Các chuỗi bán lẻ có cơ cấu mặt hàng càng thiên về thực phẩm thì biên lợi nhuận càng cao. Đối với Bách Hóa Xanh, việc điều chỉnh cơ cấu mặt hàng đã mang lại cải thiện trong biên lợi nhuận. Hiện nay khoảng 1/3 doanh thu toàn chuỗi tới từ thực phẩm tươi, con số này là 50% ở riêng các cửa hàng tiêu chuẩn.
Vì sao Bách hóa Xanh muốn nhân rộng mô hình 'thịt tươi, cá lội'?
Tiệm cận điểm hòa vốn, Bách hóa Xanh nhân rộng mô hình "thịt tươi, cá lội"
Theo cập nhật mới đây từ Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), trong tháng 8/2018, chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận tổng doanh thu của 405 cửa hàng đạt trên 420 tỷ đồng. Mức doanh thu tính bình quân cho các cửa hàng khai trương trước ngày 1/8/2018 đạt trên 950 triệu đồng/cửa hàng, tiến sát điểm hòa vốn 1 tỷ đồng/cửa hàng.
Phía MWG cho hay các cửa hàng Bách hóa Xanh đang hoạt động với mô hình chuẩn (từ 160 đến 200m2) đạt mức doanh thu trung bình trên 1,1 tỷ đồng/tháng.
Cùng với đó, đến hết tháng 8, Bách hóa Xanh có 2 cửa hàng quy mô lớn (300m2) tại Quận Thủ Đức và Quận Bình Tân với doanh số ổn định khoảng 3 tỷ đồng/tháng/cửa hàng. Ngoài ra, 4 cửa hàng hoạt động tại tỉnh Bình Dương và Long An cũng ghi nhận doanh thu cao hơn 20%-30% so với doanh thu trung bình của các cửa hàng cùng loại tại Tp.HCM.
Lãnh đạo MWG tự tin khẳng định, sau nhiều thử nghiệm, Bách hóa Xanh đã chuẩn hoá mô hình “thịt tươi, cá lội” để sẵn sàng nhân rộng trong thời gian tới.
Theo đó, chuỗi bách hóa này sẽ tiếp tục nâng cấp hàng chục cửa hàng từ mô hình cũ (không có “thịt tươi, cá lội”) lên mô hình chuẩn và một số cửa hàng từ quy mô chuẩn lên quy mô lớn. Đồng thời, Bách hóa Xanh sẽ xem xét ngừng hoạt động đối với những cửa hàng không có tiềm năng nâng cấp lên mô hình chuẩn hoặc không đạt ngưỡng doanh thu tối thiểu để hoà vốn EBITDA tại cửa hàng, nhằm tránh ảnh hưởng đến mục tiêu chung của toàn chuỗi.
Một góc cửa hàng Bách hóa Xanh theo mô hình "thịt tươi, cá lội"
Lãnh đạo MWG cho biết, trong 4 tháng cuối năm, Bách hóa Xanh sẽ đẩy mạnh mở mới hướng đến mục tiêu 500 cửa hàng, chủ yếu tại khu vực phía Đông (Quận 2, Quận 9, Thủ Đức), phía Nam (Quận 4, Quận 7, Quận 8, Bình Chánh, Nhà Bè) của Tp. Hồ Chí Minh, và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang.
"Việc mở rộng kinh doanh tiến vào các khu vực sầm uất hơn cũng như triển khai thêm các trung tâm phân phối (bao gồm kho trữ lạnh thực phẩm) làm tăng chi phí hoạt động chuỗi Bách hóa Xanh từ đây đến cuối năm 2018. Tuy nhiên, đây là nền tảng cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ của Bách hóa Xanh trong thời gian tới", lãnh đạo MWG thông tin.
Giải bài toán nâng biên lợi nhuận bằng cách nào?
Theo đánh giá từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), bán lẻ thực phẩm là một lĩnh vực hấp dẫn nhờ quy mô thị trường lớn, tăng trưởng ổn định và không chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế.
Tuy nhiên, sự ít khác biệt của mặt hàng thực phẩm cùng độ phân mảnh cao của thị trường khiến cho cạnh tranh trong ngành là rất gay gắt. Các nhà bán lẻ thường phải duy trì biên lợi nhuận khá mỏng.
Từ những cách nâng biên lợi nhuận mà các chuỗi bán lẻ lớn trên thế giới áp dụng, VDSC chỉ ra một số cách có thể áp dụng đối với Bách hóa Xanh.
Thứ nhất là tăng giá bán. Theo VDSC, việc này không phải dễ dàng đối với mặt hàng có tính đồng nhất cao như thực phẩm, thường thì việc tăng giá bán sẽ dẫn đến mất khách hàng vào tay đối thủ cạnh tranh. Chiến lược này sẽ chỉ hiệu quả khi nhà bán lẻ có lợi thế về thị phần hoặc sản phẩm khác biệt.
Đơn cử như chuỗi Whole Foods tại Mỹ luôn duy trì được biên lợi nhuận gộp cao (34%) so với ngành (trên 20%) nhờ đi đầu trong ngành hàng organic.
Tại Việt Nam, tiêu chuẩn phổ biến nhất vẫn là VietGAP, trong khi thực phẩm organic còn là khái niệm rất mới mẻ và chưa phổ biến. Thực phẩm bán tại các cửa hàng nhìn chung không có nhiều khác biệt nên việc bán giá cao hơn mặt bằng chung sẽ khó có thể thành công.
Tuy vậy, VDSC cho rằng Bách Hóa Xanh vẫn có thể tăng giá bán vì giá tại đây đang thấp hơn thị trường. Cụ thể, chuỗi này áp dụng chiến lược giá rẻ để thu hút khách hàng vào giai đoạn ban đầu với mặt bằng giá thực phẩm thấp hơn từ 10-30% so với các đối thủ chính như CoopFood hay SatraFood.
"Trong các năm tới, giá cả tại Bách Hóa Xanh sẽ tăng dần nhưng vẫn sẽ được giữ thấp hơn các chuỗi khác nhờ lợi thế quy mô và quản lý chi phí hiệu quả", VDSC dự báo.
Cách thứ hai là tăng cơ cấu thực phẩm tươi. Một thực tế là các chuỗi bán lẻ có cơ cấu mặt hàng càng thiên về thực phẩm thì có biên lợi nhuận càng cao.
Đối với Bách Hóa Xanh, việc điều chỉnh cơ cấu mặt hàng đã mang lại cải thiện trong biên lợi nhuận. Hiện nay khoảng 1/3 doanh thu toàn chuỗi tới từ thực phẩm tươi, con số này là 50% ở riêng các cửa hàng tiêu chuẩn.
Thực tế, như đã đề cập phía trên, Bách hóa Xanh đang chuyển dịch theo hướng cung cấp "thịt tươi, cá lội" - nghĩa là tăng dần các mặt hàng tươi.
Các chuỗi bán lẻ có cơ cấu mặt hàng càng thiên về thực phẩm thì biên lợi nhuận càng cao
Thứ ba là giảm tỷ lệ hư hao.
"Hàng bán không hết phải bỏ đi sẽ bào mòn biên lợi nhuận vốn đã mỏng của các nhà bán lẻ, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm tươi thường có vòng đời rất ngắn. Đây là vấn đề cố hữu trong ngành thực phẩm. Giải pháp phổ biến nhất là giảm giá đối với thực phẩm để qua ngày hoặc không đạt yêu cầu về hình thức", VDSC nêu thực trạng.
Do đang trong giai đoạn thử nghiệm để tìm ra cơ cấu hàng hóa phù hợp, tỷ lệ hàng tươi sống phải bỏ đi của Bách Hóa Xanh là khá cao, từ 2-3%. Tuy nhiên, theo VDSC, đây cũng là sự đánh đổi của Bách Hóa Xanh trong giai đoạn ban đầu để đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cần thiết và thu hút được nhiều khách hàng mới.
Thứ tư là tăng số lượng mua trên mỗi nhà cung cấp. Điều này sẽ mang lại chiết khấu cao hơn cho nhà bán lẻ, giảm giá thành và tăng lợi nhuận. Việc mua từ quá nhiều nhà cung cấp sẽ gia tăng chi phí quản lý và vận chuyển, cũng như thường phải trả giá cao hơn để thỏa các điều kiện về đơn hàng tối thiểu. Chiến lược này hiệu quả nhất tại các nước có nền nông nghiệp phát triển nhờ quy mô lớn của các hộ chăn nuôi/trồng trọt.
Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất nông nghiệp còn manh mún và mức độ tự động hóa chưa cao khiến cho mỗi đại lý hay hộ nông dân chỉ có thể cung cấp một số lượng hạn chế các loại nông sản.
"Bách Hóa Xanh mở rộng quy mô đồng nghĩa với việc phải gia tăng số lượng nhà cung cấp, khiến cho lợi thế về quy mô bị hạn chế so với mảng kinh doanh điện thoại, vốn chỉ làm việc với vài nhà sản xuất điện thoại lớn", VDSC nhấn mạnh.
Cách thứ năm là cách truyền thống: Mở rộng cửa hàng. Cửa hàng lớn hơn sẽ phục vụ được nhiều loại hàng hóa hơn và gia tăng giá trị hóa đơn của mỗi khách hàng.
Qua quan sát của VDSC, diện tích lớn cho phép bố trí thêm quầy hàng thực phẩm mà không phải hy sinh khu vực hàng tiêu dùng là yếu tố chính giúp cho lượng khách đến các cửa hàng Bách Hóa Xanh tiêu chuẩn (150-200 m2) cao hơn đáng kể so với những cửa hàng nhỏ khác (50-150m2).
Ngoài tìm mặt bằng mới, công ty chứng khoán này cũng hiến kế rằng MWG có thể chuyển đổi các cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh mini thành Bách Hóa Xanh trong bối cảnh thị trường hàng điện tử đang dần bão hòa.
Mới đây, Công ty Cổ Phần Thế Giới Di Động – Công ty con của MWG hiện đang quản lý, vận hành 2 chuỗi siêu thị Thế giới di động và Điện máy Xanh – đã thông qua việc thay đổi vị trí Tổng Giám Đốc kiêm Người Đại diện theo pháp luật từ ông Trần Kinh Doanh sang ông Đoàn Văn Hiểu Em.
Phía MWG cho biết, người tiền nhiệm - ông Trần Kinh Doanh - sẽ tập trung hoàn toàn vào việc dẫn dắt chuỗi Bách hóa Xanh lên vị trí số 1 ngành bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng. Đồng thời, với tư cách là thành viên HĐQT, ông ông Trần Kinh Doanh sẽ tiếp tục tham gia định hướng cho mọi lĩnh vực kinh doanh của MWG. 8 tháng năm 2018, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 58.667 tỷ đồng, doanh thu online đạt 7.557 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.969 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng 39% doanh thu thuần, 118% doanh thu online và 36% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm 2017. |