Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Vì sao Bitexco phải đi vay tiền doanh nghiệp Hồng Kông mua cổ phần Du lịch Hương Giang?

01/08/2019 14:47

Nắm trong tay hệ sinh thái hàng chục doanh nghiệp, đầu tư loạt dự án tỷ đô, song Bitexco vẫn đi vay pháp nhân Hồng Kông (Trung Quốc) để mua cổ phần Hương Giang chỉ với mức giá gần 160 tỷ đồng, để rồi sau đó không trả được và bị siết nợ?
huong-giang-tourist-nhadautuvn-1253

Dù có vốn điều lệ chỉ 200 tỷ đồng, song Hương Giang nắm trong tay quỹ đất lớn và có vị trí đắc địa bậc nhất TP.Huế

Đối tác chiến lược kiểu Bitexco

Trong đợt cổ phần hoá đầu năm 2007, 7,62% cổ phần CTCP Du lịch Hương Giang (Hương Giang Tourist) được bán cho Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh (là Tập đoàn Bitexco sau này), bán đấu giá công khai (IPO) 27,45% và Nhà nước thông qua UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giữ lại 62,86%. Chủ tịch Bitexco Vũ Quang Hội sau đó được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT Hương Giang.

Quãng thời gian 9 năm sau đó, Hương Giang không gây nhiều chú ý, cho tới tháng 3/2016 khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chấp thuận bán chỉ định toàn bộ 12,572 triệu cổ phần (62,86% vốn) Hương Giang cho nhà đầu tư chiến lược Bitexco với đơn giá 12.600 đồng/CP, tương đương trọn lô 158,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, một tháng trước khi được sang tên trong sổ cổ đông, Bitexco cuối tháng 6/2016 đã thế chấp toàn bộ 1,524 triệu cổ phần Hương Giang đang sở hữu và 12,572 cổ phiếu Hương Giang nhận được trong tương lai.

Bên cho vay là Kei Sei Limited. Pháp nhân có trụ sở tại Hồng Kông, trên thực tế đã là cổ đông lớn thứ hai (sau UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) với gần 13% cổ phiếu Hương Giang mua từ thời điểm cổ phần hoá năm 2007.

4 tháng sau khi thế chấp, Bitexco tháng 10/2016 bất ngờ "sang tay" 5,758 triệu cổ phần, tương đương 28,79% vốn Hương Giang cho Kei Sei. Bên cạnh đó, nhà đầu tư ngoại này còn gom thêm 0,7 triệu cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu từ 12,95% lên 45,24%, vượt qua Bitexco và trở thành cổ đông lớn nhất.

Tới cuối năm 2016, có 3 cổ đông nắm đến 93,98% vốn Hương Giang, trong đó Kei Sei chiếm 45,24% và Bitexco là 41,74%.

Dù chỉ có vốn 200 tỷ đồng, song Hương Giang Tourist sở hữu quỹ đất lớn và có vị trí đắc địa bậc nhất TP.Huế. Theo Bản công bố thông tin phục vụ IPO năm 2007, Hương Giang nắm trong tay 176.663m2 đất, trong đó phần lớn nằm ở trung tâm TP.Huế như Khách sạn La Residence rộng 17.036 m2 (thuê 30 năm từ 2003); Khách sạn Sài Gòn Morin rộng 7.702 m2 cạnh cầu Tràng Tiền (thuê 40 năm từ 2000); Khách sạn Hương Giang quy mô 13.508 m2 (thuê 30 năm từ 1998); Trung tâm DVDL Hương Giang 9.222 m2 (thuê 30 năm từ 2002); Khu du lịch Làng Quê 66.470 m2 (thuê 45 năm từ 2004); Tổng kho Thuỷ Biều 22.915 m2 (thuê 20 năm từ 2003); Trung tâm văn hoá Huyền Trân 22.540 m2 cùng một số nhà hàng như Quê Hương (1.832 m2) hay Bình Minh (1.301 m2).

"Phép tính" dài hơi

Trong thương vụ này, một băn khoăn lớn là vì sao Bitexco nhanh chóng từ chối quyền lợi của nhà đầu tư chi phối Hương Giang để san sẻ cho nhà đầu tư ngoại. Và nữa, nguyên do nào mà tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam phải đi vay để mua một tài sản rất có giá trị là Hương Giang Tourist chỉ với mức giá gần 160 tỷ đồng, đặt tương quan trong hệ sinh thái khổng lồ của Bitexco?

Thông tin trên mang tới không ít ngỡ ngàng, bởi từ trước đến nay, mối quan hệ giữa Bitexco và nhà đầu tư Hồng Kông là khá nồng ấm, không chỉ thể hiện qua việc Crystal Treasure thu xếp vốn để tập đoàn của anh em ông Vũ Quang Hội mua cổ phiếu Hương Giang năm 2016, mà 2 cổ đông này gần như đồng nhất quan điểm trong các vấn đề lớn, với Biên bản ĐHĐCĐ thường niên giai đoạn 2016-2018 của Hương Giang thể hiện các tờ trình đều được thông qua với tỷ lệ suýt soát 100%.

Bởi vậy, cùng với diễn biến Bitexco bán ngay 28,79% cổ phần Hương Giang cho Crystal Treasure chỉ ít tháng sau khi mua chỉ định từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016, không ít ý kiến cho rằng Bitexco thực chất chỉ là bên đứng ra "mua hộ" cho nhà đầu tư Hồng Kông, và tất cả những "căng thẳng" giữa hai bên thời gian qua, từ siết nợ đến kiện cáo, cũng có thể là một “vở diễn”?

Dĩ nhiên đây chỉ là một giả thiết mà tính chính xác chỉ có những người trong cuộc mới nắm tường tận.

Dù vậy, phải ghi nhận rằng Bitexco không "tay trắng" trong thương vụ Hương Giang. Trước khi hai bên xảy ra tranh chấp (ít nhất là trên giấy tờ), Crystal Treasure năm 2018 với vai trò cổ đông lớn nhất đã chấp thuận cho Hương Giang bán toàn bộ 91,4% cổ phần trong CTCP Du lịch Mỹ An cho Bitexco.

Dự án nghỉ dưỡng 600 tỷ đồng tại huyện Phú Vang, rõ ràng là khoản hời không nhỏ của Bitexco trong thương vụ Hương Giang, khi mà trên thực tế, tập đoàn của anh em doanh nhân họ Vũ gần như không phải bỏ ra "đồng nào" mua cổ phần từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016.

Một chi tiết đáng lưu tâm khác, không ít doanh nghiệp tư nhân thời gian qua, dù có thể không có nhu cầu, song vẫn kêu gọi sự tham gia đầu tư chung của các nhà đầu tư nước ngoài. Việc “quốc tế hóa” sở hữu doanh nghiệp được kỳ vọng có thể phần nào đối phó với các rủi ro của hệ thống pháp lý trong nước.

Với trường hợp Hương Giang, Thanh tra Chính phủ giữa năm ngoái đã tiến hành thanh tra quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Nếu có sai phạm, quá trình xử lý sẽ không dễ dàng. Nên nhớ rằng tỷ lệ sở hữu của Bitexco trong Hương Giang hiện chỉ còn vỏn vẹn 9,11%.

Bitexco "khủng" cỡ nào?

Khởi nghiệp năm 1985 từ một công ty dệt ở Thái Bình, Bitexco sau hơn 3 thập kỷ hoạt động tới nay là tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam với hàng chục doanh nghiệp thành viên hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, khách sạn, khai khoáng, thuỷ điện, khai thác dầu khí...

Pháp nhân "lõi" là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (thành lập năm 1993) hiện có vốn điều lệ 6.260 tỷ đồng, trong đó ông Vũ Quang Hội chiếm 60%, người em trai Vũ Quang Bảo đứng tên Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật và sở hữu 40% cổ phần còn lại.

Một số dự án tiêu biểu của Bitexco là toà tháp Financial Tower tại trung tâm Quận 1, siêu dự án tỷ đô Thanh Đa - Bình Quới, dự án Spirit of Saigon (500 triệu USD) ở TP.HCM; Khách sạn 5 sao JW Marriott, dự án The Manor Central Park tổng mức đầu tư 2 tỷ USD tại Hà Nội. Ở Lào Cai, Bitexco tháng 7/2017 khánh thành dự án Khu đô thị The Manor có tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng. Đầu năm 2019, tập đoàn này tiếp tục được UBND tỉnh Lào Cai chỉ định dự án Khu đô thị mới Đông Bắc Sapa quy mô 160ha, vốn đầu tư 9.000 tỷ đồng.

An Dương/Nhà Đầu tư