Ung thư đã trở thành nỗi ám ảnh của cả nhân loại, như bản án tử thần có thể giáng xuống bất kỳ ai. Chủ đề về nỗi ám ảnh ung thư không chỉ liên quan đến giới nghiên cứu, bác sĩ điều trị, mà còn các hãng dược, các tổ chức phi chính phủ... Năm 2018, toàn cầu có khoảng 18,1 triệu ca được chẩn đoán mắc ung thư, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hơn một nửa trong số này đã tử vong. Tại Việt Nam, số ca ung thư mới tăng nhanh, từ 68.000 người năm 2000 lên gần 165.000 người vào năm 2018. WHO dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 200.000 ca vào năm 2020. Đáng chú ý, mỗi năm, khoảng 70-75% trường hợp ung thư ở Việt Nam đã tử vong, tương đương 115.000 ca.
Ngành công nghiệp khổng lồ
Cùng với sự hoành hành của ung thư là cuộc chạy đua giành lại sự sống. Ngành công nghiệp phòng chống và điều trị ung thư trên toàn cầu ghi nhận các con số khổng lồ. 5 năm trước, số liệu từ IMS Institute for Healthcare Informatics (Mỹ) cho hay, chi tiêu cho thuốc chữa trị ung thư đã vượt 100 tỉ USD. Trong đó, Mỹ dẫn đầu, chiếm 42,2%; kế đó là Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Ý. IMS từng dự doán, thị trường thuốc ung thư toàn cầu năm 2018 có thể đạt tới 147 tỉ USD. Đến nay, riêng tại Mỹ, chi phí chăm sóc bệnh nhân ung thư mỗi năm ước khoảng 157 tỉ USD, theo Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC).
Thế giới chạy đua trong cuộc chiến chống ung thư. Giải Nobel Y sinh năm nay đã trao cho 3 nhà khoa học Mỹ và Anh, vì những nghiên cứu gợi mở hy vọng tìm ra cách ngăn chặn sự hình thành mạch máu mới trong ung thư. Năm ngoái, Nobel Y sinh cũng trao cho 2 nhà khoa học Mỹ và Nhật với nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch trong điều trị bệnh ung thư. Ở góc độ kinh doanh, nhiều tên tuổi lớn như Bristol-Myers Squibb (Mỹ), Merck & Co (Mỹ), Roche (Thụy Sĩ), AstraZeneca (Anh)... dấn sâu vào lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất thuốc chống ung thư. Ngay các hãng như Pfizer (Mỹ), GlaxoSmithKline (Anh) cũng chuyển trọng tâm vào thuốc chống ung thư. Đơn cử sau khi hợp tác và thâu tóm công ty công nghệ sinh học Mỹ Genentech, Roche phát triển được 3 loại thuốc trị ung thư là Herceptin (chữa ung thư vú), Rituxan (chữa ung thư hạch), Avastin (chữa ung thư đại tràng, cổ tử cung, buồng trứng...) và ghi nhận doanh thu 235 tỉ USD suốt 15 năm (2002-2017). Bristol-Myers Squibb cũng thâu tóm công ty công nghệ sinh học Celgene Corp, nhằm sản xuất 3 loại thuốc ung thư nói trên với giá rẻ hơn. Hãng nghiên cứu thị trường EvaluatePharma dự đoán, đến năm 2022, Roche ước mất khoảng 9,8 tỉ USD vì cạnh tranh.
Trong 10 năm (2007-2017), có đến 710 thuốc trị ung thư trên toàn cầu vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Ảnh: welcome2bhutan.com. |
Theo tổ chức IQVIA, trong 10 năm (2007-2017), có đến 710 thuốc trị ung thư trên toàn cầu vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, tức đã tăng 60%. Thuốc mới thường có giá trên 100.000USD cho liều dùng 1 năm khi được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt. Kể cả các loại thuốc gốc, đơn cử như Imatinib (Gleevec, Novartis...) theo thời gian cũng tăng chóng mặt.
Trận chiến chưa hồi kết
Để tránh hao tốn tiền bạc vào điều trị ung thư, Viện Ung thư MD Anderson (Mỹ) cho rằng, mỗi người có thể phòng ngừa ung thư bằng cách chích ngừa và tầm soát đều đặn. Hoạt động này ở Việt Nam thường tốn từ 1-2 triệu đồng cho mỗi lần thực hiện. Nếu dùng dịch vụ tốt hơn, chi phí có khi gấp 3-4 lần. Ngoài ra, ông Cao Anh Tuấn, CEO Gene Friend Way, cho biết, giá của dịch vụ giải mã gen - phương pháp mới trong tầm soát ung thư, giảm còn 600-1.000USD. Việc tầm soát hứa hẹn giúp phát hiện sớm ung thư. Tuy nhiên, bà Laurie Becklund, một cây bút của Thời báo Los Angles, người có 20 khối u và đã chiến đấu với ung thư suốt 20 năm (1996-2016), từng cảnh báo, việc chụp chiếu khối u định kỳ có thể gây chẩn đoán sai.
Một bài báo xuất bản trên Tạp chí Oxford cũng từng nêu, việc chụp chiếu chiếm tới 25% chẩn đoán quá lên về bệnh ung thư vú. Từ đây, người ta dễ sử dụng các liệu pháp ngăn ngừa ung thư quá liều. Bà Laurie Becklund còn lưu ý, không phải tổ chức tiền ung thư nào cuối cùng cũng dẫn tới bệnh ung thư. Hoặc không phải loại ung thư nào cũng đe dọa tới mạng sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp ung thư đều được chữa trị giống nhau. Đó là chưa kể, không ít công ty lợi dụng nỗi lo sợ của người dân để bán những sản phẩm/dịch vụ chưa cần thiết, chưa đủ tin cậy hay thậm chí lừa gạt. Cách đây không lâu, Ruy Băng Tím, tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam, từng chỉ ra, thông tin vaccine Hasumi của Công ty World Medical “phòng và điều trị ung thư, đối với ung thư giai đoạn 1, 2, 3 là hoàn thiện 100%, với ung thư giai đoạn 4 tỉ lệ thành công cao 70-80%” là sai sự thật. Trước đó, ông Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cũng khẳng định không có vaccine dùng cho tất cả các loại ung thư.
Về phương pháp điều trị, lâu nay, người bệnh thường được hướng dẫn điều trị theo phương pháp 3C, tức tiêm hóa chất vào cơ thể, bức xạ ion hóa, hoặc phẫu thuật; đôi khi là sự kết hợp của cả 3. Các cuộc điều trị này nặng nề, kéo dài, tốn kém và gây nhiều đau đớn. Mặc dù vậy, kết quả của phương pháp điều trị 3C lại không thể đảm bảo người bệnh thoát án vĩnh viễn. Các bác sĩ đều nhận định, kết quả chữa trị ung thư sẽ tùy thuộc vào loại ung thư, thời gian phát hiện bệnh, cơ địa thể trạng, sức khỏe, tùy thói quen ăn uống, nghỉ ngơi, thể dục, tùy tinh thần... của từng người. Nếu phát hiện sớm, chưa di căn, theo Hội Ung thư Mỹ, tỉ lệ sống sau 5 năm của người ung thư phổi chỉ là 50%. Ngược lại, nếu đã di căn, mức độ sống qua 5 năm chỉ chiếm 3,5%. Đây cũng là tình trạng chung của các loại ung thư khác.
Tiến sĩ Hardin B. Jones, cựu Giáo sư vật lý y học và sinh lý học tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), từng cho rằng, bệnh nhân ung thư đang chi tiền mua thời gian. Hết tiền là hết các hiệu ứng và bệnh nhân sẽ chết vì đau đớn hơn là do ung thư. Ông Hardin B. Jones còn tuyên bố, bệnh nhân mắc ung thư không điều trị sẽ sống lâu hơn 4 lần so với những người điều trị. Theo chuyên gia này, cơ thể có cơ chế phòng vệ tự nhiên chống lại mọi loại ung thư.
Ông Hardin B. Jones nghiên cứu về căn bệnh ung thư hơn 25 năm, đi khắp thế giới thu thập dữ liệu về ung thư và chia sẻ với Hiệp hội Ung thư Mỹ, các trường đào tạo ngành y về những phát hiện của mình. Vì thế, phát ngôn của ông từng gây sửng sốt không chỉ ở nước Mỹ. Dù vậy, khi được hỏi: “Vì sao thế giới phớt lờ những phát hiện của ông?”, ông Hardin B. Jones chỉ nói: “Tôi không biết lý do. Có lẽ họ bị cuốn vào làn sóng của những bệnh nhân yêu cầu chữa trị”.
Thế giới vẫn không ngừng tìm kiếm phương thức mới và ứng dụng công nghệ vào điều trị ung thư như sử dụng liệu pháp miễn dịch tự thân, ghép tế bào gốc, liệu pháp chống tạo mạch, công nghệ chỉnh sửa gen... Người Mỹ hiện dành gần 50% số tiền cho nghiên cứu các loại thuốc chống ung thư theo liệu pháp trúng đích, nhắm vào những phân tử protein đặc hiệu hoặc các đột biến gen. Mới đây hơn, các nhà khoa học trên thế giới còn trình bày những phương pháp chữa trị ung thư mới như dùng hạt nano để đốt nóng và phá hủy khối u, tạo hợp chất chống ung thư, tìm ra loại thuốc kháng thể giúp tiêu diệt tế bào ung thư... Thậm chí, theo CB Insights, đầu tư vốn vào các công ty khởi nghiệp điều trị ung thư đã tăng từ 2 tỉ USD năm 2013 lên 4,5 tỉ USD trong năm 2017. Các phương pháp mới này còn phải chờ kiểm tra lâm sàng kỹ lưỡng trước khi áp dụng rộng rãi. Bởi theo Sheltzer, 97% phương pháp điều trị ung thư, đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đều thất bại.
Ngay công nghệ trí tuệ nhân tạo (A.I), dù đã cải thiện và ứng dụng ngày càng rộng rãi trong phòng ngừa điều trị ung thư thì theo Tiến sĩ Phan Minh Liêm, chuyên gia thuộc Viện trưởng Viện Y Sinh Việt Nam - Mỹ, vẫn cần sự giám sát của các bác sĩ, chuyên gia y tế. Bởi A.I vẫn tồn tại một số thách thức. Ví dụ, chất lượng và số lượng dữ liệu là các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả, độ chính xác của các phân tích do A.I. Nhưng hiện nay ở nhiều nước, dữ liệu của bệnh nhân vừa ít lại vừa rời rạc, thiếu chính xác, gây khó khăn cho việc nâng cao độ chính xác của các phân tích do A.I. Ngoài ra, Tiến sĩ Liêm nhấn mạnh, ung thư là một căn bệnh có nguyên nhân chính do các đột biến gen, trong khi đặc điểm bộ gen của mỗi chủng tộc, quần thể dân số lại khác biệt.
Để A.I trở thành công cụ tiềm năng, Tiến sĩ Liêm cho rằng, cần hoàn thiện công nghệ A.I hơn nữa, trước khi ứng dụng A.I vào y khoa và nghiên cứu y học. Dù vậy, các chuyên gia của Viện ICR (Anh) tin rằng, trong khoảng 10 năm nữa, các nghiên cứu tìm tòi về phương pháp và thuốc mới sẽ cho phép kiểm soát, chữa trị bệnh ung thư hiệu quả, như cách thế giới đã làm đối với bệnh HIV hoặc hen suyễn.
Sống lành đẩy lui ung thư
Trong một bài chia sẻ ở TED, bác sĩ William Li (Mỹ) từng nêu rằng, khi khám nghiệm tử thi bị tai nạn giao thông, đến 40% phụ nữ từ 40-50 tuổi có tế bào ung thư vi mô ở vú. Khoảng 50% đàn ông từ 50-60 tuổi có tế bào ung thư vi mô ở tuyến tiền liệt và gần như 100% người khi đến 70 tuổi có tế bào ung thư vi mô ở tuyến giáp. Nghĩa là trong mỗi người đều có tế bào ung thư. Tuy nhiên, khi các tế bào ung thư không phát triển, nó không gây nguy hiểm.
Để tế bào ung thư không phát triển, liên quan rất lớn đến lối sống. Đây là đúc kết của bà Jenny Đỗ, một Việt kiều và cũng là luật sư ở Mỹ. Bà bị chẩn đoán ung thư vú năm 2006. Sau thời gian điều trị ung thư bằng phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và 5 năm liên tục uống thuốc, đến năm 2015, bệnh ung thư của bà chuyển sang giai đoạn 4 và bà được tiên lượng chỉ còn sống 1-3 tháng. Không sợ hãi ung thư, bà Jenny Đỗ quyết tâm thay đổi lối sống, giành quyền tự chủ cơ thể về mình. Kinh nghiệm của bà cho thấy, khi mắc bệnh ung thư, chỉ nên dùng các biện pháp khoa học để tạm thời ngưng sự lan tràn của ung thư. Sau đó, cần thực hành những phương pháp lành mạnh khác để ngăn ngừa khả năng ung thư tái phát. Khi biết được là đa số tế bào ung thư rất cần amino acids (khoảng 20-40%) để sinh sôi nảy nở, bà Jenny Đỗ đã cẩn thận và tiến đến từ bỏ thịt, hải sản. Bà cũng nhịn ăn 16 tiếng (từ 8 giờ tối đến 12 giờ trưa) và giảm đường.
Ngoài ra, theo bác sĩ Lưu Vân Phương, thuộc Đại học Y Trung Quốc, “những người duy trì tâm trạng tốt sẽ chống được bệnh ung thư. Đây là phương pháp chống ung thư không hề tốn 1 xu”. Phải thế chăng mà Viện Ung thư MD Anderson khuyến nghị, ăn uống lành mạnh, thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc/tránh xa khói thuốc, tránh các tác nhân gây ung thư (tia tử ngoại, khói bụi, hóa chất độc hại...), sống vui vẻ yêu đời là cách giúp phòng tránh, đẩy lùi ung thư. Tổ chức Ruy Băng Tím đồng tình, những giải pháp về tâm linh, cầu nguyện, thiền... đôi khi ích lợi, tạo ra hiệu quả chữa trị cho những người bệnh ung thư.
Ngọc Thủy/NCDT