Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Vì tôi không từ chối

01/02/2019 13:04

Tôi từng tiếp cận với các doanh nghiệp Việt Nam và sau khi nghe họ nói chuyện thì tôi không tiếp tục câu chuyện với họ nữa.

Tôi từng tiếp cận với các doanh nghiệp Việt Nam và sau khi nghe họ nói chuyện thì tôi không tiếp tục câu chuyện với họ nữa.

Lí do: Họ không dám nghĩ lớn.

Mà cũng phải. Số người dám nghĩ và dám mơ đã ít, mơ mà còn đi đôi với hành động còn ít hơn.

Họ bị quá nhiều rào cản, niềm tin và sự định kiến của người xung quanh cho rằng, họ có hoặc không thể làm được một điều gì đó.

Và dĩ nhiên, tôi cũng không ngoại lệ.

Phùng Lê Lâm Hải, Chủ tịch - Tổng giám đốc Saado Vietnam

Tôi cũng có những lúc nói hay làm dở, nói nhiều làm ít, nói cao quá với không tới. Nhưng điểm khác biệt của tôi và đám đông, chính là tôi vẫn dám mơ và cải thiện mình từng ngày. Người ta nói rằng, mình chỉ trở nên ngu xuẩn, khi bản thân mình không nhìn ra vấn đề. Và khi nhìn ra vấn đề, thì mọi thứ đều có cách giải quyết của chúng. Cái quan trọng là bạn vẫn tiếp tục kiên định với niềm tin của bản thân và chẳng cần nghe ai nói gì cả.

Tôi khởi nghiệp được 4,5 tháng, nhưng sự chuẩn bị của tôi cho gần năm tháng qua, đó là một hành trình dài. Thật ra cách đây rất lâu, tôi tự hỏi mình, rốt cuộc rồi mình sẽ là ai? Tôi có thể là một chuyên gia, một người truyền cảm hứng, một diễn giả, một nhà đào tạo cự phách, hay mình sẽ quyết định ra làm chủ doanh nghiệp.

Hành trình trải nghiệm đưa đẩy tôi đến quyết định làm chủ. Nhưng để chuẩn bị cho năm tháng oanh tạc, tốc độ và thần thánh này. Tôi mất 5 năm chuẩn bị.

Năm năm chuẩn bị cho sự lớn khôn của bản thân về nhân cách, tài chính, mối quan hệ cả trong nước và ngoài nước, sức khỏe, thể chất, ngôn ngữ và sự thấu hiểu các công cụ để giảm thiểu rủi ro triển khai và vận hành doanh nghiệp riêng của mình, một cách thấp nhất. Hành trình đó là một hành trình dài đầy cam kết, và cũng phải tìm ra rất nhiều những động lực hay lí do đủ lớn để chính tôi kiên trì và duy trì cho mục tiêu cuối cùng của chính mình. Đã có những lúc cô đơn, gia đình, bạn bè, người thân, người yêu… họ đều ít hiểu được và thậm chí còn hoài nghi chính bản thân ta.

4,5 tháng với nhiêu sự tính toán chi li và chi tiết của một bản kế hoạch được vạch ra gần hai năm.

Đó là một loạt các chuỗi sự kiện, và sự cân bằng về công việc, sức khỏe, trí thức và phải đánh đổi nhiều cám dỗ cá nhân bên cạnh, trong suốt hành trình ấy.

Hòa vốn ngay từ tháng đầu tiên.

Tránh được nhiều sai lầm của những người đã từng khởi nghiệp gặp phải.

13.000 đôi sandal bán ra nội địa. Hơn

2.00 đôi sandal bán ra nước ngoài thu ngoại tệ về Việt Nam.

Một trong ba startups được cử đi Đức và tham dự hội chợ quốc tế tại Đức đài thọ 100%, tham gia chung kết cuộc thi do giám khảo trường LeipZig University đánh giá, ngôi trường Thủ tướng Angela Markel theo học có lịch sử từ năm 1409.

Gặp tỉ phú giày Philippines gần 100 cửa hàng với hứa hẹn nhập hàng vào tuần thứ ba của tháng 1 năm sau và mong ước trao quyền cho một CEO chuyên nghiệp trong tương lai, với bối cảnh cạnh tranh thị trường khốc liệt từ các đối thủ đến từ nước ngoài và Trung Quốc.

Kí hợp đồng với 3.000 đôi giày xuất đi Myanmar vào năm tới.

Hàng loạt các đối tác từ Mỹ, Dubai, Balan, India, Nepal, Úc… đều phản hồi tốt về sản phẩm của mình và sẽ có động tác triển khai trong năm 2019 – 2020.

Tôi đã chứng minh rằng, tôi là người tiên phong, dám nghĩ và dám hành động, để chứng minh những gì mình đang sở hữu rằng, tôi có thể làm được.

Khi chúng ta xem chúng là những thử thách và cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm, và đây chính là cơ hội để thể hiện mình trước những cuộc phiêu lưu này. Hình ảnh của bạn chính là kiểm soát cuộc sống của bạn, tự tin, thử thách chính bạn và cảm thấy kì diệu, hiên ngang khi bắt đầu hái quả ngọt.

Nếu rút ra một cách ngắn gọn các yếu tố tôi tập trung để có được những thành quả, thì tôi xin tóm tắt như sau:

1. Tập trung vào con người

Chúng ta phải thật sự hiểu như thế nào là con người quan trọng. Họ chỉ quan trọng khi họ là một phần thúc đẩy sự phát triển của công ty, và làm giàu bản sắc văn hóa.

Ông chủ và người cùng đầu tư có tư duy lấy khách hàng làm trung tâm, nghĩa là thực sự nghĩ và đặt mình vào vị trí người khác để thấu hiểu và thông cảm.

Một quản lí giỏi phải cân bằng được cả lợi ích của ông chủ, và quyền lợi của anh em.

2. Thật mạnh về quản lý

Kĩ năng quản lí, lí thuyết quản lí không bằng ứng xử trong quản lí. Ứng xử trong quản lý chỉ hình thành khi bạn trải nghiệm ứng dụng các kiến thức tây phương vào thực tiễn quản lý tại môi trường doanh nghiệp & kinh doanh bạn đang điều hành tại Việt Nam. Bạn sẽ biết khi nào nên mạnh, nên cương, nên nhu cho phù hợp với sự diễn biến tâm lí phức tạp từ nhân sự.

3. Hiểu rõ bản thân mình

Khi hiểu rõ triết lí bản thân, tính cách bản thân, sống thật với bản thân, nghĩa là chấp nhận cả mặt tốt và mặt xấu của mình. Không chối bỏ, lắng nghe bản thân nhiều hơn và tích cực thay đổi cho phù hợp với môi trường kinh doanh, một cách tích cực.

4. Hiểu bức tranh tài chính

Tài chính giúp bạn tăng khả năng ra quyết định. Trừ phi bạn cố tình quyết định sai, còn con số thì không bao giờ sai.

5. Nghĩ toàn cầu

Nên đi ngược đám đông, phá vỡ định kiến của họ. Tiên phong, quyết liệt và hãy chứng minh cho họ thấy bạn có thể làm được.

6. Hãy công bố cho nhiều người biết

Nếu họ hoài nghi bạn, bạn sẽ có động lực. Nếu họ ủng hộ bạn, hãy sợ rằng mình không làm được, và vì chính sợ cảm giác đó, mà bản thân chuyên tâm rèn luyện, chăm chút cho tới khi hoàn thành mục tiêu cuối cùng.

7. Cảm thấy vui khi có nhiều nỗi đau

Chúng ta thật sự chỉ trưởng thành khi có nhiều nỗi đau trong quá khứ.

Tôi vừa nói với một quản lí vận hành rằng.

Em sẽ khó giỏi bằng anh được. Vì anh chịu khổ, chịu cực và chịu đau nhiều rồi. Và chỉ có khi chúng ta phải trải qua những thử thách đó, thì chúng ta mới có thể trở nên mạnh mẽ hơn được.

Tôi ra trường, người ta bảo tôi không kiếm được việc, chứ huống gì làm công ty nước ngoài.

Sau bốn tháng, tôi làm cho một công ty đa quốc gia mà ở đó, họ có một luật lệ, chỉ có học MBA mới được phục vụ trong tổ chức. Tôi không từ việc nhỏ, khi trao cơ hội cho việc lớn, tôi làm tốt thật sự 200% cống hiến. Thế là tôi được tuyển.

Tôi vào vị trí tư vấn xuất khẩu, họ bảo em làm Marketing được không?

Tôi không từ chối, để rồi làm những công việc nhỏ nhất của Marketing, cho tới khi, tôi cảm thấy, mình thật sự đã tìm ra được đam mê của mình.

Tôi được mời về làm cho một công ty khởi nghiệp.

Tôi chấp nhận thử thách và bước ra khỏi vùng an toàn của mình, nhận lương đủ sống để nhận ra những bài học quí báu về Marketing.

Tôi làm cho một công ty về thương hiệu. Vị trí bán hàng, bán hàng cho các chủ doanh nghiệp, tôi không từ chối, dần dần kĩ năng giao tiếp của tôi trở nên dạn dĩ hơn.

Tôi làm chiến lược thương hiệu cho một agency hàng đầu về visual.

Tôi không từ chối làm bán thời gian để được học một cách chuyên sâu về cái đẹp và các góc nhìn khác từ thương hiệu.

Tôi tham gia một công ty tiêu dùng nhanh, vận tải và được tham gia hành trình gọi vốn chuyên nghiệp. Trải qua một thời gian dài không lương. Tôi không từ chối. Đã có những lúc tưởng mình không qua được, đã có những lúc tưởng chừng mất hết cả thanh danh, uy tín và tiền bạc.

Nhưng tôi vẫn vượt qua được.

Tôi đi tìm kiếm cho mình một minh chủ. Người có tài rất nhiều, nhưng một người thật sự cho tôi kính trọng và ngưỡng mộ, có lẽ, chắc chúng tôi chưa có duyên với nhau.

Tôi nhận thấy, đã đến lúc tôi đủ khôn lớn và có thể tự ra quyết định của chính mình.

Thế là tôi … Khởi nghiệp.

Và tôi nhận ra, tất cả mọi thứ tôi có được.

Đều bắt đầu từ việc “Tôi không từ chối”.

*Chủ tịch - Tổng giám đốc Saado Vietnam

Phùng Lê Lâm Hải*

Theo TheLeader

Bạn đang đọc bài viết "Vì tôi không từ chối" tại chuyên mục Chuyện thương trường.