Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, mã chứng khoán: SAS) tiếp tục trải qua một quý kinh doanh ảm đạm khi ngành hàng không gần như tê liệt trong quý III do các quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch.
Theo Dân Trí, 3 tháng gần nhất, doanh thu thuần của Sasco chỉ đạt 57 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ 2020.
Sasco có lãi sau thuế 2 tỷ đồng trong quý III. Dù lợi nhuận chỉ tương đương 5% cùng kỳ 2020.
Vẫn theo Dân Trí, lũy kế 9 tháng, Sasco đạt doanh thu thuần 260 tỷ đồng, giảm hơn 60%. Lợi nhuận ròng sau 3 quý của công ty chỉ vỏn vẹn 305 triệu đồng, giảm 99% so với cùng kỳ 2020.
Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của Sasco là hơn 1.600 tỷ đồng. Nợ phải trả chỉ hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ các khoản vay ngân hàng của công ty rất thấp, chỉ khoảng 3 tỷ đồng.
Gần đây, tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn nói riêng và IPP Group nói chung gây xôn xao dư luận khi công bố kế hoạch mua bán “siêu khủng”. Đó là mua 10 máy bay B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỷ USD của Tập đoàn Boeing (Mỹ).
Tuy nhiên, đây chỉ là kế hoạch, vì mọi việc phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Hiện tại, hãng hàng không của ông Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn chưa được “khai sinh”. Công ty cổ phần IPP Air Cargo trong hệ sinh thái IPP Group mong muốn tiếp tục xúc tiến việc lập hãng hàng không chở hàng, mua máy bay.
Nếu kế hoạch mua sắm khủng này diễn ra, IPP Air Cargo sẽ có năng lực vận tải hàng hóa bằng đường hàng không lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Với những kế hoạch chi tiêu lớn như vậy, câu hỏi được đặt ra là “sức khoẻ” của IPPG thế nào.
Theo Dân Việt, năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, Việt Nam phải nhiều lần thực hiện giãn cách xã hội khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn, IPPG vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng dương, tăng 45 tỷ đồng, tương đương 10% so với năm 2019 lên 497 tỷ đồng.
Doanh thu tăng nhưng giá vốn giảm nhẹ, từ 186 tỷ đồng xuống 179 tỷ đồng nên kết quả là lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của IPPG tăng đáng kể, tăng 91 tỷ đồng, tương đương 40% lên 318 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngoại trừ chi phí quản lý doanh nghiệp, tất cả các chi phí khác đều giảm nên công ty báo lãi 212 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng, tương đương 6% so với năm 2019.
Duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận dương giữa đại dịch Covid-19 là nỗ lực lớn của IPPG. Không chỉ tăng trưởng dương, IPPG còn ghi nhận tỷ suất lợi nhuận/doanh thu rất cao, lên tới 42,7%.
Thế nhưng, hiệu quả sử dụng vốn tại IPPG lại không cao vì quy mô IPPG lớn vượt trội so với doanh thu. IPPG là công ty ngàn tỷ. IPPG có vốn góp chủ sở hữu lên đến 3.000 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2020, IPPG đạt 3.946 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 5.492 tỷ đồng tổng tài sản.
Vì vậy, tỷ suất lợi nhuận/vốn của IPPG chỉ là con số khiêm tốn 5,4%. Nghĩa là 1 đồng vốn chỉ sinh ra 0,05 đồng lợi nhuận. 5,4% vẫn thấp hơn một chút so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng nhà nước. Còn tại ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên tới 7%/năm.
Tại thời điểm cuối năm 2020, IPPG có khoản phải thu ngắn hạn lên đến hơn 345 tỷ đồng với bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn, 102 tỷ đồng với ông Nguyễn Quốc Khánh và 32 tỷ đồng với ông Nguyễn Phi Long. Như vậy, tổng số tiền phải thu từ cho vay vợ con ông Johnathan Hạnh Nguyễn là 479 tỷ đồng, chỉ thấp hơn doanh thu cả năm 2020 của IPPG một chút.
Chưa dừng lại ở đó, IPPG còn có khoản phải thu lãi cho vay gần 27 tỷ đồng với bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, hơn 10 tỷ đồng với ông Nguyễn Quốc Khánh và gần 455 triệu đồng với ông Nguyễn Phi Long. Ngoài ra, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên còn nhận tạm ứng hơn 264 tỷ đồng từ IPPG.
Chân dung “vua hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn
Johnathan Hạnh Nguyễn sinh năm 1951 tại Nha Trang. Năm 23 tuổi, ông sang định cư tại Philippines rồi đi du học tại Mỹ. Jonathan Ông được biết đến là người lập nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Năm 1980, ông làm việc cho hãng hàng không Philippines Airlines, là người đã có nhiều nỗ lực trong việc đàm phán để mở tuyến bay chính thức giữa Việt Nam với Philippines vào năm 1985. Cũng trong năm này Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những Việt kiều đầu tiên về nước đầu tư và thành lập Công ty Liên Thái Bình Dương - Imex Pan Pacific (IPP) và hiện ông là Chủ tịch tập đoàn IPP.
IPP đã hợp tác đầu tư 30 dự án với tổng số vốn hơn 280 triệu USD. Những dự án này mang lại doanh số hằng năm khoảng 460 triệu USD và tạo công ăn việc làm cho hơn 20.000 lao động ở Việt Nam. Đến nay, dưới sự dẫn dắt của ông, IPPG đã hợp tác đầu tư nhiều dự án trên toàn quốc với tổng số vốn lên đến hàng trăm USD và mang lại hơn 25.000 việc làm cho lao động Việt Nam; điển hình là cải tạo Tràng Tiền Plaza (IPPG đầu tư 400 tỷ đồng, mời đầu tư quốc tế 3.000 tỷ đồng), Khu phi thuế quan Phú Quốc 101 ha (tổng chi phí dự kiến 6.830 tỷ đồng) mới đây nhất là ký biên bản ghi nhớ tài trợ 2 tỷ USD thực hiện đề án phát triển trung tâm tài chính mang tầm khu vực tại Đà Nẵng và đề xuất xây dựng thành phố sân bay thương mại phức hợp, tổng kho logistics tại Phú Quốc.
Với kinh nghiệm, năng lực của mình, ông đã cùng với năm đối tác khác được Bộ Giao thông Vận tải, Cục hàng không, Tổng công ty hàng không Việt Nam tin tưởng giao thực hiện dự án Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh
Ông đã hợp tác với các đối tác như: DFS, SASCO, AUTOGRILL để đầu tư mở hàng loạt chuỗi cửa hàng miễn thuế, chuỗi cửa hàng lưu niệm, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh và nhiều dịch vụ phi hàng không trên khắp các sân bay Việt Nam, Philippines…
Không chỉ là ông chủ của những doanh nghiệp trăm, nghìn tỷ đồng, “vua hàng hiệu” Hạnh Nguyễn cũng đã đổ 40 triệu USD vào khu mua sắm cao cấp Rex Arcade nằm trong khách sạn Rex, một trong những kiến trúc mang phong cách Pháp và là biểu tượng của Sài Gòn được xây dựng từ năm 1927. Chưa dừng lại, vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn còn là chủ một trong những thành viên mang lại cho IPP Group doanh thu lớn nhất là Công ty Imex Pan Pacific, nhà phân phối độc quyền nhiều sản phẩm hàng hiệu tại Việt Nam đã rót 400 tỷ đồng vào Tràng Tiền Plaza.
Ngoài ra ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn làm ăn buôn bán, kinh doanh với hai thương hiệu kinh doanh thực phẩm nổi tiếng thế giới là Burger King và gà rán kiểu Mỹ Popeyes Chicken, đồ uống Dunkin’ Donuts. Ông cũng đầu tư vào đồ ăn nhanh với thương hiệu Domino’s Pizza. Hiện các vị trí đẹp nhất của trung tâm đã có sự phủ kín của một loạt thương hiệu như Burberry, Cartier, Dior, Lancôme, Louis Vuitton, MAC Cosmetics, Parfums Christian Dior, Rolex, Miluxe Boutique…
Nhờ những đóng góp của mình cho đất nước suốt hơn 30 năm qua Johnathan Hạnh Nguyễn đã nhận được rất nhiều bằng khen, huy chương của chính phủ Việt Nam. Năm 2008: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2009: Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2011: Huân chương Lao động hạng Hai. Năm 2012: Huân chương Hữu nghị. Năm 2015: Huân chương Lao động hạng Nhất. Năm 2019: Huân chương Lao động hạng Hai lần thứ 2 Năm 2019: Giải thưởng "Vinh quang Việt Nam". Tháng 5 năm 2012, ông được Hạ viện Philippines vinh danh vì những đóng góp trong việc thắt chặt quan hệ Việt Nam-Philippines. Và nhiều bằng khen, huy hiệu các loại.