Từng lọt vào TOP 20 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2012, với vị trí thứ 10, tổng tài sản ước khoảng 1.046 tỷ đồng, ông Nguyễn Tuấn Hải những năm gần đây liên tiếp bị vận đen đeo bám. Mới đây nhất, công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (Alphanam) do ông Hải làm Chủ tịch đã thông qua phương án giải thể sau 5 năm hủy niêm yết vì lợi nhuận kinh doanh èo uột.
Đại hội cổ đông vào cuối tháng 5 vừa qua của Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (Alphanam - ALP) do ông Nguyễn Tuấn Hải làm Chủ tịch đã thông qua quyết định giải thể công ty. Đây là bước tiếp theo trong lộ trình tái cấu trúc công ty có lịch sử gần 20 năm của gia đình doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải.
Đại gia Alphanam giải thể công ty sau 5 năm hủy niêm yết
Quyết định giải thể của Alphanam cũng được xem là thời điểm ông Hải quyết định dừng lại, và chính thức nhường lại quyền điều hành hoàn toàn cho hai người con là Nguyễn Minh Nhật và Nguyễn Ngọc Mỹ với nhiều động lực, quyết tâm và đam mê hơn.
Ông Nguyễn Tuấn Hải từng chia sẻ, "Sau gần 30 năm dấn thân vào thương trường, niềm tự hào lớn nhất với tôi không phải kiếm ra bao tiền, làm được những gì mà chính là sự nối tiếp khi các con của mình đủ trưởng thành và làm được những điều mà bố mẹ chưa thể làm được".
Được biết, trở về nước sau chín năm du học tại Singapore và Mỹ, Nguyễn Minh Nhật hiện là CEO công ty cổ phần địa ốc Alphanam, phụ trách hạng mục chốt thầu, thi công và tài chính. Với Nguyễn Ngọc Mỹ, bên cạnh phụ trách các hoạt động đối ngoại của tập đoàn, cô hiện giữ vai trò CEO Công ty cổ phần Địa ốc Foodinco, đảm nhận việc phát triển, thiết kế dự án và vận hành.
Ngọc Mỹ được đánh giá là một trong những doanh nhân thế hệ F2 có triển vọng. Năm 2017, cô có tên trong danh sách 10 doanh nhân nữ kế cận của Forbes Việt Nam, cũng là người trẻ nhất trong danh sách này. Năm 2015, cô xuất hiện ở danh sách 30 Under 30, khi mới 24 tuổi.
Nói về quyết định giải thể doanh nghiệp, đại gia địa ốc Nguyễn Tuấn Hải cho biết, đây là quyết định đã được cân nhắc, tính toán từ trước, phù hợp với định hướng tái cấu trúc mà Alphanam Group đã bắt đầu thực hiện từ 5 năm từ trước.
Theo đó, dưới sự tư vấn của hai người con, ông Hải cho biết, thay vì phát triển đa ngành, Alphanam Group đã đẩy mạnh thoái vốn ở các lĩnh vực không còn thế mạnh, dồn hoàn toàn lực vào các lĩnh vực "vừa mới, vừa cũ" như bất động sản, khách sạn.
Ông Nguyễn Tuấn Hải (giữa) và hai con
Với việc các cá nhân trong gia đình sở hữu phần lớn cổ phần tại Công ty Đầu tư Alphanam, việc giải thể công ty dường như không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Tập đoàn Alphanam của ông Hải. Cổ phần các công ty con và liên doanh có thể được chuyển nhượng cho các công ty khác cũng do các thành viên trong gia đình nắm giữ.
Liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư, ông Nguyễn Tuấn Hải cho biết, sau khi thanh lý các khoản nợ theo quy định của nhà nước, doanh nghiệp sẽ thanh lý các tài sản còn lại của Alphanam, đồng thời chuyển tiền trực tiếp vào các tài khoản lưu ký của nhà đầu tư.
Ngoài ra, nếu có nhu cầu tiếp tục đầu tư, Alphanam cũng sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư lựa chọn phương án hoán đổi sang cổ phiếu công ty AME của CTCP Alphanam E&C, một thành viên khác của Alphanam Group chuyên về mảng nhà thầu cơ điện và cũng là công ty khởi đầu của Alphanam Group hiện nay.
Vận đen đeo bám
Thành lập năm 1995, Alphanam gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Tuấn Hải. Ông Hải từng là nhân vật “khét tiếng” trên thị trường tài chính, đầu tư cổ phiếu. Thậm chí, ông Hải còn lọt vào TOP 20 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hồi năm 2012, với vị trí thứ 10, tổng tài sản ước khoảng 1.046 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Hải từng là nhân vật “khét tiếng” trên thị trường tài chính, đầu tư cổ phiếu
Alphanam khởi đầu trong lĩnh vực điện công nghiệp và nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu mạnh trên thị trường khi giai đoạn hoàng kim các sản phẩm thiết bị điện và vật liệu được tiêu thụ rộng rãi ở phía Bắc.
Sau đó, doanh nghiệp của ông Nguyễn Tuấn Hải mở rộng địa bàn hoạt động với hạt nhân là Alphanam Cơ điện (Hà Nội), Alphanam Sài Gòn, Alphanam Đà Nẵng, liên doanh với đối tác Nhật Bản sản xuất thang máy thương hiệu Fuji – Alpha. Alphanam mở rộng sang nhiều ngành nghề mới, như sản xuất sơn, bột bả, vật liệu composite.
Trong chiến lược gia tăng nguồn vốn, tận dụng cơ hội thị trường chứng khoán đang lên, năm 2007, Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam (một thành viên của Alphanam Group) niêm yết trên sàn chứng khoán với mã ALP. Tuy nhiên, khủng hoảng thị trường ngay sau đó ít lâu đã khiến kế hoạch lên sàn niêm yết kêu gọi vốn không được thuận lợi như ý muốn.
Hoạt động kinh doanh giảm dần, các khoản đầu tư tài chính không thực sự hiệu quả, doanh nghiệp này đã tính tới câu chuyện tái cấu trúc xoay chuyển chiến lược mới, thay vì đầu tư tài chính dàn trải, ông Hải đã quyết định chuyển hướng sang phát triển lĩnh vực kinh doanh cốt lõi với mảng bất động sản và khách sạn du lịch.
Năm 2012, ALP ra quyết định chính thức và đến năm 2013, hiện thực hóa bằng Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông và đến tháng 12/2014, 192 triệu cổ phiếu ALP của CTCP Đầu tư Alphanam chính thức hủy niêm yết tự nguyện sau 7 năm giao dịch trên sàn chứng khoán.
Sau khi hủy niêm yết, tên tuổi Alphanam gần như biến mất khỏi thị trường, các thông tin về doanh nghiệp cũng khó tiếp cận. Thông tin tài chính cuối cùng mà ALP công bố là báo cáo quý III/2014. Tính đến cuối quý III/2014, lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của ALP là 385 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2017, các thông tin tài chính của ALP bắt đầu xuất hiện trở lại. Từ đây cũng hé lộ tình hình kinh doanh của ALP sau những năm “ẩn mình”.
Cụ thể, năm 2017, công ty này ghi nhận khoản doanh thu thuần lên tới 1.611 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần năm 2016 (502 tỷ đồng). Ngoài ra, lợi nhuận từ công ty liên doanh - liên kết đưa về gần 6 tỷ đồng cùng khoản doanh thu tài chính hơn 12,8 tỷ đồng đã giúp Alphanam mang về khoản lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng đột biến lên tới 444,8 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 5 năm thua lỗ liên tiếp trước đó của doanh nghiệp này. Riêng năm 2016, alphanam lỗ 134,4 tỷ đồng.
Sau khi trên 226 tỷ đồng trong năm 2018, mới đây doanh nghiệp của ông Nguyễn Tuấn Hải đã công bố BCTC hợp nhất quý I/2019 với lợi nhuận âm gần 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái số lỗ của doanh nghiệp này chỉ 9,6 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ, doanh thu quý I/2019 đạt 118 tỷ đồng (tăng gấp 1,8 lần so với cùng kì năm 2018). Tuy nhiên, ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1,7 tỷ đồng (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước).
Như vậy cho tới hiện tại, vận đen dường như vẫn chưa hết đeo bám vị đại gia địa ốc Nguyễn Tuấn Hải?
Huyền Anh/Dân Việt