Vụ DN tố hải quan gây khó: 'Tổng cục Hải quan sẽ xử lý lãnh đạo đơn vị thực hiện không đúng’

14/12/2022 07:21

Liên quan đến vụ việc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng quá cảnh tuyến Việt Nam-Campuchia tố cán bộ chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1, Tổng cục Hải quan vừa có công văn số 5369/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc “chấn chỉnh việc kiểm tra thực tế đối với hàng hoá quá cảnh”.

z3957846875211-309db3eacfa6bd2e5bb6535b1a7bcccb-1670977217.jpg

4 doanh nghiệp dịch vụ vận tải hàng quá cảnh tuyến Việt Nam – Campuchia phản ánh có nhiều bất cập trong việc kiểm tra thực tế hàng quá cảnh vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa tại Chi cục Hải quan Khu vực I, Cục Hải quan TP. HCM.

Theo đó, tại văn bản này, Tổng cục Hải quan cho biết thời gian qua đã nhận được phản ánh vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá quá cảnh, cũng như phản ánh trên một số phương tiện truyền thông về việc một số Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra thực tế hàng hoá quá cảnh quá mức cần thiết làm kéo dài thời gian thông quan hàng hoá, tăng chi phí lưu kho bãi, gây bức xúc cho doanh nghiệp, đặc biệt là hàng hoá quá cảnh đi Campuchia.

Phản hồi về việc này, Tổng cục Hải quan đưa ra nhiều yêu cầu với Cục Hải quan các tỉnh, thành phố. Thứ nhất, thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá quá cảnh thực hiện đúng quy định tại các Hiệp định quá cảng hàng hoá giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia năm 2013, Hiệp định quá cảng hàng hoá giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào năm 2009, Hiệp định quá cảng hàng hoá giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc năm 1994, Điều 43 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Thứ hai, hàng hoá quá cảnh phải được giám sát bằng seal định vị trong quá trình vận chuyển chịu sự giám sát hải quan từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, đi đúng tuyến đường, thời gian quy định. Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập khẩu và xuất khẩu phối hợp tổ chức giám sát chặt chẽ hàng hoá trong quá trình vận chuyển, lưu giữ trên lãnh thổ Việt Nam.

Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chấn chỉnh Hải quan các địa phương.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bằng các biện pháp nghiệp vụ, không kiểm tra tràn lan, chỉ kiểm tra thực tế trên cơ sở đánh giá rủi ro, xác định hàng quá cảnh có dấu hiệu vi phạm cụ thể.

Tổng cục Hải quan yêu cầu, khi làm thủ tục xuất quá cảnh tại cửa khẩu xuất, Chi cục Hải quan kiểm tra, đối chiếu thông tin, nếu phát hiện phương tiện chứa hàng, niêm phong hải quản có dấu hiệu không đảm bảo nguyên trạng, phương tiện vận chuyển không đúng lộ trình, thời gian, tắt tín hiệu định vị thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hoá.

Trong quá trình kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan nếu phát hiện hàng hoá quá cảnh có vi phạm pháp luật thì thực hiện xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 128/2020/NĐ-CP và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác có liên quan, trường hợp phát hiện hành vi giả mạo xuất xứ Việt Nam thì xử lý vi phạm, tịch thu hàng hoá quá cảnh theo quy định  tại Điều 17 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP hoặc có thông tin người nhận hàng có địa chỉ tại Việt Nam thì tiến hành điều tra, xác minh và xử lý theo kết quả điều tra, không bỏ lọt hành vi vi phạm.

Cũng tại văn bản này, Tổng cục Hải quan khẳng định xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định với trường hợp phát hiện công chức, lãnh đạo đơn vị thực hiện không đúng.

Trước đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng quá cảnh tuyến Việt Nam-Campuchia vừa cho văn bản phúc đáp thư mời số 76/GM-HQTPHCM ngày 2/12/2022 của Hải quan TP. HCM về việc tổ chức đối thoại giữa các doanh nghiệp cùng Tổng cục Hải quan.

Theo đó, tại văn bản phúc đáp này, các doanh nghiệp cho biết, họ nhận được bản chụp thư mời từ cơ quan hải quan thông qua nhân viên hiện trường vào ngày cuối tuần, sau giờ làm việc nên không thể thu xếp để kịp tham dự đối thoại.

Về thời gian tham dự đối thoại phù hợp, theo ý kiến của doanh nghiệp này là sau khi nhận được kết quả xác minh các vấn đề mà doanh nghiệp phản ánh về tình trạng các cán bộ Hải quan Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 gây khó khăn, phiền hà khi làm thủ tục.

Với mong muốn giải quyết nút thắt, giữ vững sản lượng hàng quá cảnh Camuchia trước khi quá muộn, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý tham vấn mời các cơ quan liên quan, Uỷ ban sông Mê Kong, Cơ quan thương trực hiệp định đường thuỷ giữ Việt Nam và Campuchia, các Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, báo chí để buổi làm việc được thông suốt, hiệu quả tham dự đối thoại.

Được biết, vào ngày 5/12, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 (Cục Hải quan TP. HCM) đã tổ chức đối thoại với 4 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng quá cảnh sau khi các doanh nghiệp này có đơn phản ánh cán bộ hải quan đã làm khó.

Các doanh nghiệp này gồm có Công ty TNHH MTV Vận tải biển Gemadept, Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu, Công ty Cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng, Công ty Cổ phần Tân Cảng Cypress. Đây là 4 doanh nghiệp chuyên vận tải hàng hóa container đường thủy qua biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, từ các cảng khu vực TP. HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi Phnom Penh và ngược lại.

4 doanh nghiệp này đã có công văn khiếu nại gửi lên các cấp lãnh đạo về việc một số cán bộ hải quan ở Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp làm thủ tục.

Nội dung khiếu nại gồm: Việc kiểm tra 1 container trong một tờ khai nhưng lại giữ lại toàn bộ các container trong tờ khai đó, dẫn đến 30-50 container cùng vận đơn và tờ khai bị giữ lại đến khi hoàn thành kiểm hóa.

Thời gian từ lúc container bị tạm dừng thông quan đến lúc hoàn thành kiểm hóa kéo dài trung bình từ 15 đến 45 ngày.

Việc ra quyết định giữ hàng kiểm hóa phải sau 3 ngày đến 10 ngày mới gửi cho người khai hải quan...

Theo Minh Nguyệt/VietnamFinance