Sinh nhật 10 tuổi Winmart

VinMart+ đóng hàng trăm cửa hàng: Thông điệp gì ẩn sau?

04/11/2020 15:21

Động thái đóng hàng trăm cửa hàng VinMart+ tại TP. HCM không chỉ để giảm lỗ, mà còn nhằm tái khởi động mô hình kinh doanh mới tại một thị trường đang cạnh tranh khốc liệt.

Động thái đóng hàng trăm cửa hàng VinMart+ tại TP. HCM không chỉ để giảm lỗ, mà còn nhằm tái khởi động mô hình kinh doanh mới tại một thị trường đang cạnh tranh khốc liệt.

VinMart+ đóng hàng trăm cửa hàng: Thông điệp gì ẩn sau? (Ảnh minh họa)

Thông cáo từ Tập đoàn Masan cho hay riêng trong quý III/2020, đã có tới 276 cửa hàng VinMart+ bị đóng cửa, gần nửa trong số đó là tại TP. HCM.

Lũy kế 9 tháng, đã có tới 421 cửa hàng VinMart+ bị đóng cửa, trong đó, hơn 80% là tại TP. HCM và các thành phố cấp 2 có tỷ lệ doanh thu/m2 thấp hơn khoảng 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng.

Thoạt nhiên, có thể thấy ngay việc đóng cửa hàng không hiệu quả là để giảm thua lỗ, qua đó tiến nhanh hơn tới điểm hòa vốn. Thực vậy, Masan đặt kế hoạch hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) đối với VinCommerce (doanh nghiệp sở hữu chuỗi VinMart, VinMart+) ngay trong quý IV/2020.

Một mặt giảm thua lỗ thông qua đóng lượng lớn cửa hàng không hiệu quả, mặt khác gia tăng mạnh doanh thu tại từng cửa hàng là cách VinCommerce tiến tới điểm hòa vốn. Đang có những tín hiệu tích cực trong việc gia tăng doanh thu từng cửa hàng, đặc biệt là ở chuỗi VinMart+.

Thông tin từ phía VinCommerce cho biết đối với chuỗi VinMart+, tăng trưởng doanh thu/m2 trên cơ sở so sánh tương đương (LFL) đạt 8,4% trong quý III/2020. Lũy kế 9 tháng, mức tăng là 11,2%. Tăng trưởng LFL được thúc đẩy bởi giá trị hóa đơn trung bình tăng trưởng 18,1% trong quý III/2020, trong đó các cửa hàng tại TP. HCM có mức tăng trưởng nhanh nhất, đạt 25,4%. Kết quả tích cực này đạt được ngay cả khi số lượng khách hàng đến cửa hàng suy giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhưng chưa dừng ở đó. Việc đóng hàng trăm cửa hàng VinMart+ không hiệu quả, phần lớn tại TP. HCM, còn như một cách VinCommerce gửi thông điệp: sẵn sàng thay đổi để cạnh tranh.

VinMart+ được đón nhận khá nồng nhiệt tại thị trường miền Bắc, đặc biệt là tại Hà Nội, có thể do mô hình kinh doanh của chuỗi này phù hợp hơn với khách hàng miền Bắc, hoặc tại miền Bắc chưa có đối thủ cạnh tranh thực sự mạnh. Trong khi đó, ở miền Nam, mức độ đón nhận dường như kém hơn nhiều, nhất là khi so với đối thủ cạnh tranh là chuỗi Bách hóa Xanh.

Đây có lẽ là một trong những lý do quan trọng khiến VinCommerce quyết định đóng hàng trăm cửa hàng tại TP. HCM, không chỉ để giảm lỗ, mà còn nhằm tái khởi động mô hình kinh doanh mới tại một thị trường đang cạnh tranh khốc liệt (thị trường miền Nam không chỉ là "đại bản doanh" của Bách hóa Xanh mà còn của cả chuỗi Co.op Food).

Trên thực tế, VinCommerce đang tiến hành điều chỉnh mô hình hoạt động và hình thức bày trí bằng việc khai trương các cửa hàng thí điểm. Phía VinCommerce kỳ vọng cửa hàng với mô hình bày trí mới ra mắt tại TP. HCM vào tháng 8/2020 sẽ giúp doanh nghiệp này xây dựng mô hình cửa hàng thành công tại TP. HCM trong thời gian tới.

Các cửa hàng áp dụng mô hình mới hướng đến cung cấp nhiều sản phẩm tươi sống hơn, nâng cao trải nghiệm khách hàng - những yếu tố đang khiến VinMart+ tại TP. HCM lép vế hơn so với chuỗi Bách hóa Xanh.

Việc thay đổi mô hình kinh doanh chuỗi VinMart+ không phải là quyết định bất chợt. Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 6/2020, Tổng giám đốc VinCommerce Trương Công Thắng từng tiết lộ rằng các chuỗi bán lẻ của doanh nghiệp này sẽ học tập mô hình của chuỗi Mercadona (Tây Ban Nha).

Mercadona là chuỗi siêu thị lớn nhất Tây Ban nha tính theo doanh số bán hàng trong nước với thị phần khoảng 24%, gấp khoảng 3 lần thị phần Carrefour - chuỗi nắm thị phần cao thứ hai tại quốc gia này (xem thêm về mô hình thành công của Mercadona: 'Cuộc chiến' VinMart, VinMart+ và Bách hóa Xanh: Lợi thế thuộc về ai?).

Nghiên cứu về mô hình kinh doanh của Mercadona cho thấy, xét về các yếu tố dễ thấy nhất như diện tích cửa hàng hay số lượng mã hàng (SKU), mô hình này lại gần gũi với mô hình của chuỗi Bách hóa Xanh hơn là chuỗi VinMart+. Tuy nhiên, chuỗi VinMart+ lại có lợi thế vượt trội trong sản xuất sản phẩm nhãn hiệu riêng - yếu tố rất quan trọng quyết định thành công của Mercadona - bởi chuỗi này được hậu thuẫn từ nhà sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam: Masan.

Bởi việc thay đổi mô hình kinh doanh VinMart+ là quyết định mang tính hệ thống nên động thái đóng cửa hàng trăm cửa hàng VinMart+, cùng với đó là tiến hành các thử nghiệm mới, báo hiệu cuộc chiến bán lẻ tại Việt Nam nói chung và tại TP. HCM thời gian tới sẽ rất khốc liệt.

Thanh Long

Theo Vietnam Finance