Trong nửa đầu năm 2019, quy mô nợ vay của Tập đoàn Hòa Phát tăng thêm khoảng 10 nghìn tỷ đồng để giải ngân vào Dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất
Tập đoàn Hòa Phát công bố kết quả kinh doanh quý 2 với doanh thu đạt 15.300 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ 2018 nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 2.050 tỷ đồng, giảm 7%.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng thép xây dựng Hòa Phát cung cấp cho thị trường đạt hơn 1,34 triệu tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng lượng thép xây dựng xuất khẩu tăng 35% so với cùng kỳ. Thép Hòa Phát hiện chiếm 25% tổng thị phần thép trong nước.
Lãnh đạo Hòa Phát cho biết lợi nhuận quy giảm do giá quặng sắt vượt 120 USD/tấn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Giá điện cũng tăng trong khi khu liên hợp thép Dung Quất chưa có đóng góp nhiều vào kết quả kinh doanh.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng tăng rất mạnh trong quý vừa qua, cho thấy Hòa Phát đang phải chi nhiều tiền hơn để bán được hàng trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chậm lại. Chi phí bán hàng trong quý 2 đạt 269 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 106 tỷ đồng, tăng 60%.
Ngoài ra chi phí lãi vay của Hòa Phát cũng tăng mạnh trong quý 2 và nửa đầu năm. Cụ thể trong quý 2 tập đoàn trả 215 tỷ đồng lãi vay, lũy kế từ đầu năm là 400 tỷ đồng.Trung bình mỗi ngày tập đoàn trả hơn 2,2 tỷ đồng chi phí lãi.
Đây là kết quả việc đẩy quy mô vay nợ lên cao nhằm đầu tư cho dự án thép tại Dung Quất của Hòa Phát. Đến cuối tháng 6, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của tập đoàn đạt gần 34 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm. Tổng đầu tư vào dự án KLH Gang thép Dung Quất là gần 43 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 2 tỷ USD.
Tỷ suất lợi nhuận giảm do giảm do nguyên liệu tăng và chi phí lớn khiến lợi nhuận quý 2 của tập đoàn chỉ đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát chỉ đạt 3.860 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Với các ngành khác ngoài thép như nông nghiệp, bất động sản, Hòa Phát cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện các trang trại, dự án đã và đang triển khai nhằm tạo thêm động lực tăng trưởng trong thời gian tới.
Đối với nông nghiệp công nghệ cao, Hòa Phát hiện đang dẫn đầu thị phần cung cấp bò Úc tại Việt Nam với trên 50%. Lĩnh vực cho thuê hạ tầng khu công nghiệp tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ. Cụ thể, diện tích và giá trị cho thuê 6 tháng đầu năm đạt gần bằng con số cả năm trước.
Về tiến độ của dự án Dung Quất, Tập đoàn cho biết, đến hết 30/6 về cơ bản giai đoạn 1 đi vào công đoạn cuối cùng, đầu tháng 7 bắt đầu thử nguội và thứ nóng dây chuyền đồng bộ lò cao, luyện thép và cán thép. Trong 6 tháng cuối năm, sản lượng thép xây dựng hàng tháng sẽ tăng nhờ việc dần đưa các dây chuyền giai đoạn 1 của dự án tại Dung Quất, Quảng Ngãi vào hoạt động. Dự kiến tháng 3/2020, Hòa Phát sẽ ra thép cán nóng.
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long cũng chia sẻ, Hòa Phát đã chuẩn bị rất kỹ các phương án tiêu thụ sản phẩm, từ kho bãi, công tác thị trường, thương hiệu…Hòa Phát đã đầu tư xây dựng cảng của Tập đoàn tại Đồng Nai và Cần Thơ, đảm bảo cung cấp sản phẩm nhanh và đầy đủ. Thời gian tới Tập đoàn sẽ tập trung cao độ cho thị trường phía Nam từ 2020.
Về dự báo giá quặng và tình hình kinh doanh cuối năm, ông Long cho biết, Hòa Phát mua sẵn nguồn nguyên liệu theo giá cũ, giá được ghi nhận trung bình tháng nên hạn chế được ảnh hưởng của việc tăng giá quặng nửa đầu năm.
Năm 2019, Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 6.700 tỷ đồng, giảm 22% so với 2018. Ông Long nhận định, 6 tháng cuối năm ngành thép sẽ tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đang chậm lại. Tuy nhiên, nếu không có biến động gì lớn, Hòa Phát tự tin sẽ hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2019 dù không nhiều.
Trần Anh/Theleader