Một mầm lan đột biến từ chậu lan 'Huyền thoại Bướm đại ngàn' vừa được đấu giá thành công 11,7 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này dùng để ủng hộ chương trình phòng chống dịch Covid-19.
Ngày 1/8, một kie (mầm con phát triển từ mắt của cây mẹ) dài khoảng 10 cm từ chậu lan đột biến có tên gọi "Huyền thoại bướm đại ngàn" đã được đấu giá thành công với mức giá 11,7 tỷ đồng nhằm mục đích ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.
Được biết, mầm lan này là "cặp song sinh" với mầm lan "Bướm đại ngàn" gây xôn xao dư luận với mức giá giao dịch 15 tỷ đồng hồi đầu tháng trước.
Ông Trương Quốc Chính (chủ nhân cây lan Bướm đại ngàn) xác nhận với Zing, ngày 4/8 toàn bộ số tiền thu từ buổi đấu giá đã được ông gửi về Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 để mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc phòng và chữa bệnh cho người dân.
Ông Chính cho biết việc đấu giá mầm lan để làm từ thiện là xuất phát từ tấm lòng của mình và không hề có ý nghĩ trục lợi. "Hy vọng hành động này sẽ góp một phần công sức nhỏ của tôi để đồng hành cùng cộng đồng chung tay phòng chống Covid-19 hiệu quả", ông nói.
Ngoài số tiền 11,7 tỷ đồng thu được từ buổi đấu giá mầm lan "Bướm đại ngàn", ông Chính và cộng đồng yêu hoa lan còn chung tay, kêu gọi quyên góp được hơn 3 tỷ đồng ủng hộ chống dịch Covid-19.
"Toàn bộ số tiền đóng góp lần này đều được tổng kết và công khai. Tôi đã chuyển giao cho Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trong buổi lễ tiếp nhận sáng nay", ông thông tin thêm.
Chủ nhân cây lan "Bướm đại ngàn" khẳng định đây là dòng lan quý hiếm ở núi rừng Việt Nam. Ông là người đầu tiên bỏ ra 1 tỷ đồng mua lại từ một người sưu tầm lan ở Sơn La nên không có chuyện một số luồng thông tin hiện nay cho rằng lan đột biến được nuôi cấy mô từ Trung Quốc.
Nói về thị trường lan đột biến tại Việt Nam, ông Chính cho biết thời gian qua, một số người lợi dụng cơn sốt hoa lan đột biến trà trộn vào cộng đồng dùng nhiều thủ đoạn lừa đảo để kiếm lời gây “nhiễu loạn” thị trường, đồng thời khiến nhiều người hiểu sai về thú chơi lan.
Trao đổi với Zing, ông Vương Xuân Nguyên, Chánh văn phòng Hội Sinh vật cảnh thành phố Hà Nội cho biết đấu giá mầm lan "Bướm đại ngàn" để ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 lần này là một việc làm rất ý nghĩa.
"Việc đấu giá được thực hiện công khai chi tiết nhằm thể hiện sự minh bạch, tránh tình trạng nghi ngờ, gây hiểu lầm không đáng có trong dư luận như một số cuộc đấu giá trước đó”, ông chia sẻ.
Là một người nghiên cứu lâu năm về ngành sinh vật cảnh, ông Nguyên cũng nhận định thời gian gần đây, có nhiều thông tin chưa thật sự chính xác, gây nhiễu loạn thị trường lan đột biến. Đặc biệt là vấn đề nuôi cấy mô, vận chuyển mầm lan từ nước ngoài về Việt Nam.
"Tình trạng này đang làm mất đi tính ổn định, cân bằng của thị trường và có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế", vị này đánh giá.
Ngoài ra, ông cảnh báo đối với các cá nhân, đơn vị muốn đứng ra tổ chức các cuộc đấu giá nhằm mục đích từ thiện thì nên cẩn trọng trong phương pháp tiến hành, cũng như việc công khai minh bạch về thông tin tài chính.
Khoảng 3 năm trở lại đây, chơi lan đột biến gene tự nhiên có màu sắc và hình dáng độc lạ trở thành đối tượng săn lùng của dân chơi lan. Theo đó, các thương vụ mua bán, giao dịch lan đột biến liên tiếp được công bố trên các diễn đàn, từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng.
Tuy nhiên, giá trị thật của những cây lan được định giá tiền tỉ vẫn là một ẩn số. Không ít người trong giới chơi lan cho rằng dù giá trị của cây lan đột biến cao, đặc biệt được ưa thích ở những thị trường chơi lan lâu năm như Đài Loan, Thái Lan.., nhưng với mức giá lên đến hàng tỉ thậm chí hàng chục tỷ đồng thì cần phải xem xét lại. Chưa kể đó có thể là chiêu thức nhằm đẩy giá những cây lan này vượt quá giá trị thật, hoặc làm hâm nóng thị trường.
Thanh Thương
Theo Zing