2.151 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 60,77 tỷ USD
Thông tin từ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/8/2021, trên địa bàn các tỉnh miền Trung có 2.151 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 60,77 tỷ USD, chiếm 15,16% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, khu vực miền Trung thu hút được 58 dự án FDI mới, 35 lượt dự án điều chỉnh, 175 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,04 tỷ USD, chiếm 5,44% tổng vốn FDI đăng ký của toàn quốc trong giai đoạn này.
Thanh Hóa là tỉnh dẫn đầu miền Trung về thu hút FDI với 164 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới 14,57 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đăng ký của cả khu vực. Đứng sau là Hà Tĩnh có 79 dự án, vốn đầu tư 11,74 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đăng ký. Tiếp đến là Quảng Nam với 223 dự án, vốn đăng ký 6,07 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đăng ký...
Tính đến nay, có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dự án FDI tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, dẫn đầu là Nhật Bản với 335 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 17,79 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng vốn đăng ký. Đứng thứ hai là Đài Loan với 141 dự án và 12,01 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 19,8%. Tiếp theo là Singapore với 105 dự án, vốn đăng ký 8,52 tỷ USD, chiếm 14%.
Trong tổng số 17 ngành, lĩnh vực thu hút FDI tại các tỉnh miền Trung, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 839 dự án, vốn đăng ký 31,74 tỷ USD, chiếm 52,2% tổng vốn đăng ký; Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện thu hút được 43 dự án, vốn đăng ký 10,02 tỷ USD, chiếm 16,5%; Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 109 dự án, vốn đăng ký 9,91 tỷ USD, chiếm 16,3%...
Những dự án FDI tại miền Trung có tổng vốn đầu tư lớn như: Dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) có tổng vốn đầu tư đăng ký 9 tỷ USD, đây là dự án liên doanh giữa nhà đầu tư Nhật Bản với Tập đoàn dầu khí Việt Nam; Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,6 tỷ USD; Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Quảng Nam) có tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD (100% vốn Singapore)…
Vì sao Nhật Bản lại chọn rót vốn FDI vào Miền Trung nhiều nhất?
Với những ưu thế từ vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao … đã giúp cho Miền Trung trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư FDI của Nhật Bản.
Miền Trung là nơi tập trung hầu hết các khu kinh tế, khu công nghiệp với cơ chế mở, thủ tục đầu tư thông thoáng cùng với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội về thời gian và giá thuê đất, cơ sở hạ tầng, thuế, hỗ trợ đào tạo, cung ứng lao động… Đến nay, một số khu công ngiệp cơ bản được lấp đầy như: Nam Cấm (Nghệ An), Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), Hoà Khánh (Đà Nẵng), Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam)…
Miền Trung có vị trí chiến lược, cách đều 2 trung tâm kinh tế lớn nhất là thủ đô Hà Nội và TP.HCM, ngay trên các trục giao thông quan trọng quốc gia với đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, kết nối tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (1.450 km), cửa ngõ ra biển Đông của các quốc gia tiểu vùng sông Mekông mở rộng (GMS), đảm bảo giao thương thông suốt với các vùng kinh tế, các nước ASEAN và Đông Bắc Á.
Bên cạnh đó, khu vực này sở hữu nhiều nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú về đất, biển, đảo, nông-lâm-thủy sản, khoáng sản; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào với chi phí thấp và tay nghề tốt, hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng và dạy nghề khá hoàn chỉnh.
Đặc biệt, nơi đây hiện có nhiều Khu kinh tế quốc gia gắn với cảng nước sâu và hàng loạt khu công nghiệp với hạ tầng đang được hoàn thiện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư.
Ngoài ra, Miền Trung còn có ưu thế về phát triển du lịch và bất động sản với hàng loạt Di sản văn hoá thiên nhiên thế giới, nhiều bãi biển đẹp nhất Việt Nam.
Với những tiềm năng nổi trội như trên, kết hợp với các “thế mạnh” mới như các Hiệp định thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và nhiều quốc gia, đối tác trên thế giới (EVFTA, EVIPA, CPTPP, VKFTA…), những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư mang tính đột phá, nhiều địa phương khu vực miền Trung đang trở thành điểm đến đầu tư tin cậy và an toàn của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng thời gian qua, hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư vào Miền Trung vẫn đạt kết quả khả quan.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư FDI thu hút vào địa bàn TP Đà Nẵng 6 tháng đầu năm nay đạt 160,5 triệu USD, đứng đầu khu vực miền Trung; tiếp đó là Thừa Thiên Huế 158 triệu USD; Quảng Trị 88 triệu USD; Quảng Bình 54 triệu USD; Bình Định 30 triệu USD… Trong đó, điểm sáng xuất hiện tại Khu công nghệ cao (CNC), Khu công nghệ thông tin tập trung (KCNTT) và các khu công nghiệp (KCN) TP Đà Nẵng.
“Xúc tiến đầu tư tại chổ” là một trong những giải pháp xúc tiến hiệu quả tại Miền Trung mà Đà Nãng là một điển hình cần được nhân rộng .
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh, chúng tôi xác định xúc tiến đầu tư tại chỗ là một trong những giải pháp xúc tiến hiệu quả trong thời điểm hiện nay. Chúng tôi cũng xúc tiến thông qua các hoạt động trực tuyến, làm việc trực tuyến, tham gia các hội nghị, hội thảo trực tuyến để tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng, gửi thông tin và hỗ trợ, cung cấp thông tin cụ thể, chi tiết về môi trường đầu tư của thành phố Đà Nẵng đến các nhà đầu tư”.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Ban Quản lý đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho loạt dự án FDI của Nhật Bản như: Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản), với vốn đầu tư 35 triệu USD vào khu CNC; dự án EPE Packaging Việt Nam tại Đà Nẵng (Nhật Bản) vào KCN Hòa Khánh mở rộng với vốn đầu tư 300.000 USD…