Ông Đặng Đức Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thảo Dược Xanh, Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sự thất bại của doanh nghiệp là do không hiểu, không biết, không nắm bắt và vận dụng chữ 'thời' trong kinh doanh.
Đứng lên từ thất bại
PV: Khởi nghiệp trở thành một phong trào sâu rộng trong những năm gần đây, nhưng chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ startup thành công. Theo ông, vì sao khởi nghiệp lại không hề dễ dàng?
Ông Đặng Đức Thành: Qua thực tiễn Việt Nam cho thấy, trong 10 startup thường có đến 8-9 startup thất bại, chỉ còn lại 1-2 startup vượt qua được “vũ môn” và phải đến 20 năm sau mới thành công thực sự. Không ít startup phải chấp nhận đôi ba lần thất bại trước khi nhận được “quả ngọt” đầu tiên. Do đó, nếu không dám đương đầu, không kiên định và dám đối mặt với những khó khăn thì đừng nói đến chuyện khởi nghiệp. Nhà khởi nghiệp cần có tinh thần dũng cảm, dám đứng lên lại từ thất bại.
Khởi nghiệp thành công cần rất nhiều kỹ năng, nhiều kinh nghiệm, bên cạnh sự đam mê, lòng nhiệt huyết và mong muốn làm giàu. Các nhà khởi nghiệp háo hức khi nảy sinh ý tưởng, hết sức chủ quan về sản phẩm, dịch vụ ngành hàng sẽ kinh doanh. Ý tưởng hay chưa đủ, hơn thế, ý tưởng đó phải xuất phát từ cơ sở vững chắc và thuyết phục như những phân tích thị trường, khách hàng, môi trường kinh doanh, lợi thế cạnh tranh, tính độc đáo của sản phẩm, dịch vụ, năng lực quản trị, vận hành của nhà sáng lập startup…
PV: Còn với những doanh nghiệp đã từng có giai đoạn rất thành công nhưng sau đó lại gặp khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản, theo ông đó là do đâu?
Ông Đặng Đức Thành: Với các doanh nghiệp từng đứng ở đỉnh cao vinh quang trong kinh doanh nhưng nay đang gặp khó khăn vì bị đối thủ cạnh tranh “vượt mặt”, thị phần thu hẹp, người tiêu dùng quay lưng, hàng tồn kho nhiều, công nghệ lạc hậu, doanh thu và lợi nhuận giảm sút, kinh doanh thua lỗ, nguy cơ phá sản lớn… thì theo tôi, các doanh nghiệp này đã đến lúc phải phân tích chữ “thời” với ngành hàng, sản phẩm và dịch vụ mà mình đang kinh doanh để có chiến lược thay đổi, tái định vị, tái cấu trúc… nhằm đáp ứng sự chuyển động của thị trường, nhu cầu của khách hàng…
Qua thực tiễn Việt Nam cho thấy, trong 10 startup thường có đến 8 - 9 startup thất bại, chỉ còn lại 1 - 2 startup vượt được “vũ môn” và phải đến 20 năm sau mới thành công thực sự. Không ít startup phải chấp nhận đôi ba lần thất bại trước khi nhận được “quả ngọt” đầu tiên.
Thực tế, thời gian qua đã có nhiều “đại gia” trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc, ngân hàng, giáo dục… “phất lên như diều gặp gió”, kinh doanh gặp thời, nay phải tính toán lại, sắp xếp lại phân khúc ngành hàng, ngành hàng nào, thị phần nào sẽ thoái vốn, hoặc tiếp tục đầu tư hay tái cấu trúc… Hơn lúc nào hết, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải biết tận dụng chữ “thời” trong kinh doanh để giảm bớt, hạn chế tối đa khó khăn, rủi ro khi lĩnh vực kinh doanh đã… hết thời!
Đâu là lĩnh vực kinh doanh hợp thời?
PV: Ông nhắc nhiều đến chữ “thời” trong kinh doanh, vậy chữ “thời” mà ông muốn nói ở đây có nghĩa như thế nào?
Ông Đặng Đức Thành: Dân gian có câu “làm ăn gặp thời” để chỉ việc mua bán, kinh doanh của một cá nhân, một tổ chức hay doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi, tốt đẹp, phát đạt. Trong kinh doanh, nếu cá nhân hoặc doanh nghiệp gặp thất bại thì được cho là do không gặp may, do định mệnh sắp đặt, do chưa gặp thời…
Chữ “thời” với cách dùng đó phản ánh quan điểm, tư duy xem việc kinh doanh phụ thuộc vào may rủi, thậm chí vận dụng luật nhân - quả theo triết lý nhà Phật để xét định rằng, cá nhân mà kinh doanh thành công là do tu nhân tích đức và ngược lại là do kinh doanh không gặp thời.
Tuy nhiên, chữ “thời” mà tôi đề cập ở đây là nhân tố khách quan, giúp cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia khởi nghiệp, kinh doanh thành công khi nó được phát hiện, phân tích trên cơ sở khoa học với sự nhạy bén, mẫn cảm và bản lĩnh trong kinh doanh.
Trong kinh doanh, để có thể thành công, tạo lập và duy trì thành tích vượt trội, để doanh nghiệp phát triển, gia tăng lợi nhuận, thì nhà sáng lập hay nhà lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp cần thiết phải có tư duy chiến lược, có tầm nhìn để nắm bắt và đoán định được đâu là thị trường tiềm năng trong hiện tại và tương lai? Xu hướng thị trường và nhu cầu của khách hàng đã, đang và sẽ ra sao? Phải biết phân định và phân tích được những ưu thế thuận lợi của môi trường kinh doanh, của ngành hàng, những điều kiện cần và đủ để khởi nghiệp, để định vị, tái cấu trúc doanh nghiệp để đi đến thành công.
PV: Vậy theo ông, làm sao để biết kinh doanh hợp thời?
Ông Đặng Đức Thành: Doanh nghiệp phải thường xuyên nghiên cứu thị trường, vận dụng và thích ứng nhanh với những thay đổi của thị trường, với nhu cầu của khách hàng. Cần nhận diện được sản phẩm nào, ngành hàng nào đã lỗi thời, người tiêu dùng đang quay lưng, để có kế hoạch chuyển đổi, tái cấu trúc cho phù hợp để tồn tại và tiếp tục phát triển.
Nếu chưa có sản phẩm, dịch vụ gì mới, khác biệt so với các công ty cùng ngành nghề hiện đang hoạt động trên thị trường thì chưa nên khởi nghiệp. Nếu khởi nghiệp trong lĩnh vực đã hết thời thì áp lực vô cùng lớn cho bán hàng, doanh thu và lợi nhuận hết sức khó khăn, cái kết thất bại đã được báo trước.
Bên cạnh đó, cần phải biết và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia. Lợi thế đó là tiềm năng của quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp; lợi thế đó là năng lực, kỹ năng nghề nghiệp, “phông” văn hóa, di sản vật chất, tinh thần của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia…
Sau cùng, cá nhân, doanh nghiệp vận dụng chữ “thời” trong kinh doanh chính là phải luôn biết làm mới mình, phải cập nhật và theo kịp những tiến bộ khoa học công nghệ để ứng dụng vào quy trình vận hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, để kết nối mạng lưới, gia tăng sự liên kết, hợp tác trong môi trường kinh doanh toàn cầu.
Khi kinh doanh hợp thời thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn, từ việc huy động vốn đến tiếp thị, bán hàng… Nhưng không phải ai cũng nhận ra được điều đó. Nó lý giải tại sao trong cùng một thị trường, cùng hoàn cảnh và điều kiện kinh doanh nhưng có người nhìn thấy cơ hội, tiềm năng, có người thì không và vì sao hằng năm có hàng ngàn startup ra đời nhưng số sống sót chỉ chiếm khoảng 10%.
PV: Hiện nay lĩnh vực kinh doanh nào đang hợp thời, thưa ông?
Ông Đặng Đức Thành: Theo nhận định của tôi, hiện nay có một số ngành kinh doanh hợp thời, như: Du lịch, nông nghiệp sạch, thời trang, các ngành sử dụng thành tựu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông…
Ngành nông nghiệp sạch có tiềm năng lớn bởi nhu cầu thực phẩm an toàn hiện nay ở nước ta và các nước trên thế giới đều rất lớn. Nhu cầu ăn ngon, ăn sạch, sử dụng thực phẩm hữu cơ bảo đảm sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, tăng chất lượng cuộc sống… ngày càng được con người quan tâm hướng đến. Việt Nam là nước nông nghiệp, nông sản rất phong phú, đa dạng, vì thế tiềm năng đầu tư vào ngành trồng trọt, chế biến nông sản sạch đang có triển vọng phát triển rất lớn.
Ngành du lịch cũng phát triển năng động và có dư địa rộng lớn vì nước ta có nhiều tiềm năng về du lịch. Trong 3 năm liên tiếp, mỗi năm lượng du khách đến Việt Nam đều tăng lên đột biến kéo theo nhu cầu phục vụ tăng cao từ hàng không đến khách sạn, nhà hàng... Nếu năm 2015, ngành du lịch nước ta chỉ đạt 8 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2017 đã tới khoảng 13 triệu lượt khách, tăng hơn 60%.
Hiện nay, có một số ngành kinh doanh hợp thời như: Du lịch, nông nghiệp sạch, thời trang, các ngành sử dụng thành tựu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông…
Trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu căn hộ bình dân giá rẻ ngày càng tăng, vì phù hợp với tình hình tài chính của đại đa số người lao động có thu nhập thấp và trung bình. Trong khi đó, nhu cầu về căn hộ cao cấp lại không nhiều, hơn nữa lại đang có nhiều nguồn cung từ các công ty bất động sản. Do đó, đầu tư căn hộ cao cấp dễ đối mặt với khó khăn triền miên trong việc bán hàng… Với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, theo tôi chữ “thời” nằm trong phân khúc căn hộ bình dân giá rẻ và kinh doanh đất nền tại các khu đô thị.
Các ngành kinh doanh thương mại điện tử, nghiên cứu phần mềm ứng dụng tự động hóa, tiếp thị số, các ngành sáng tạo ứng dụng công nghệ số như game, hoạt hình, phim ảnh, mạng xã hội… sẽ phát triển mạnh trong thời đại số cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là những ngành kinh doanh hợp thời.
Ông Đặng Đức Thành là một doanh nhân nổi tiếng trên thương trường. Ông từng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành phân bón, nông nghiệp, bất động sản… và hiện đang tiếp tục theo đuổi ngành kinh doanh thảo dược. Ông Đặng Đức Thành từng giữ vị trí lãnh đạo trong nhiều doanh nghiệp như: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Thương mại Căn nhà mơ ước; Ủy viên HĐQT Công ty CP Thủy sản số 1; Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Hoàng Anh; Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Thương mại Tiến Thịnh…
Quan trọng nhất là bán được hàng
PV: Là một doanh nhân thành công và có nhiều kinh nghiệm, ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ đang ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp?
Ông Đặng Đức Thành: Tổng kết kinh nghiệm nhiều năm của tôi cho thấy, khởi nghiệp kinh doanh để thành công quan trọng nhất là phải bán được hàng hóa, dịch vụ của mình, nói gọn là phải đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chữ “thời” ở đây là yếu tố nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu thực của lĩnh vực mà mình kinh doanh. Trường hợp sản xuất ra sản phẩm mà thị trường không có nhu cầu, hoặc nhu cầu ít, trong khi các công ty khác đã cung ứng thừa có nghĩa là lĩnh vực kinh doanh này đã hết thời và sẽ liên tục gặp khó khăn, khả năng thành công sẽ rất thấp.
Do đó, nếu chưa có sản phẩm, dịch vụ gì mới, khác biệt so với các công ty cùng ngành nghề hiện đang hoạt động trên thị trường thì chưa nên khởi nghiệp. Nếu khởi nghiệp trong lĩnh vực đã hết thời thì áp lực vô cùng lớn cho bán hàng, doanh thu và lợi nhuận hết sức khó khăn, cái kết thất bại đã được báo trước.
Nhà khởi nghiệp phải có cách nghĩ khác với số đông để tạo ra phương thức mới và học cách tư duy hành động của một ông chủ doanh nghiệp thực sự. Bởi hầu hết doanh nghiệp thành công đều xác định đúng mục đích kinh doanh là thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và tạo ra giá trị mới cho họ. Đã qua rồi thời kỳ người người kinh doanh, nhà nhà kinh doanh theo kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Hễ cứ thấy ai buôn bán hoặc sản xuất kinh doanh sản phẩm, ngành nghề gì mà nhanh chóng giàu lên, dễ dàng kiếm tiền thì thiên hạ ùn ùn lao vào, đổ tiền vào đầu tư, chên chân kinh doanh, làm ăn chụp giật, bất chấp những rủi ro… Muốn thành công, trước hết nhà khởi nghiệp phải có kỹ năng kinh doanh, nắm bắt và vận dụng chữ “thời” trong kinh doanh một cách hiệu quả.
PV: Chân thành cảm ơn ông!
Ông Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM):
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là chất xúc tác hết sức mạnh mẽ cho khởi nghiệp. Đơn giản vì 4.0 có tác động vô cùng sâu sắc đến mọi khía cạnh sản xuất, kinh doanh. Nó là nguồn vô tận cho sáng tạo ra hàng hóa, dịch vụ mới, đáp ứng tốt nhất cho xu hướng thị trường và cách mạng tiêu dùng hiện nay, đó là: “xanh” hơn, “thông minh” hơn, “văn hóa, nhân văn” hơn, “tích hợp” hơn và “cá tính” hơn.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang định hình lại cách thức làm ăn, làm mờ đi ranh giới giữa các ngành sản xuất, kinh doanh truyền thống và các lĩnh vực kinh doanh mới (kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo - AI…).
Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA):
Khi được hỏi đến sự nghiệp thì đa số thanh niên đều trả lời rằng muốn làm giám đốc, nhưng khi được hỏi về kỹ năng, kiến thức cần có để trở thành lãnh đạo doanh nghiệp thì họ đều có nhận thức rất… mơ hồ.
Nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp chỉ loay hoay với bài toán thiếu tiền. Vì vậy, khi cơ hội kinh doanh tới, họ không đủ sức để nắm bắt, thực hiện.
Thực tế, điều đầu tiên nhiều bạn trẻ hiện nay đặt ra khi khởi nghiệp là vốn. Tôi có hỏi các bạn là “có mô hình kinh doanh gì chưa?”, “nhắm vào thị trường nào?”, “năng lực lõi các bạn là gì?”... nhiều bạn nói chưa suy nghĩ mà phải có vốn thì mới làm được. Nếu như vậy, e rằng mãi cũng không thể khởi nghiệp nổi.
Ông Lý Trường Chiến - Chủ tịch HĐQT Trí Tri Group:
Người muốn khởi nghiệp phải biết quan tâm và tích cực suy nghĩ để biết được người khác đang cần gì, sau đó mang đến cho họ điều còn thiếu. Khi khởi nghiệp hay đầu tư, doanh nhân cần có cái nhìn toàn cục, cần xác định khởi nghiệp là một công việc khó nhọc, đòi hỏi sự dấn thân, dám chấp nhận thử thách để tạo ra những sản phẩm, giải pháp khác biệt.
Theo PetroTimes