Một nhà nước kiến tạo thì cần phải kiến tạo cả luật lệ, nếu cần thiết, chứ không thể chỉ bám vào quy định cũ và buộc xã hội phải đi theo tốc độ xây dựng, sửa đổi luật của mình.
Tôi đang kể cho độc giả câu chuyện tưởng tượng về thôn Đoài và thôn Đông. Cả hai thôn đều có thu nhập chính từ nghề làm ruộng. Một ngày, thôn Đoài mang về một chiếc máy cày, giúp tăng đáng kể năng suất và giảm thiểu chi phí đầu vào của ruộng lúa. Thôn Đông vẫn chỉ phụ thuộc vào sức trâu, nên khi thu hoạch không thể cạnh tranh nổi với thôn Đoài về chất lượng lúa lẫn giá cả. Không bán được lúa, thôn Đông đứng trước nguy cơ “được mùa mất giá”, thu nhập bị đe dọa. Là trưởng thôn Đông, bạn sẽ làm gì với ba lựa chọn sau đây?
- Đâm đơn kiện thôn Đoài vì cạnh tranh không lành mạnh, vì sức trâu không thể so với sức máy móc
- Bán dần đàn trâu để mua máy móc, cạnh tranh trực tiếp với thôn Đoài
- Và cuối cùng, kết hợp “vừa đánh vừa đàm”: kiện thôn Đoài nhưng vẫn âm thầm mua máy cày
Lựa chọn đầu tiên là cách làm của những người lái xe ngựa tại Mỹ vào cuối thế kỷ 19, khi vận động để những nhà làm luật tại bang Pennsylvania quy định “Bất kỳ ô tô nào khi thấy xe ngựa đi trên đường phải di chuyển ra khỏi đường giao thông, phủ xe bằng vải, và để xe ngựa đi qua. Nếu con ngựa lồng lên, người lái xe phải tách chiếc xe ra từng phần, và giấu ở bụi cây gần nhất”. Lựa chọn thứ hai là câu chuyện phổ biến của các doanh nghiệp, ví dụ như việc chuyển từ công nghệ điện thoại nghe – gọi sang smartphone với vô số các chức năng khác, vốn chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 5 năm.
Lựa chọn thứ ba, rất gần gũi với chúng ta, là cách làm của các hãng taxi truyền thống trong cuộc chiến sống còn với các hãng gọi xe công nghệ như Grab và Uber. Vụ kiện vô tiền khoáng hậu giữa Vinasun và Grab, khi hãng taxi lớn nhất nhì TP. HCM đòi Grab trả 42 tỷ đồng do bị sụt giảm lợi nhuận – theo lời của Vinasun – bởi những hành vi kinh doanh ‘trái phép” của hãng này. Nhưng đồng thời với việc theo đuổi vụ kiện, Vinasun – cũng như các hãng taxi truyền thống khác như Mai Linh và Thành Công – cũng đều phát triển dịch vụ gọi xe công nghệ của riêng mình.
Tôi không phải là chuyên gia pháp lý, nên không bình luận về chi tiết phiên tòa, vốn sẽ được tuyên án vào ngày 29/10 tới đây. Tôi cũng cho rằng hành động của Vinasun là văn minh, thay vì những băng rôn phản đối hay yêu cầu can thiệp trực tiếp từ cơ quan hành pháp. Thậm chí cản khi tòa tuyên án có lợi cho Vinasun, điều đó cũng không có nghĩa chúng ta đang đi thụt lùi: thực tế Tòa án Châu Âu năm ngoái quyết định coi Uber là dịch vụ taxi, buộc hãng này phải tuân thủ các quy định pháp lý liên quan.
Nhưng phán quyết của tòa sẽ có hàm ý quan trọng. Nếu bị xử thua, Grab sẽ phải đối diện với nguy cơ bị kiện đòi bồi thường khác từ rất nhiều hãng taxi truyền thống. Thêm nữa, đây có thể coi là một “án lệ” để coi Grab – hay những dịch vụ gọi xe khác – như một hãng taxi truyền thống, và buộc họ phải tuân thủ quy định liên quan. Đó là những quy định rất ngặt nghèo, không cần thiết, và tăng thêm chi phí hoạt động của gọi xe điện tử: có đồng hồ tính tiền (không cần khi đã có ứng dụng), sơn biểu trưng (không cần khi đặt xe qua ứng dụng), có trung tâm điều hành và thiết bị liên lạc với lái xe (không cần khi có ứng dụng kết nối trực tiếp lái xe và người dùng).
Như vậy điều cốt lõi ở đây là Grab đang cố tránh bị coi là “taxi truyền thống”, với cách đánh thuế, quy trình quản lý, các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo hơn nhiều so với chương trình thí điểm như hiện tại. Các hãng taxi – dù có dịch vụ gọi xe của riêng mình – không e ngại điều này, bởi gọi xe điện tử là mảng không mấy sinh lời cho họ. Khi đưa dịch vụ gọi xe công nghệ về đấu trường quen thuộc của mình, cạnh tranh với họ sẽ không còn mấy khó khăn.
Để thay đổi điều này, việc định danh “dịch vụ gọi xe công nghệ” là ngành kinh doanh gì là yêu cầu quan trọng nhất. Đây là vấn đề đưa lên đặt xuống của Bộ Giao thông trong mấy năm qua, khi Uber và sau đó là Grab làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam. Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi mới nhất về kinh doanh vận tải ô tô quay trở lại quan điểm bảo thủ ban đầu: coi gọi xe công nghệ là taxi và quản lý y hệt taxi. Lúc này, quan điểm của những nhà làm luật lại là nhị phân: hoặc là taxi hoặc là không phải taxi. Quan điểm này chỉ đúng trong điều kiện tĩnh, khi mọi thứ không có biến động. Nhưng khi có những phát kiến, ngành nghề kinh doanh mới, thì luật phải đi theo và sửa đổi theo, chứ không thể gò cái mới vào khuôn khổ cái cũ. Máy bay ra đời sau ô tô, nên khi có máy bay thì chưa có luật điều chỉnh. Nhưng như thế không có nghĩa phải gò ép máy bay vào quy định của luật quản lý ô tô, dù cả hai loại đều có động cơ và chạy bằng xăng dầu.
Thứ hai, để đảm bảo khả năng cạnh tranh công bằng, cần cắt giảm điều kiện kinh doanh cho taxi truyền thống. Nghị định 86 sửa đổi đề xuất cắt bỏ 12 điều kiện kinh doanh, nhưng lại bổ sung thêm 85 điều kiện mới (nhiều trong số đó – theo ý kiến của ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) – được tổng hợp từ các thông tư). Khi môi trường kinh doanh thực sự công bằng thì taxi truyền thống và gọi xe công nghệ mới có cùng “hạng cân” để giao đấu trên thị trường.
Đối với một doanh nghiệp như Grab, 42 tỷ đồng không phải là lớn. Là hãng taxi có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, con số trên cũng không khiến Vinasun tăng trưởng lợi nhuận đột biến. Nhưng kết quả của lần tuyên án vào 29/10 tới đây – đặc biệt là lý do tuyên án – sẽ có tác động rất lớn. Nó sẽ cho thấy một phần nào đó quan điểm của nhà nước về các dịch vụ kinh doanh mới theo hướng “bảo thủ” hay “cấp tiến”. Nếu Grab bị phạt vì “kinh doanh như taxi mà không phải là taxi” thì đó là dấu hiệu của quan điểm bảo thủ về chính sách điều hành. Còn nếu Grab bị xử phạt vì những vi phạm khác – như quảng cáo, khuyến mại – hay thậm chí thắng kiện, thì đó có thể minh chứng cho điều ngược lại.
Quay trở lại câu chuyện của con trâu và máy cày ở thôn Đoài và thôn Đông. Câu chuyện thực ra không phải là ủng hộ cái gì và cấm cái gì, mà là quản lý từng loại như thế nào. Không thể áp dụng quy trình kiểm tra bệnh dịch với chiếc máy cày, cũng như kiểm định độ bền của con trâu mỗi năm.
Theo Vietnamnet