Dù đang lỗ như nhiều tên tuổi thương mại điện tử lớn khác, Tiki vẫn quyết định tài trợ cho hàng trăm sản phẩm giải trí.
Trong một chia sẻ gần đây, nghệ sỹ Trường Giang cho biết sắp tổ chức liveshow đầu tiên ở Mỹ. Anh thừa nhận đây là chương trình được chuẩn bị hai năm qua và được hỗ trợ bởi Tiki. Trước đó, từ đầu tháng 4/2019, hàng loạt MV ca nhạc của các nghệ sỹ trẻ được tung lên Youtube và chiếm các vị trí hàng đầu trên Youtube Trending.
Có thể kể đến như "Lửng lơ" (B-Ray và Masew), "Bạc phận" (K-ICM ft. Jack), "Đừng yêu nữa, em mệt rồi" (Min), "Anh ơi ở lại" (Chi Pu) và "Yêu được không?" (Đức Phúc)... Điểm chung của các MV này là có cảnh nhân viên giao kiện hàng đóng logo Tiki, cuối ca khúc là thông tin thương hiệu.
Sau những úp mở, cách đây ít hôm, Tiki xác nhận dự án tài trợ cho 100 sản phẩm âm nhạc trong thời gian tới. Thực tế, việc tài trợ tiền làm MV ca nhạc không mới tại Việt Nam trong những năm gần đây, nếu không nói là bùng nổ, sau thành công của Biti's với đôi giày thể thao trong ca khúc có bối cảnh cổ trang "Lạc trôi" của Sơn Tùng M-TP.
Một kiện hàng Tiki xuyên không về thời cổ tích Tấm Cám trong MV ca nhạc của Chi Pu. |
"Đúng là việc tài trợ làm MV ca nhạc thì các nhãn hàng khác làm rồi chứ chúng tôi không phải tiên phong. Nhưng chúng tôi sẽ có cách làm khác", ông Bùi Ngọc Hiển, Giám đốc Truyền thông và Thương hiệu Tiki xác nhận.
Trả lời về việc vì sao không đổ tiền làm khuyến mại trong lĩnh vực thương mại điện tử như các đối thủ khác, mà lại đầu tư cho âm nhạc, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị Tiki nói công ty vẫn liên tục khuyến mại nhưng "vẫn chưa đủ vì còn thiếu một yếu tố quan trọng đó là tinh thần, mà âm nhạc chính là cách 'chăm sóc' tinh thần".
Năm 2018, theo báo cáo thường niên của VNG, Tiki lỗ 757 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên khoảng 1.300 tỷ đồng. Việc đầu tư "mát tay" vào hàng trăm sản phẩm âm nhạc hẳn không chỉ là món quà mà còn là chiến lược quảng cáo, phát triển khách hàng mới trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của bán hàng trực tuyến.
Theo chia sẻ gần đây từ Youtube, Việt Nam là một trong 5 thị trường lớn nhất về thời gian người xem video tại châu Á-Thái Bình Dương của nền tảng này. Trung bình người Việt dành hơn 100 phút mỗi ngày trên đây để xem các nội dung giải trí. Thay vì chỉ chạy quảng cáo và dễ dàng bị khách hàng bấm nút 'bỏ qua', thậm chí là khó chịu, việc đưa thương hiệu vào hàng trăm MV thuộc nhóm được yêu thích, với các nghệ sỹ đông người hâm mộ dường như khôn ngoan hơn.
Tất nhiên, cũng có những phản ứng không mong muốn. Đơn cử như kiện hàng Tiki xuyên không về thời cổ tích Tấm Cám trong bài "Anh ơi ở lại" nhận nhiều phản hồi là lộ liễu. Ông Bùi Ngọc Hiển thừa nhận quảng cáo chưa hoàn hảo và sẽ cân nhắc hơn. "Để hướng tới tính nghệ thuật cao hơn, chúng tôi sẽ cố gắng tinh tế hơn nữa", ông Hiển nói.
Trao đổi với VnExpress, giám đốc một công ty sản xuất trong ngành giải trí cho biết, một MV đầu tư cỡ "Anh ơi ở lại" của Chi Pu tiết kiệm nhất cũng tiêu tốn 400-500 triệu đồng. Chị Vân Võ, một nhà sản xuất độc lập khác, thì cho rằng có thể tốn đến một tỷ đồng cho sản phẩm này. "Các MV ca nhạc đình đám hiện giờ có mức đầu tư 1-2 tỷ đồng không còn lạ. Một MV mới đây của nữ nghệ sỹ danh tiếng còn tốn đến 6 tỷ đồng", chị Vân nói.
Thông thường, nhãn hàng có nhiều cách đồng hành với những MV ca nhạc của nghệ sỹ, hoặc tài trợ toàn bộ chi phí sản xuất, hoặc đóng góp 100-200 triệu đồng là có thể xuất hiện logo.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn từ chối tiết lộ số tiền sẽ đổ vào cho 100 sản phẩm âm nhạc vì nói rằng nó sẽ linh động, tùy vào lượng vốn mà các nghệ sỹ cần. Ông giải thích thêm, khuyến mại là cách thu hút với những người đã biết thương hiệu còn xuất hiện trong âm nhạc là cách làm quen với khách hàng mới.
Thực tế, trong các MV có sự đầu tư của Tiki, các nghệ sỹ như Chi Pu, Đức Phúc hay Min sở hữu lượng người nghe trẻ, phần nhiều dao động từ cấp ba đến đại học, vốn là độ tuổi bắt đầu làm chủ tài chính và quan tâm đến việc chi tiêu, mua sắm. Đây chính là tập khách hàng mới tiềm năng để phát triển trong bối cảnh các hãng thương mại điện tử những năm qua chấp nhận lỗ liên tục để kéo khách.
Từ giữa năm ngoái đến nay, cuộc chạy đua người dùng có khá nhiều biến động. Lazada từ ngôi vị dẫn đầu về lượng người truy cập ở quý II/2018 nay nhường ngôi cho Shopee. Trong khi đó, Tiki liên tục giữ vị trí thứ 4 trong quý I, II, III năm ngoái thì vọt lên vị trí thứ 2 vào quý IV/2018 và quý I/2019, theo iPrice.
Thực tế, bộ ba dẫn đầu thị trường thương mại điện tử là Shopee, Tiki và Lazada, đều tận dụng người nổi tiếng để thu hút khách hàng theo những cách khác nhau. Nếu như Shopee nhờ các gương mặt ăn khách trong nghệ thuật, thể thao để làm đại diện quảng cáo, viết lời lại ca khúc "Baby Shark" thì Lazada thuê người có ảnh hưởng để tổ chức các buổi livestream bán hàng.
VnExpress