Vì sao chứng khoán trong nước rơi mạnh đầu tuần?

16/11/2020 17:11

Đóng cửa phiên 16/11, VN-Index mất 16 điểm, dừng ở 951 điểm. Áp lực bán dâng cao về cuối phiên chiều, tập trung vào nhóm cổ phiếu Vingroup, Masan.

Đóng cửa phiên 16/11, VN-Index mất 16 điểm, dừng ở 951 điểm. Áp lực bán dâng cao về cuối phiên chiều, tập trung vào nhóm cổ phiếu Vingroup, Masan.

Thị trường chứng khoán trong nước mở cửa phiên đầu tuần 16/11 trong trạng thái tích cực. Chỉ số VN-Index vượt lên mốc tham chiếu ngay đầu phiên. Tuy nhiên, tình hình giao dịch sau đó đổi chiều.

Sắc đỏ bắt đầu chiếm ưu thế trên toàn thị trường từ cuối phiên sáng. Trong phiên chiều, lực cầu giúp thị trường thu hẹp đà tăng tại một số thời điểm nhưng áp lực bán dâng cao ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn về cuối phiên ATC kéo VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày.

Chốt phiên 16/11, VN-Index mất 16 điểm và dừng ở 951 điểm. Trên sàn HoSE, 305 cổ phiếu giảm giá và chỉ 146 mã đóng cửa trong sắc xanh. Trong danh mục VN30, ngoại trừ HPG (Hòa Phát) tăng 1%, 29 cổ phiếu còn lại đều chìm trong sắc đỏ.

Các cổ phiếu bluechip tác động tiêu cực nhất lên VN-Index hôm nay gồm MSN (Masan) giảm 7%, VIC (Vingroup) giảm 5%, VHM (Vinhomes) giảm 2%.

Trong phiên giảm điểm mạnh nhất từ đầu tháng 11 của thị trường chứng khoán trong nước, giá trị giao dịch trên sàn HoSE đạt 10.231 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 30% so với phiên liền trước. Cổ phiếu đứng đầu về thanh khoản vẫn là FLC với 40,8 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng bán ròng với giá trị gần 400 tỷ đồng. Những mã bị khối ngoại xả hàng nhiều nhất phiên 16/11 là HDB (HDBank) - 96 tỷ đồng, CTG (Vietinbank) - 92 tỷ, MSN - 88 tỷ, VHM - 60 tỷ, HPG - 59 tỷ.

VN-Index điều chỉnh mạnh phiên 16/11 với thanh khoản tăng cao. Ảnh: VNDS.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), nhận định một thông tin tiêu cực xuất hiện trong phiên sáng là ca dương tính trở lại với Covid-19 khiến nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh có thể trở lại hay không. Trường hợp này sau đó được xác định âm tính nhưng vẫn không khắc phục được tâm lý nhà đầu tư.

Một yếu tố khác khiến nhà đầu tư e dè hơn hôm nay theo chuyên gia của YSVN là đà giảm của các hợp đồng tương lai trên thị trường phái sinh. Ngoài ra, ông Minh cho rằng nhà đầu tư cũng thận trọng hơn khi mua vào và có xu hướng chốt lời khi VN-Index tiệm cận sát mức kháng cự 970 điểm.

“Đà giảm tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu Vingroup và Masan. Đây là các cổ phiếu tác động chính lên VN-Index. Độ rộng thị trường nhìn chung vẫn khả quan. Đà bán tháo không diễn ra trên toàn thị trường. Rủi ro hiện nay vẫn thấp và các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn thu hút dòng tiền trong những phiên gần đây”, ông Minh nhận định với Zing.

Theo ông, khả năng VN-Index vượt mốc 970 điểm vẫn khá cao. Hai hiệu ứng tốt là dòng tiền vẫn duy trì ở mức cao và độ rộng thị trường vẫn tích cực. Song song đó, chứng khoán thế giới những phiên gần đây cũng diễn biến tương đối tích cực khi xuất hiện những thông tin khả quan về vaccine Covid-19.

Dù vậy, ông Minh lưu ý tuần này các hợp đồng tương lai sẽ đáo hạn. “Thông thường, đến tuần đáo hạn của thị trường phái sinh, diễn biến sẽ khó lường hơn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Khi đó, nhà đầu tư thường lo ngại, chọn chiến lược đứng ngoài thị trường. Nhìn chung rủi ro còn thấp, nhịp điều chỉnh này vẫn là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu”, ông Minh nêu quan điểm.

Việt Đức

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao chứng khoán trong nước rơi mạnh đầu tuần?" tại chuyên mục Chứng khoán.