Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Vốn tư nhân đang đổ vào những dự án giáo dục nào?

12/08/2019 14:49

Đầu tư tư nhân vào lĩnh vực giáo dục sôi động hơn khi nhiều tên tuổi mới trong và ngoài nước gia nhập thị trường trong năm 2019 này, đặc biệt tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2019 hồi tháng 5, UBND TP.HCM đã mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào 210 dự án ở nhiều lĩnh vực. Trong đó giáo dục có 14 dự án với tổng nhu cầu vốn là 3.046 tỉ đồng (138 triệu USD). Trong giai đoạn 2017-2020, Hà Nội cũng kêu gọi đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng cho các dự án giáo dục, đáng chú ý trong danh mục này có 5 dự án hạ tầng giáo dục theo hình thức hợp tác công tư (PPP) và 17 dự án xây dựng trường học theo hình thức xã hội hóa.

Dữ liệu ghi nhận theo Forbes Việt Nam, trong bảy tháng đầu năm nay, lĩnh vực này khá sôi động với nhiều nhà đầu tư nội địa lẫn các quỹ nước ngoài rót vốn vào các hệ thống trường hiện hữu hoặc mở trường mới. Đa số các thương vụ nhắm vào mô hình chuỗi đi từ mầm non với khả năng mở rộng trong tương lai. 

Vốn tư nhân đang đổ vào những dự án giáo dục nào? - ảnh 1

 EMASI bắt đầu hoạt động từ 2019. Ảnh: Website công ty.

Sức hút từ trường tư thục liên cấp. Hệ thống trường song ngữ quốc tế EMASI liên cấp từ mầm non đến trung học chính thức ra mắt tại TP.HCM với hai cơ sở đầu tiên khai giảng từ niên học 2019-2020 này. Nhà đầu tư dự kiến mở 3 cơ sở mới khác cũng tại TP.HCM trong niên học tiếp theo.

EMASI lấy tên ghép của những môn tiếng Anh, toán học, nghệ thuật, khoa học và công nghệ thông tin, được nhà đầu tư giới thiệu tổ chức theo phương pháp tiếp cận sư phạm đổi mới, phát triển kỹ năng và phát huy khả năng tự học.

Theo thông tin tự công bố, EMASI được sáng lập bởi chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuyên. Ông Tuyên đồng thời là chủ tịch HĐQT một số công ty khác như công ty cổ phần Việt Hương, đồng sáng lập và giám đốc công ty Phát triển Rivermark (một công ty phát triển địa ốc tại Texas, Mỹ).

Năm 2007, sau khi cùng vợ là bà Nguyễn Quỳnh sáng lập và phát triển trường quốc tế Renaissance Sài Gòn, ông tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào mô hình giáo dục mới và cho ra đời EMASI. Tại EMASI, bà Nguyễn Quỳnh cũng là thành viên HĐQT, đảm nhận khâu giám sát tài chính.

Cuối tháng 5, quỹ đầu tư Navis Capital Partners từ Malaysia mua lại công ty giáo dục Thành Thành Công (TTCE) – công ty con của tập đoàn Thành Thành Công (TTC) thuộc sở hữu của gia đình ông Đặng Văn Thành.

TTCE cũng là mô hình trường liên cấp từ mầm non đến đại học, đang có chuỗi 17 trường học và trung tâm đào tạo tiếng Anh tại 6 tỉnh thành với hơn 15.500 học sinh trong niên học gần nhất. Nhà đầu tư dự kiến mở thêm 4 trường mới từ niên học tới và nâng số học sinh lên khoảng 30.000 trên toàn hệ thống.

Tại Hà Nội, mô hình trường liên cấp cũng hấp dẫn không kém. Đầu tháng 7, Toshin Development - một nhà phát triển bất động sản thuộc tập đoàn Takashimaya của Nhật, công bố khoản đầu tư 34 triệu USD vào tập đoàn giáo dục Edufit để xây dựng hệ thống trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway Tây Hồ Tây. Edufit hiện sở hữu hệ thống trường mầm non Sakura Montessori lẫn hệ thống trường phổ thông Gateway.

Theo thông tin tự công bố, trường Gateway Tây Hồ Tây được xây dựng trên diện tích 2 héc ta với 126 lớp học, hệ thống các phòng chức năng và tổ hợp tiện ích có sức chứa tới 1.000 người. Trường dự kiến tuyển sinh từ niên học 2020-2021.

Vốn tư nhân đang đổ vào những dự án giáo dục nào? - ảnh 2

Chuỗi trường mầm non Kipinä đã có mặt ở 14 quốc gia. Nguồn:Kipinä Kids.

Nhà đầu tư "dòm ngó" chuỗi trung tâm Anh ngữ. Các quỹ đầu tư cũng rót vốn vào Việt Nam thông qua các chuỗi trung tâm Anh ngữ để mở rộng hệ thống.

Chuỗi nhượng quyền mầm non quốc tế Kipinä cuối tháng trước công bố hợp tác với ILA Việt Nam mở 10 trường mầm non mới thương hiệu Kipinä tại Việt Nam. Theo đó, ngôi trường Kipinä đầu tiên dự kiến mở đầu năm 2020. Kipinä cho biết, để nhận nhượng quyền, đối tác của họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về thiết kế nội thất, màu sắc và các nguồn lực khác. Chỉ riêng chi phí làm mới khuôn viên theo chuẩn trường Kipinä ước tính trên diện tích 500m2 cho 100 trẻ em vào khoảng 90.000-200.000 USD.

Công ty quản lý quỹ đầu tư giáo dục Kaizen Private Equity (Kaizen PE) có trụ sở ở Singapore và Ấn Độ cũng hoàn tất thương vụ đầu tiên tại Việt Nam vào cuối tháng 7. Khoản đầu tư 10 triệu USD vào YOLA – tổ chức giáo dục chuyên cung cấp các chương trình tiếng Anh kết hợp kiến thức và kỹ năng cho học sinh.

Được thành lập năm 2009 bởi Ngô Thùy Ngọc Tú, một thành viên trong danh sách 30 Under 30 năm 2015 của Forbes Việt Nam, CEO Phạm Anh Khoa và Phan Duy, từ một trung tâm chuyên cung cấp các khóa học tiếng Anh cho du học sinh, hiện YOLA mở rộng đối tượng nhưng chủ yếu tập trung vào người trẻ. Tổ hợp này hiện hoạt có 16 cơ sở tại TP.HCM và Hà Nội.

Vốn tư nhân đang đổ vào những dự án giáo dục nào? - ảnh 3

YOLA là thương vụ đầu tiên của Kaizen, trước đó quỹ này đã đầu tư vào 12 công ty đều có trụ sở tại Ấn Độ. Nguồn. Yola.

Đánh giá cao tiềm năng đầu tư vào thị trường giáo dục Việt Nam thông qua việc chính phủ cam kết dành 20% ngân sách mỗi năm cho giáo dục, Sandeep Aneja – nhà sáng lập, đối tác quản lý của Kaizen PE khẳng định công ty kỳ vọng ngành giáo dục Việt Nam và tiếp tục đầu tư mạnh trong 5 năm tới với kỳ vọng có thêm nhiều thương vụ mới trong tương lai.

Theo ForbesVietNam