thương mại đang đình trệ.

Tính chung từ đầu năm 2018, chứng khoán Trung Quốc mất 14%. Trong khi đó, chứng khoán Mỹ tăng 6%.

Vài tuần gần đây, cả hai nền kinh tế đều có dấu hiệu yếu đi. Trung Quốc công bố sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư trong tháng 4 đều tăng chậm hơn dự báo. Tại Mỹ, doanh số bán lẻ giảm, sản xuất tại các nhà máy cũng giảm lần thứ 3 trong vòng 4 tháng.

Trung Quốc dường như có nhiều dấu hiệu yếu đi hơn. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần theo dõi sát. Nếu thuế nhập khẩu có tác động đến tăng trưởng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại có nhiều công cụ tài khóa và tiền tệ để kích thích nhu cầu hơn ông Trump.

Năm 2018, vốn đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc giảm không đáng kể. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, con số này đi xuống rõ rệt.

Báo cáo của Dự án Đầu tư Mỹ - Trung Quốc cho thấy FDI từ Trung Quốc vào Mỹ giảm hơn 80% năm ngoái, về 5 tỷ USD. Con số này năm 2017 là 29 tỷ USD và 2016 là 46 tỷ USD. FDI từ Mỹ vào Trung Quốc chỉ giảm về 13 tỷ USD năm ngoái, từ 14 tỷ USD năm 2017.

Khi đàm phán thương mại giữa hai nước đang chững lại, và cả hai đều đang muốn củng cố vị thế, con đường phía trước sẽ còn rất dài.

"Xét theo góc độ kinh tế, không ai là người chiến thắng trong chiến tranh thương mại. Còn về địa chính trị, người ta chỉ quan tâm ai mất nhiều hơn mà thôi", Tom Orlik – kinh tế trưởng tại Bloomberg bình luận, "Mỹ cược rằng đó là Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì cho rằng Mỹ sẽ chẳng đủ dũng cảm để chiến đấu".

theo Bloomberg