Aizawa Securities Co., Ltd, một công ty chứng khoán của Nhật Bản thông báo đã bán ra 70.200 cổ phiếu Công ty cổ phần Sara Việt Nam (Mã chứng khoán: SRA) trong 2 ngày 9 và 10.1. Sau các giao dịch đó, Aizawa đã giảm sở hữu về 80.000 cổ phiếu, tỉ lệ 4% và không còn là cổ đông lớn của SRA. Với việc không còn là cổ đông lớn từ 10.1, Aizawa Securities không cần phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin giao dịch cổ phiếu về sau.
Trong 2 ngày 9 - 10.1, khối ngoại cũng bán ròng đúng 70.200 cổ phiếu SRA với tổng giá trị bán là gần 2 tỉ đồng. Aizawa Securities trở thành cổ đông lớn của Sara Việt Nam từ tháng 9.2010. Như vậy, sau hơn 8 năm gắn bó, cổ đông Nhật Bản đã bắt đầu rút vốn. Thời điểm thoái vốn của Aizawa diễn ra ngay trước thềm chốt quyền tăng vốn của SRA.
Theo đó, SRA thông báo ngày 17.1 là thời điểm chốt quyền thực hiện phát hành 16 triệu cổ phiếu, tỉ lệ 1:8 để tăng vốn từ 20 tỉ lên 180 tỉ đồng. Giá chào bán cho cổ đông là 10.000 đồng/cp, tương ứng với số vốn cần huy động là 160 tỉ đồng.
Không chỉ tổ chức thoái vốn trước ngày chốt quyền nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm, một cá nhân là cổ đông Bùi Ngọc Tuấn cũng bán ra 46.200 cổ phiếu vào ngày 14.1 và chính thức không còn là cổ đông lớn khi chỉ còn sở hữu 2,69% vốn.
Mới đây, Satra Việt Nam đã công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận năm 2018 tăng 9 lần lên 105 tỉ đồng. EPS ghi nhận mức cao kỷ lục 51.851 đồng và nhiều khả năng sẽ là doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường chứng khoán năm 2018.
Chiến lược của người Nhật thay đổi vì Mỹ - Trung
Chưa có thông tin cụ thể về việc người Nhật vì sao rút khỏi Satra nhưng trong khảo sát của Reuters, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư trong năm 2019 của nhiều doanh nghiệp Nhật.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp Nhật lo rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4 tới.
Thuế nhập khẩu cùng những bất ổn đã bắt đầu ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu và các danh nghiệp của Nhật, đặc biệt là những công ty có làm ăn với Trung Quốc. Điều này khiến không ít doanh nghiệp lo lắng về kế hoạch đầu tư của mình, vốn là điểm sáng của kinh tế Nhật trước khi chiến tranh thương mại bắt đầu vào năm ngoái.
"Chúng tôi đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, vì vậy chúng tôi sẽ hạn chế đầu tư cho đến khi triển vọng khả quan hơn", giám đốc một nhà sản xuất máy móc Nhật viết trong khảo sát được tiến hành từ ngày 7 -16.1 vừa qua.
Từ đầu năm 2019, nhà sản xuất motor Nidec Corporation và hãng sản xuất thiết bị Yaskawa Electric Corporation đều hạ dự báo lợi nhuận năm nay do nhu cầu giảm từ Trung Quốc.
Theo chia sẻ của một giám đốc người Nhật "Những bất ổn của kinh tế toàn cầu nói chung đang khiến nhiều doanh nghiệp Nhật do dự trong việc rót vốn đầu tư”. 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ không thay đổi lượng vốn đầu tư trong năm 2019 so với năm trước, 12% nói rằng sẽ giảm. Trong khi đó, 22% có kế hoạch tăng đầu tư và 14% nói rằng sẽ đầu tư nhưng ở mức vừa phải.
Các doanh nghiệp lớn cho biết có kế hoạch tăng đầu tư trung bình 14,3% trong năm tài chính 2019 - mức cao nhất kể từ năm 1990, theo khảo sát December Tankan của Ngân hàng Trung ương Nhật.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại đã tác động lớn tới chuỗi cung ứng toàn cầu, làm dấy lên lo lắng rằng năm nay mức độ ảnh hưởng sẽ còn lớn hơn trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và thị trường tài chính toàn cầu.
Khảo sát trên cho thấy khoảng 40% doanh nghiệp Nhật nhận định căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm giảm doanh thu và lợi nhuận của công ty trong năm 2019. Tính riêng trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất, tỉ lệ này là 50%.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, các doanh nghiệp toàn cầu có xu hướng chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang các nước láng giềng châu Á. 25% doanh nghiệp tham gia khảo sát và hơn 30% doanh nghiệp sản xuất cho rằng có kế hoạch xem xét lại chuỗi cung ứng trong năm nay. 58% cho biết không có kế hoạch tăng lương cơ bản trong các cuộc họp về lao động thường niên diễn ra vào mùa xuân năm nay.
Minh Anh/NCDT