Sinh nhật 10 tuổi Winmart

VIB cấp vốn cho Uniben trong cuộc chiến mì ăn liền với Masan, Acecook

11/07/2018 10:56

Nhờ nguồn vốn vay từ VIB và vốn cổ đông, Uniben đã đầu tư lớn vào nhà máy và đẩy mạnh marketing để chiếm lĩnh thị phần mì ăn liền tại khu vực nông thôn.

Một cửa hàng tạp hóa bán mì 3 Miền ở nông thôn

Theo báo cáo năm 2016 của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố, thương hiệu mì 3 Miền đã vượt qua hàng loạt cái tên sừng sỏ như Gấu Đỏ, Hảo Hảo, Kokomi để chiếm 27,4% thị phần khu vực nông thôn.

Kết quả này đưa Uniben vươn lên thành một trong những doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền lớn tại Việt Nam cùng với Acecook, Masan và Asia Foods.

Có thể nói Uniben vẫn tìm được chỗ đứng trong bối cảnh thị trường mì ăn liền gần như đã bão hòa ở mức 5 tỷ gói/năm là một thành công lớn. Đó là dấu ấn của đội ngũ lãnh đạo công ty này, những doanh nhận từng kinh doanh trong lĩnh vực mì ăn liền tại Nga.

Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch ngân hàng Quốc tế (VIB). Khi còn ở Nga, ông Vỹ sở hữu Mareven Food, nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Nga và từng nằm trong top 10 công ty lớn nhất quốc gia này.

Trở về Việt Nam, ông Vỹ tiếp tục thể hiện tham vọng trong ngành mì ăn liền. Dù không sở hữu trực tiếp Uniben, song những năm qua, VIB của ông Vỹ luôn là ngân hàng cung cấp tài chính quan trọng cho Uniben.

Một nguồn tin cho biết, từ năm 2010 đến nay, Uniben đã nhiều lần sử dụng hàng tồn kho, máy móc thiết bị, nhà xưởng xây dựng…để làm tài sản bảo đảm tại VIB.

Chẳng hạn, năm 2014, toàn bộ dây chuyển máy móc thiết bị của nhà máy Uniben tại Hưng Yên được đăng ký làm tài sản bảo đảm với giá trị 434,4 tỷ đồng. Đây là nhà máy lớn của Uniben được đầu tư 1.000 tỷ đồng được đưa vào hoạt động một phần từ năm 2015 và hoàn thiện vào năm 2016.

Ngày 11/7/2016, VIB và Uniben ký một hợp đồng tín dụng kéo dài 5 năm. Để đảm bảo cho khoản vay này, Uniben đã sử dụng hàng tồn kho luân chuyển là nguyên vật liệu và thành phẩm phục vụ hoạt động kinh doanh thực phẩm (chủ yếu là mì ăn liền) tại các kho hàng của công ty ở TP.HCM và Hưng Yên. Quy mô hợp đồng tín dụng không được tiết lộ nhưng tổng giá trị tài sản bảo đảm cho khoản vay được định giá là 80 tỷ đồng.

Nhu cầu đầu tư lớn vào nhà máy đã khiến vay nợ của Uniben tăng mạnh lên 500 tỷ đồng vào cuối năm 2016, đồng thời Công ty phải tăng vốn chủ sở hữu thêm 500 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng.

Mở rộng năng lực sản xuất đã mang lại cho Uniben những thành công ban đầu khi thị phần ở khu vực nông thôn tăng đáng kể. Năm 2016, doanh thu thuần của Uniben đạt 2.450 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2015.

Tuy nhiên, trong khi doanh thu tăng trưởng ấn tượng thì lợi nhuận của Uniben cực kỳ khiêm tốn. Cả năm 2016, Uniben chỉ lãi sau thuế gần 4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2015. Lợi nhuận này còn thua xa cả Miliket – thương hiệu mì được mệnh danh “hết thời”.

Nguyên nhân chính là Uniben đã chi rất lớn cho hoạt động quảng cáo dẫn đến chi phí bán hàng tăng mạnh. Cụ thể năm 2016, chi phí bán hàng của Uniben tăng 80% lên 584 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng cao hơn cả lãi gộp từ hoạt động bán hàng của công ty, do đó lợi nhuận thực tế mà Uniben ghi nhận đến từ hoạt động tài chính. Năm 2016 doanh thu của công ty từ hoạt động tài chính lên đến 155 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Uniben cho thấy thị trường mì trong nước đang cạnh tranh khốc liệt như thế nào. Trong bối cảnh sức tiêu thụ sụt giảm và thêm nhiều thương hiệu cạnh tranh, các doanh nghiệp đã phải hy sinh lợi nhuận.

Trong khi đầu tư lớn và lợi nhuận thu về chưa tương xứng, Uniben phải đối mặt với áp lực tài chính khi chi phí lãi vay ngày một lớn. Năm 2016 công ty đã trả gần 40 tỷ đồng chi phí lãi vay ngân hàng. Mặc dù vậy, mới đây, Uniben tiếp tục khởi công thêm nhà máy tại Bình Dương. Tổng giá trị đầu tư của nhà máy chưa được công bố và dự kiến đến cuối năm 2018 việc xây dựng sẽ hoàn thành.

Tương tự như nhà máy tại Hưng Yên, tài sản là dây chuyên sản xuất mì, hệ thống kho, kệ, xe nâng và thiết bị phụ trợ khác tại nhà máy Bình Dương có giá trị 185 tỷ đồng đã được đăng ký giao dịch bảo đảm với VIB.

Nhà máy mới tại khu vực phía Nam sẽ bổ sung năng lực sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của Uniben với Acecook, công ty mì ăn liền đang dẫn đầu thị trường và Masan Consumer, doanh nghiệp có nguồn gốc Đông Âu tương tự Uniben.

Theo Minh An/Nhà Quản Trị