Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chi bao nhiêu tiền để M&A trong năm 2018?

31/03/2019 08:08

Tới cuối năm 2018, Vingroup có 67 công ty con với tổng giá trị đầu tư đầu tư là 70.687 tỷ đồng, tăng hơn 14.000 tỷ đồng so với đầu năm, có giá trị lớn nhất tính theo sổ sách là CTCP Vinhomes (22.981 tỷ đồng), CTCP Vinpearl (15.312 tỷ đồng), CTCP Vincommerce (6.054 tỷ đồng) và Vinfast (6.500 tỷ đồng).

 

1_86064

Phối cảnh siêu dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam quy mô 925ha tại Hóc Môn, TP.HCM

2018 tiếp tục là một năm mở rộng mạnh mẽ của Vingroup. Không đơn thuần chỉ là tích luỹ quỹ đất như những năm trước, Vingroup bắt đầu đổ vốn vào nhiều mảng khác.

Thương vụ M&A đầu tiên trong năm là mua 3% vốn rồi góp thêm 443 tỷ đồng để nắm 96,39% vốn CTCP Vinfa - doanh nghiệp có chức năng nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh dược phẩm vào cuối tháng 1.

Ít ngày sau, Vingroup gây xôn xao giới đầu tư địa ốc khi thực hiện thương vụ M&A đình đám nhất trong năm. Cụ thể, ngày 8/2/2018, Vingroup đã mua 97,9% cổ phần Công ty TNHH Đô thị Đại học Berjaya Việt Nam với tổng giá phí 11.748 tỷ đồng. Đây là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam tại Hóc Môn trong Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM với diện tích khoảng 925 ha, tổng mức đầu tư theo kế hoạch ban đầu là 3,5 tỷ USD.

Tới ngày 7/3/2018, Vingroup tiếp tục rót 2.009 tỷ đồng để sở hữu 67,5% vốn Công ty TNHH Trung tâm Tài chính Việt Nam Berjaya - chủ đầu tư Dự án Trung tâm tài chính Việt Nam (VFC) trên khu đất gần 7ha giáp 3 mặt tiền Cao Thắng nối dài - Lê Hồng Phong - 3 Tháng 2, quận 10, TP.HCM.

Xen giữa hai thương vụ của Vingroup với Berjaya Group, ngày 28/2, Tập đoàn của Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã mua 100% vốn góp của Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Phát Lộc với giá phí 406,5 tỷ đồng. Tuy nhiên đến cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Vingroup đã chuyển nhượng 100% cổ phần trong Phát Lộc cho đối tác với giá 1.100 tỷ đồng, thu về khoản lãi gần 700 tỷ đồng.

Ngày 8/5, tập đoàn này tiếp tục mua 96,47% CTCP Đầu tư Xây dựng Thái Sơn với giá phí 1.700 tỷ đồng, nhờ vậy sở hữu luôn hai công ty con của Thái Sơn là CTCP Đầu tư Xây dựng Đất Rồng Vàng (tỷ lệ 90,32%) và CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Đô thị Tây Hà Nội (98,32%). Trong đó Tây Hà Nội sở hữu một dự án bất động sản tiềm năng tại xã Tây Mỗ, xã Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đáng chú ý, Vingroup ngày 21/8 đã chi 39 tỷ đồng để mua 100% cổ phần CTCP Viễn Thông A, dù doanh nghiệp sở hữu chuỗi bán lẻ thiết bị điện tử lỗ trước thuế 226 tỷ đồng từ đầu năm 2018. Ngày 4/10, tập đoàn này chi 1.412 tỷ đồng mua 100% cổ phần CTCP Đầu tư Nhất Nam, qua đó sở hữu luôn công ty con là CTCP Nhất Nam. Tương tự Viễn Thông A, pháp nhân vận hành chuỗi siêu thị Fivimart và công ty con cũng lỗ lớn trước thời điểm được mua lại, với lỗ trước thuế từ đầu năm 2018 tới thời điểm mua là 558 tỷ đồng.

Ở một số thương vụ khác, Vingroup ngày 2/7 chi 1.205 tỷ đồng mua 100% cổ phần của CTCP Phát triển GS Củ Chi - đơn vị sở hữu một dự án sân golf tiềm năng. Tới ngày 4/12 tiếp tục bỏ 919,4 tỷ đồng mua 100% vốn Công ty TNHH General Motors Việt Nam.

Thương vụ hiếm hoi Vingroup thoái vốn trong năm vừa qua là bán 90% cổ phần trong Công ty TNHH Đầu tư Cam Ranh tháng 11/2018 với tổng giá phí 3.506 tỷ đồng, thu về khoản lãi 2.041 tỷ đồng.

Tới cuối năm 2018, Vingroup có 67 công ty con với tổng giá trị đầu tư đầu tư là 70.687 tỷ đồng, tăng hơn 14.000 tỷ đồng so với đầu năm, có giá trị lớn nhất tính theo sổ sách là CTCP Vinhomes (22.981 tỷ đồng), CTCP Vinpearl (15.312 tỷ đồng), CTCP Vincommerce (6.054 tỷ đồng) và Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh Vinfast (6.500 tỷ đồng).

Xuân Tiên/NĐT