Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Vì sao Amazon sẽ không vào Việt Nam trong vài ba năm tới?

17/08/2019 12:59

Trên thực tế, thị trường Việt Nam nói riêng cũng như cả Đông Nam Á nói chung vẫn còn nhiều rào cản khiến nhà bán lẻ lớn nhất thế giới này chưa mở website bán hàng trực tiếp tại bất cứ quốc gia nào trong khu vực.

Thông tin Amazon vào Việt Nam được nhiều người nhắc đến trong vài năm gần đây với kỳ vọng sẽ sớm mua được hàng hóa trực tiếp trên Amazon mà không phải đi qua các kênh trung gian như hiện nay. Mới đây nhất, động thái Amazon thành lập công ty Amazon Global Selling Việt Nam, tuyển Giám đốc điều hành là một cựu lãnh đạo của Alibaba Việt Nam khiến niềm hy vọng ấy được thổi bùng lên một lần nữa.

Thực tế cần nhìn nhận, Amazon Global Selling chỉ là đơn vị lập ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon thuận lợi hơn. Với khách hàng trong nước, câu chuyện vẫn là nhờ người thân, bạn bè đang sinh sống ở nước ngoài mua hộ, hoặc mua qua các đơn vị trung gian, vì nhiều sản phẩm trên Amazon không hỗ trợ vận chuyển về Việt Nam.

"Tôi là một trong những người trực tiếp phụ trách kết nối Amazon Global Selling với Việt Nam. Tôi khẳng định Amazon.com chưa có bất cứ dự định nào tham gia vào thị trường Việt Nam", ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) đã khẳng định tại sự kiện Vietnam Online Bussiness Forum tổ chức hồi tháng 3/2019 tại Hà Nội.

Thậm chí, tại một sự kiện khác tổ chức trước đó, ông còn nhấn mạnh với giới truyền thông: "Trong vòng 5 năm nữa, Amazon cũng sẽ chưa đặt kho và phát triển bán hàng ở Việt Nam".

Quy mô thị trường quá nhỏ

Amazon hiện là nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất trên toàn thế giới, với địa chỉ chính tại Amazon.com. Ở những thị trường khác nhau mà ông lớn này đã xuất hiện, hãng sẽ xây dựng website riêng như Amazon.co.uk hay Amazon.co.jp

Tính đến nay, Amazon mới có mặt tại 16 thị trường lớn trên thế giới, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Ireland, Canada, Đức, Ý, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và mới đây nhất là các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (tháng 5/2019).

Năm 2018, những thị trường này đem về cho Amazon doanh thu lên tới hơn 230 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu cả thị trường TMĐT Việt Nam trong năm ngoái mới chỉ là 2,8 tỷ USD, tương đương 1,2 % con số phía trên. Thậm chí, nếu so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, doanh thu thị trường TMĐT Việt Nam còn đang thấp hơn Indonesia (12,2 tỷ USD) và Thái Lan (3 tỷ USD), theo số liệu của Google và Temasek.

Vì sao Amazon sẽ không vào Việt Nam trong vài ba năm tới? - Ảnh 1.

Những thị trường TMĐT hàng đầu Đông Nam Á. Nguồn: Google và Tamasek.

Nếu Amazon thực sự muốn chinh phục Đông Nam Á, Indonesia, với dân số gần 270 triệu người, lớn thứ 4 trên thế giới và quy mô thị trường TMĐT lớn nhất khu vực, sẽ là lựa chọn hợp lý để bắt đầu.

Dịch vụ logistic và hệ thống pháp luật còn nhiều vấn đề

Với một quy mô khổng lồ theo kiểu "thuyền to, sóng lớn", Amazon bản chất là mô hình tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa hoạt động bằng công nghệ để thu về biên lợi nhuận đủ lớn. Muốn cắt giảm chi phí, thì một trong những khâu cần phải được tối ưu hóa đầu tiên là giao nhận.

Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, chi phí logistics nói chung thuộc top cao nhất thế giới, chiếm tới hơn 20% GDP. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 quốc gia về mức độ phát triển logistics, đứng sau Singapore, Malaysia và Thái Lan trong khu vực Đông Nam Á.

Chi phí vận chuyển cao sẽ làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa trên các sàn TMĐT, ảnh hưởng đến quyết định mua hàng cuối cùng của người tiêu dùng.

Chưa kể hiện nay, giống với nhiều quốc gia khác, TMĐT Việt Nam đang đi trước khung pháp lý. Nghị định mới nhất về hoạt động TMĐT được ban hành từ năm 2013, do đó thiếu cơ sở để xử lý các tranh chấp trong giai đoạn hiện nay, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích của mỗi bên.

Vì sao Amazon sẽ không vào Việt Nam trong vài ba năm tới? - Ảnh 2.

Mức độ sẵn sàng cho TMĐT của người Việt còn thấp

TMĐT là quá trình khép kín từ lúc đặt hàng đến giao hàng mà ở đó hoạt động thanh toán đa phần là trực tuyến. Tuy nhiên tại Việt Nam các giao dịch tiền mặt và giao hàng COD (nhận hàng mới trả tiền,PV) vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt không có biến động nhiều trong giai đoạn 2010 đến quý II-2018. Tính đến cuối đến cuối quý II-2018, con số này là 11,9%, thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của các nước phát triển như Mỹ (hơn 93%) và châu Âu (90%).

Ngoài ra, so với văn hóa Âu-Mỹ, người Á đông nói chung và Việt Nam nói riêng không có thói quen tích trữ, cần đến đâu mua đến đấy, rất nhỏ lẻ, vụn vặt. Vì vậy, chưa tính đến các đối thủ có sẵn trên thị trường TMĐT, Amazon vào Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh với những shop nhỏ lẻ, cửa hàng tiện lợi hay thậm chí là các tiệm tạp hóa truyền thống.

Trí thức trẻ