Dù đã được đại gia ngoại nâng đỡ nhưng các doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn không đủ sức để cạnh tranh. Kết cục buồn là việc chia tay với doanh nghiệp ngoại và thâu tóm, rời bỏ thị trường.
Sau Fivimart, liệu có tới Citimart?
Sau thời gian hoạt động tại thị trường Hà Nội, Fivimart đã chính thức về tay chủ mới. Theo đó, toàn bộ chuỗi bán lẻ này sẽ đổi tên sang thương hiệu mới.
Đại gia bán lẻ Nhật Bản Aeon "bén duyên" cùng CTCP Nhất Nam (Fivimart) từ năm 2015 khi tuyên bố mua lại 30% cổ phần. Sự hiện diện này được kỳ vọng sẽ giúp các chuỗi bán lẻ trong nước nâng cao thương hiệu, uy tín cũng như mở rộng hệ thống phân phối mạnh hơn nữa.
Đại diện đơn vị này từng chia sẻ: “Nếu chúng tôi chỉ chọn mục tiêu bổ sung về tài chính, chúng tôi có thể chọn một công ty đầu tư về tài chính. Chúng tôi lựa chọn Aeon bởi Aeon cùng chung ngành nghề với chúng tôi. Việc lựa chọn hợp tác với một công ty có chung ngành nghề sẽ bổ sung rất nhiều những cái thiếu của doanh nghiệp Việt Nam”.
Kể từ đó, hợp tác với Aeon đem đến tác động tích cực về doanh thu đối với Fivimart, khiến công ty này tăng trưởng qua từng năm. Aeon đã giúp hệ thống Fivimart ngày càng mở rộng và hiện nâng lên con số 23, từ 10 siêu thị ở thời điểm bắt đầu hợp tác. Đáng chú ý trong năm 2016, doanh thu của Fivimart đạt mức tăng 20% so với năm trước đó, năm 2017 cũng tiếp tục tăng nhẹ.
Dù doanh thu tích cực nhưng công ty này liên tục báo lỗ. Năm 2016, công ty lỗ tới 96 tỷ đồng, nguyên nhân thua lỗ do chi phí bán hàng lớn hơn cả lợi nhuận gộp (ở mức 280 tỷ đồng). Năm 2015, công ty lỗ 60 tỷ đồng và năm 2017 cũng lỗ 23 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2017, tổng số lỗ lũy kế của Fivimart lên tới gần 200 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 823 tỷ đồng, tương đương giá trị tổng tài sản công ty. Đây là một cái kết buồn của một thương hiệu bán lẻ Việt.
Tương tự là trường hợp Citimart. Aeon đã mua lại 49% cổ phần của đơn vị bán này này. Citimart từng kỳ vọng việc hợp tác giữa hai bên sẽ không có giới hạn về thời gian, nhưng phía đối tác đưa ra mục tiêu là đến năm 2025 Citimart phải phát triển được khoảng 500 siêu thị lớn nhỏ các loại.
Chia sẻ với báo chí, chủ hệ thống Citimart cho biết, công ty từ lâu đã tìm cách hợp tác tạo ra sự khác biệt và chuyên nghiệp cho các siêu thị của mình để cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ trong và ngoài nước. Và Aeon là một trong những cái tên được công ty nghĩ đến đầu tiên.
Việc hợp tác cũng không mấy khả quan khi chuỗi siêu thị này báo lỗ 91 tỷ đồng trong năm 2015 và trong năm 2016 tiếp tục lỗ 33 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của Citimart tính tới cuối năm 2016 cũng lên tới 157 tỷ đồng.
Trước đó, Aeon đã thất bại với Trung Nguyên khi phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích Ministop qua hình thức nhượng quyền thương hiệu. Năm 2015, việc hợp tác này không hiệu quả khiến Ministop dừng hợp tác với Trung Nguyên.
Có lẽ sự khác biệt về tư duy kinh doanh khiến cho 10 năm qua Aeon vẫn chưa tìm được đối tác hoàn hảo.
Trước Aeon, FamilyMart cũng đã nói lời chia tay với Phú Thái sau khi liên doanh thành lập Vi Na FamilyMart vào tháng 6 năm 2011. Năm 2009, FamilyMart bắt đầu thâm nhập vào Việt Nam, cửa hàng đầu tiên được khai trương vào tháng 12.
Do việc mở rộng mô hình gặp khó khăn, tháng 6/2011, FamilyMart tiến hành liên doanh với công ty trong nước, trong đó Family Mart Nhật Bản chiếm 44% cổ phần, 51% thuộc công ty Phú Thái và 5% của Itochu Nhật Bản. Nhờ sự hợp tác này, chỉ sau 1,5 năm, FamilyMart đã nâng tổng số cửa hàng tại Việt Nam lên đến con số 42.
Tìm hướng đi riêng
Quyết tâm đẩy mạnh đầu tư cùa Aeon là tập đoàn đánh giá thị trường Việt Nam rất tiềm năng và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân là rất lớn để theo đuổi mục tiêu đầu tư lâu dài. Aeon coi Việt Nam là thị trường quan trọng thứ 2 tại Đông Nam Á sau Malaysia. Tại các quốc gia thuộc ASEAN, Aeon sở hữu tới 191 địa điểm và doanh thu lên tới 3 tỷ USD, cao hơn nhiều so với thị trường Trung Quốc.
Aeon chính thức bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009 dưới hình thức văn phòng đại diện. Đến năm 2011, Công ty TNHH Aeon Việt Nam chính thức được thành lập với vốn điều lệ 192,38 triệu USD.
Nhà bán lẻ này dự kiến đến năm 2020 mở 200 siêu thị/cửa hàng trên cả nước, trong đó có 20 trung tâm thương mại, với mục tiêu doanh số cán mốc 100 tỷ yên, tương đương hơn 18.000 tỷ đồng.
Thuế quan nội khối ASEAN hiện được hạ dần về mức 0 và đây sẽ là lợi thế cho Aeon tận dụng. Tới đây, Aeon sẽ tiếp tục mở thêm hai trung tâm nữa tại Hải Phòng và Hà Đông.
Trong khi đó, năm 2013, Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của Thái Lan mua lại toàn bộ cổ phần mà Family Mart nắm giữ trong liên doanh tại Việt Nam và đổi tên các cửa hàng thành B’s mart. Tại thời điểm đó, không ít những lời đồn đoán về chuyện Family Mart thua lỗ và chuẩn bị rút khỏi thị trường Việt Nam.
Cho đến cuối năm 2017, Family Mart của Nhật có 130 cửa hàng tại Việt Nam và dự kiến sẽ mở thêm 700 cửa hàng nữa cho tới năm 2020. Family Mart còn từng có tham vọng trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất tại Việt Nam và sở hữu 1.500-2.500 cửa hàng trong năm 2023.
Tuy nhiên, khi đã phát triển tới hàng trăm cửa hàng như hiện nay, Family Mart đã vội tuyên bố "không thể đổ thêm nguồn lực để đầu tư".
Mặc dù, thị trường Việt Nam được đánh giá tiềm năng bán lẻ rất lớn. Song thách thức cũng không hề nhỏ với các đại gia ngoại.
Theo Nam Hải
Vietnamnet