Sau khi chúng tôi đăng loạt bài điều tra Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên “mất tích”, thêm nhiều nạn nhân tiếp tục tố cáo bị lừa khi tham gia vào “Team khởi nghiệp 360” và những công ty có hình thức hoạt động tương tự.
Chiều 14.6, nhiều nạn nhân (trong đó có cả nạn nhân ở tỉnh) gặp PV để phản ánh việc mình bị lừa đóng khoản tiền lớn vào những nhóm đa cấp hình thức tương tự “Team khởi nghiệp 360”.
Bày cách cầm cố “sổ đỏ” lấy tiền
Theo anh T.L.M.T (30 tuổi, TX.Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu), khoảng 1 năm trước, anh bị lừa mua gói “khởi nghiệp” và gói “chuyên nghiệp” của “Team khởi nghiệp 360” có văn phòng tại TX.Phú Mỹ với giá 24 triệu đồng.
Các nhân viên công ty tiếp tục hứa hẹn với anh về hoa hồng và bày cho anh cách để có 420 triệu đồng để mua gói thăng hạng. “Nhân viên của công ty này kéo xuống nhà tôi, bày cho tôi cách lấy “sổ đỏ” đem đi cầm để gia đình chuộc hoặc thuê giang hồ đến đòi nợ mẹ tôi. Tôi kinh hãi nên rút đi”, anh T. nói.
Chị T.T.V.A (22 tuổi), người mới thoát khỏi tròng của “Team khởi nghiệp 360” thuộc cơ sở kinh doanh V.P ở P.Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) cách đây vài tháng sau khi bị lừa đóng 2 mã đại diện “9090”, kể: Ở cơ sở này, hoàn toàn không bán hàng mà chỉ yêu cầu nhân viên kéo người vào hệ thống bằng cách lập tài khoản ảo để đăng thông tin tuyển dụng. Nếu ngày nào không kéo được người vào thì sẽ bị phạt chạy 50 vòng 3 tầng lầu, ăn ớt hoặc dọn vệ sinh công ty hoặc bị phạt tiền. Sau vài tuần làm, nhân viên ở đây buộc chị V.A đóng 420 triệu đồng (5 mã và hàng chục đơn hàng) để sang gói “doanh nhân” và chỉ dẫn chị gặp “tổng tuyến” H.V.S để học hỏi “cách thức trở thành doanh nhân”.
H.V.S gợi ý cho chị V.A cách làm hồ sơ du học giả để về lừa gia đình. Vừa kinh sợ bộ mặt lừa đảo của công ty, vừa không muốn mẹ đi vay để có tiền cho mình, chị V.A quyết định thôi việc.
Bị phạt ăn ớt, mặc váy ngắn đi tìm khách
Tương tự, chị N.T.H (21 tuổi) cho biết cách đây 1 năm, một người bạn hướng dẫn chị đến một văn phòng của công ty V. trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Nhân viên “bày cách” cho chị H. bán máy tính để có tiền gia nhập; sau đó hướng dẫn cho chị H. viết từng câu chữ, làm biên lai học phí giả của một trường đại học quốc tế để... về xin mẹ 278 triệu đồng.
Kế hoạch làm giàu mà sinh viên được các sếp “Team khởi nghiệp 360” giảng dạy
|
Thực chất, số tiền này là để “đầu tư” lên được “gói vàng”. Mẹ chị H. đã phải cầm “sổ đỏ” để có tiền cho con. Chị H. biết mình lừa mẹ, khiến mẹ đau lòng nhưng vẫn muốn làm tiếp để gỡ gạc.
Trong khoảng thời gian 9 tháng “gắn bó” với nhóm đa cấp, chị H. nghỉ học, cắt đứt mọi liên hệ với bạn bè; bị lấy hết tài khoản để nhắn tin lôi kéo bạn bè tham gia; luôn bị chửi mắng... Nếu ngày nào không lôi kéo được ai vào nhóm, chị sẽ phải ăn ớt và bị bắt mặc váy ngắn vào các quán nhậu để tìm khách hàng... Chị H. đã “rủ” được 2 người bạn vào hệ thống; đóng cho công ty này gần 300 triệu đồng. Sau đó, chị H. cảm thấy công việc quá “thất đức”, lừa gạt nhiều người... nên bỏ việc.
Rà soát các doanh nghiệp bán hàng đa cấp
Chiều 15.6, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết theo như Báo Thanh Niên phản ánh, hoạt động của “Team khởi nghiệp 360” có dấu hiệu vi phạm hình sự, như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức và bao gồm cả tội trốn thuế...
Cũng theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, hiện nay chưa đơn vị hay tổ chức nào có tên “Team khởi nghiệp 360” được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Do đó, “Team khởi nghiệp 360” và các cá nhân liên quan có dấu hiệu vi phạm điều 217a bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 về kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, và có thể bị xử lý với mức phạt tới 5 tỉ đồng hoặc 5 năm tù.
Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết sẽ nhanh chóng rà soát, giám sát các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, nếu có hành vi sai phạm hoặc có mô hình tương tự “Team khởi nghiệp 360” như Báo Thanh Niên phản ánh, để cung cấp thông tin cho Bộ Công thương kiểm tra, xử lý.
Cũng trong chiều 15.6, trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo Bộ Công thương cho biết theo quy định, Bộ Công thương quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Nghị định 40/2018 cũng có quy định ngành công thương giám sát, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp, kể cả có giấy phép hay không có giấy phép, để lên tiếng cảnh báo và xử lý nếu có sai phạm.
“Nhưng theo thông tin mà Báo Thanh Niên phản ánh, đây là hoạt động lợi dụng hình thức của đa cấp; không có chuyện bán hàng hóa, mà là bán dịch vụ. Pháp luật đã quy định, tất cả hoạt động không phải bán sản phẩm hàng hóa mà bán theo phương thức đa cấp thì bị cấm. Bộ luật Hình sự cũng đã quy định rõ như thế là phạm tội hình sự và Bộ Công an sẽ xử lý”, vị này nói và cho biết thêm Bộ Công thương không cấp giấy phép bán hàng đa cấp cho các đơn vị này.
|