Tương ớt Chinsu, nước mắm Nam Ngư tiếp tục là mặt hàng đem về cho Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hàng tỷ đồng mỗi năm và là trụ cột chính thúc đẩy doanh thu cho ngành gia vị.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, lợi nhuận sau thuế của CTCP Tập đoàn Masan (Masan; MSN) ghi nhận sự bứt phá tới 56% so với cùng kỳ năm trước và đạt mức 5.622 tỷ đồng. Doanh thu thuần đạt 38.188 tỷ đồng, tăng 1,5% so với năm 2017 (37.612 tỷ đồng).
Đáng chú ý, doanh thu của Masan đến từ các hoạt động kinh doanh ngành hàng gia vị, thực phẩm tiện lợi cao cấp, thịt chế biến… Masan Consumer ghi nhận doanh thu thuần tăng 29% so với năm trước, đạt 17.006 tỷ đồng. Tỷ suất lãi gộp đạt 45% là nguyên nhân chính giúp công ty này thu về khoản lãi ròng sau thuế tăng hơn 51%, đạt 3.397 tỷ đồng.
Riêng ngành hàng gia vị tăng 35% lên 6.958 tỷ đồng từ mức 5.159 tỷ đồng trong năm 2017. Các thương hiệu chủ chốt như Chinsu và Nam Ngư tiếp tục đạt doanh thu cao do sản lượng tăng 26% và là trụ cột chính thúc đẩy doanh thu cho ngành gia vị.
Mới đây, lô 18.000 chai tương ớt của Chinsu đã bị chính quyền thành phố Osaka (Nhật Bản) thu hồi, do sản phẩm này có chứa axit benzoic, một chất không được sử dụng trong tương ớt của Nhật.
Masan sau đó phát đi thông cáo cho rằng phụ gia thực phẩm axit benzoic trong tương ớt của họ là 0,41-0,45g/kg, nằm trong mức cho phép. Tại Việt Nam, phụ gia thực phẩm axit benzoic được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt. Ngoài ra, Masan cũng cho biết, nhiều khả năng lô 18.000 chai tương ớt bị thu hồi ở Nhật là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, không dành cho xuất khẩu.
Thông tin bất lợi trên khiến giá cổ phiếu MSN giảm nhẹ. Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (8/4), giá cổ phiếu Masan giao dịch ở mức 86.600 đồng/cổ, giảm 1.700 đồng/cổ.
Thảo Nguyên
Theo VietQ