Theo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2018 đã kiểm toán, nếu không tính khoản lỗ kế hoạch ở Myanmar, Viettel Global đã lãi gần 2.000 tỷ đồng.
Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel - Viettel Global (VGI) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2018 đã qua kiểm toán. Trong đó, tính theo lũy kế cả năm 2018, Viettel Global đạt 16.867 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 2.100 so với năm trước, chủ yếu là do doanh thu kinh doanh thiết bị giảm từ gần 3.900 tỷ xuống 1.300 tỷ đồng. Việc thu hẹp mảng kinh doanh thiết bị vốn có tỷ suất lợi nhuận thấp là chủ trương đã được Viettel Global đưa ra từ đầu năm, để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là dịch vụ viễn thông.
Doanh thu dịch vụ tiếp tục tăng hơn 400 tỷ so với năm 2017, đạt trên 15.500 tỷ đồng. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay của công ty.
Đội ngũ trẻ trung, năng động của Viettel Global. |
Tỷ trọng doanh thu dịch vụ trên tổng doanh thu năm 2018 chiếm đến 92% - mức cao nhất kể từ năm 2012 khi Viettel Global bắt đầu mở rộng sang khu vực châu Phi. Nhờ tập trung vào dịch vụ có tỷ suất lợi nhuận cao, nên dù tổng doanh thu có giảm so với năm ngoái, nhưng lợi nhuận gộp vẫn tiếp tục lập kỷ lục mới trong công ty, đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 31,5% - mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
Về cơ cấu doanh thu, đóng góp chính vào vẫn là hai thị trường châu Phi và ASEAN, đạt lần lượt 7.100 tỷ và 6.100 tỷ đồng. Thị trường Mỹ Latin đóng góp gần 2.300 tỷ đồng. Hai mạng viễn thông tại Lào và Myanmar không hợp nhất vào doanh thu, do Viettel Global nắm giữ dưới 50% vốn.
Trong năm qua, Viettel Global cũng đẩy mạnh cắt giảm chi phí, với kết quả giảm được 650 tỷ đồng chi phí quản lý và chi phí bán hàng so với năm 2017.
Với các yếu tố trên, trong điều kiện tương đương năm 2017 (không có khoản lỗ kế hoạch của thị trường Myanmar) thì lợi nhuận của Viettel Global có thể đạt được gần 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thị trường Myanmar đầu tư lớn trong năm đầu đi vào vận hành, nên Viettel Global ghi nhận khoản lỗ trước thuế khoảng 139 tỷ đồng.
Với thị trường Myanmar, dù mới đi vào hoạt động nhưng đây là thị trường đạt tăng trưởng ấn tượng nhất trong lịch sử đầu tư nước ngoài của Viettel Global. Chỉ sau hơn 6 tháng khai trương, Mytel - thương hiệu của Viettel tại đây - vượt mốc 5 triệu thuê bao, con số nhiều thị trường trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam phải mất nhiều năm mới đạt được.
Đến tháng 4, Mytel đã vươn lên vị trí top 3 nhà mạng lớn nhất tại Myanmar, chiếm 14% thị phần chỉ trong thời gian 8 tháng kinh doanh. Dự kiến, Mytel sẽ có lãi trong năm 2019 và tiếp tục là động lực tăng trưởng lớn nhất của Viettel Global.
Các công ty thị trường của Viettel cũng đạt được kết quả kinh doanh tốt trong năm 2018, như Natcom (thương hiệu tại Haiti) sau thời gian kinh doanh đã bắt đầu đem về cổ tức cho Viettel Global, tăng trưởng 520%; Lumitel (thương hiệu tại Burundi) tăng trưởng 226%. Hai thị trường Metfone và Unitel lợi nhuận đạt mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây (Metfone tăng 11%, Unitel tăng 16%). Telemor (thương hiệu tại Đông Timor) là nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ ví điện tử và thanh toán di động tại Timor, tiếp tục duy trì vững chắc vị thế tại thị trường này cả về thị phần, doanh thu, hạ tầng mạng lưới, công nghệ và thương hiệu.
Từ đầu năm 2019 đến nay, cổ phiếu VGI của Viettel Global đã tăng mạnh, với mức đỉnh gần 28.000 đồng vào giữa tháng 3 - tăng gấp đôi so với cuối năm 2018. Hiện tại, VGI dao động quanh mức 22.500 đồng, tương ứng với vốn hóa thị trường đạt hơn 50.000 tỷ đồng (2,2 tỷ USD).
Theo Zing