Sinh nhật 10 tuổi Winmart

‘Vua Giày’ Nguyễn Đức Thuấn: ‘Thế giới làm được, ắt ta sẽ làm được…’

22/03/2018 15:14

Với những ai từng chứng kiến phong cách quản lý và lãnh đạo của CEO Nguyễn Đức Thuấn, thật khó tin rằng, ông chủ của 36.000 công nhân sản xuất ra 25 triệu đôi giày/ năm này từng là người lính. Cách ông điều hành Thái Bình Shoes hoàn toàn ngược với những định kiến mà người ta gán cho những doanh nhân xuất phát từ quân nhân như: Luôn tôn thờ tôn chỉ “chậm mà chắc“, khó tiếp thu cái mới…

Từ danh sách các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp đối thoại trong các phiên thảo luận tại APEC CEO Summit 2017, chúng tôi thấy một điểm hết sức thú vị: 3/4 CEO là nữ giới, chỉ duy nhất ông Nguyễn Đức Thuấn là nam, hơn nữa tên tuổi của ông cũng không phổ biến bằng 3 nữ đồng nghiệp.

Tuy nhiên, với những người am hiểu ngành giày da túi xách, thì việc ông xuất hiện trong danh sách nào hoàn toàn xứng đáng.

Trong bài tham luận về đề tài Tương lai việc làm tại APEC của mình, ông thừa nhận: “Ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm thời trang là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất của tự động hóa“. Tuy nhiên, với bản lĩnh và tài năng quản lý đã được kiểm chứng, tin rằng, ông chủ của hơn 32.000 người lao động này sẽ giúp Thái Bình Shoes nói riêng và các doanh nghiệp Việt trong ngành khác, vượt qua được thử thách này.

Người thích “khiêu vũ trên mũi dao”

Năm 1992, sau khi ông thấy ông Nguyễn Đức Thuấn cùng bạn bè của mình hùn hạp làm ăn ở nhiều lĩnh vực vẫn không thành công, ông Nguyễn Kao Tường – Giám đốc Hiệp Hưng, một trong những nhà máy sản xuất giày lớn nhất Việt Nam thời điểm đó, khuyên ông Thuấn nên nhảy vào ngành giày, rồi mình sẽ giới thiệu khách hàng cho. Theo lời khuyên của bạn, ông Thuấn cùng với ông Cao Thanh Bích cùng Nguyễn Thanh Sơn đã góp 2 tỷ, xây dựng nhà máy sản xuất giày, đặt tên là Thái Bình Shoes (TBS).

Ông Tường đã giới thiệu đối tác Orion từ Đài Loan, chuyên giày nữ cho TBS. Năm 1993, TBS thành công ký hợp đồng đầu tiên, gia công giày nữ cho Orion, với số lượng 6 triệu đôi. Tuy nhiên, sau 3 năm, họ đã chia tay khi thấy sự hơp tác này không mang lại nhiều lợi nhuận như mong đợi.

Trong lúc hợp tác với Orion, TBS cũng không ngừng tìm kiếm các đối tác khác. Năm 1994, hãng giày thể thao lớn nhất nhì thế giới Reebok vào Việt Nam để tìm kiếm đối tác gia công sản phẩm. Người đầu tiên họ tìm đến chính là Hưng Thịnh, doanh nghiệp có quy mô lớn nhất của Tổng công ty Da giày Việt Nam. Cũng như lần trước, ông Kao Tường giới thiệu Reebok với TBS.

Tuy nhiên, để có được hợp đồng với Reebok, TBS buộc phải xây dựng thêm nhà máy chuyên về sản xuất giày thể thao. Nhận thấy, “liều mới ăn nhiều“, năm 1995, ông Thuấn đã vay 500.000 USD để xây dựng nhà máy thứ 2 cũng như mua thiết bị máy móc. Năm 1996, khi Orion quyết định thôi hợp tác với Thái Bình Shoes, họ cũng không cảm thấy hụt hẫng khi đã có Reebok thay thế.

TBS đã đóng góp rất nhiều vào những mẫu giày Reebok năm 1996.

Làm mọi cách để được hợp tác với Reebok là một trong những quyết định đúng đắn nhất trong sự nghiệp của ông Thuấn. Họ không những chẳng lâm vào thế bí khi Orion đột ngột rút lui, mà sau này, kể cả khi ngừng làm ăn với Reebok, danh tiếng của hãng giày thể thao này đã giúp ích cho họ rất nhiều.

Dường như, cái dớp 3 năm luôn đeo bám TBS, họ đã chia tay Orion sau 3 năm và với Reebok cũng thế. Năm 1997, ông Thuấn cảm thấy như sét đánh ngang tai khi hay tin Reebok sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam để tập trung cho các nhà máy gia công ở Trung Quốc. Họ vừa vay 700.000 USD và chỉ mới phục vụ Reebok được gần 3 năm!

Đây là khoảng thời gian vô cùng khó khăn với CEO Nguyễn Đức Thuấn, vì TBS gần như phá sản. Lúc họ gần như không cầm cự được nữa, thì “vị cứu tinh” Decathlon xuất hiện.

Năm 1998, sở dĩ Decathlon chọn TBS thay vì các công ty sản xuất giày khác, bởi sản phẩm của họ vừa tốt (nhà máy đầu tư để sản xuất cho Reebok!) lại rẻ hơn các công ty khác. Mối lương duyên của cả hai kéo dài trong 15 năm, TBS trở thành đối tác chính của Decathlon và ngược lại. Có lúc, thương vụ này còn chiếm 1/2 doanh số của TBS.

Ông Nguyễn Đức Thuấn giới thiệu 1 sản phẩm giày với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng

Những tưởng, sau khi thoát chết “vụ Reebok“, ông Thuấn sẽ không dám tiếp tục đi theo chiến lược: Xây mới hoặc nâng cấp cơ sở vật chất để lấy được hợp đồng với đối tác mới đầy rủi ro; song ông hành động hoàn toàn ngược lạị.

Năm 2008, để trở thành đối tác chiến lược của DC, TBS đổ tiền đầu tư công nghệ mới no-sew. Năm 2011, nhằm trở thành công ty gia công túi xách cho nhãn hàng danh tiếng Coach, TBS đã bỏ ra 25 triệu USD để mở 2 nhà máy và mua thiết bị công nghệ. Nên nhớ, vào lúc đó, kinh nghiệm làm túi xách của TBS bằng 0. Với vị thế là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu giày da số 1, TBS không cần phải mạo hiểm như thế!

Hiện tại, ngoài Coach, TBS Group đang gia công sản phẩm cho Decathlon, Vera Bradley, Tory Burch, Titleist… Hiện TBS có 2 nhà máy sản xuất đế giày các loại , 33 dây chuyền sản xuất với năng lực sản xuất hiện tại 25 triệu đôi giày/năm.

Mảng túi xách ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong Group. Bên cạnh gia công giày và túi xách, TBS Group mở rộng ra các mảng khác như bất động sản, du lịch, logistic, thương mại và dịch vụ… Năm 2016, doanh thu của TBS tầm 7.000 tỷ đồng.

Chiến lược tiến về nông thôn

Một trong những quyết định thể hiện tầm nhìn chiến lược tuyệt vời của ông CEO Nguyễn Đức Thuấn chính là rất coi trọng bộ phận Research & Development (R&D). Năm 1994, sau khi đến Indonesia tham quan học tập một nhà máy gia công của Reebook tại đây, ông liền nhận ra tầm quan trọng của bộ phận R&D. Khác với giày tây, khoa học kỹ thuật đóng vai trò vô cùng quạn trọng trong ngành sản xuất giày thể thao. Cùng 1 kiểu dáng, nhưng công nghệ vật liệu mà bạn dùng để sản xuất hiện đại hơn, bạn sẽ thắng.

Các nhân viên của TBS thường nói vui với nhau, mỗi lần ông chủ của họ đi công tác nước ngoài về, thể nào bộ phận R&D cũng có biến động. Ví dụ, như năm 2005, sau chuyến đi Trung Quốc tham quan nhà máy gia công cho Skecher, ông về mở rộng thêm bộ phận R&D vốn đã đông đúc của TBS.

Theo ông Thuấn, lĩnh vực mũi nhọn này sẽ được TBS đầu tư để ngày càng làm chủ chuỗi giá trị gia tăng, với chuỗi cung ứng khép kín, làm chủ công nghệ học hệ thống. Hiện TBS có 3 trung tâm R&D đạt chuẩn quốc tế và lực lượng hơn 700 nhân sự chuyên môn cao, dày dạn kinh nghiệm, phát triển hơn 75.000 đôi giày mẫu và 10.000 túi xách mẫu/năm; góp phần tạo nên giá trị gia tăng trên từng sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho tập đoàn.

Nhờ đội ngũ R&D mạnh mẽ, TBS không còn đơn thuần là công ty chuyên sản xuất theo yêu cầu từ các “đại gia” giày trên khắp thế giới; mà họ còn tự sản xuất mẫu mới để đi chào hàng với các đối tác lớn. Họ là doanh nghiệp bản địa duy nhất có mặt trong Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu giày lớn nhất Việt Nam, nhờ tập trung chuyên biệt vào các dòng sản phẩm như giày thể thao, giày đi mưa, lao động, casual…

Họ thậm chí còn có dịch vụ tư vấn: Đưa ra các giải pháp về nghiên cứu phát triển sản phẩm, thị trường, phát triển ý tưởng thiết kế sáng tạo phù hợp với yêu cầu của từng khách hàng.

“Chúng tôi xem nguồn nhân lực là một niềm tự hào và hãnh diện của công ty, như một nguồn tài sản quý giá, là vũ khí lợi hại cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và cả ngành công nghiệp Việt Nam nói chung. Chúng tôi mong muốn khuyến khích và hỗ trợ đào tạo để khẳng định trí tuệ Việt trên trường quốc tế” Ông Thuấn khẳng định.

‘Thế giới làm được, ắt ta sẽ làm được…” Câu nói này của ông Thuấn đã trở thành một lời thề, một câu hiệu triệu để mỗi cán bộ, nhân viên TBS phải hiểu giá trị của sự bền vững, cùng hướng tới một tầm nhìn mới trên con đường mà TBS đang chinh phục thế giới.

Theo tầm nhìn của ông Thuấn, tới năm 2020, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp thời trang, TBS Group định hướng trở thành top 10 của chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp Da giày và túi xách; Tăng nguồn nhân lực lao động lên 45 ngàn người; Đầu tư phát triển năng lực đội ngũ nhân sự, nâng tầm quản lý và tầm nhìn chiến lược. Di chuyển sản xuất về khu vực có khả năng thu hút lao động bền vững…

Dự kiến từ đây đến năm 2020, TBS sẽ mở rộng tổ hợp sản xuất ở khu vực miền Tây Nam Bộ, bao gồm  Kiên Giang và An Giang, tạo công ăn việc làm cho gần 20.000 lao động trong khu vực.

Kế hoạch này nằm trong định hướng chiến lược của TBS Group, là chủ động dịch chuyển nhà máy về vùng nông thôn để thu hút nguồn lực nhân công tại đây.

Hướng đi này sẽ giúp TBS có thêm nguồn lao động ổn định; đồng thời ứng phó với tình trạng tăng chi phí nhân công và thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp thuộc địa bàn TP.HCM- Bình Dương- Đồng Nai và các khu vực lân cận.

Nhà đầu tư đại tài

Ngoài Thái Bình Group, ông Thuấn còn là CEO của CTCP Đầu tư và Xúc tiến Thương mại Việt Nam – Lefaso và Thành viên HĐQT CTCP Thuốc sát trùng Việt Nam. Chưa hết, ông còn đầu tư vào rất nhiều công ty khác nhau bằng cách góp vốn hoặc mua cổ phần. Ông Thuấn là cổ đồng lớn của giày Thượng Đình, CTCP Sản xuất thương mại hữu nghị Đà Nẵng (Hunex), Núi Đá Nhỏ (NNC) và Bến xe Miền Tây (WCS).

Và quan trọng hơn nữa, hầu hết doanh nghiệp mà chúng ta vừa kể trên đều ăn nên làm ra, nên lượng cổ phần/cổ phiếu mà ông Thuấn có trong chúng trị giá rất lớn.

Tiếc nuối khi không có một thương hiệu mạnh

Tuy nhiên, sự nghiệp của ông Thuấn không phải toàn màu hồng. Ít nhất, cho tới thời điểm này, ông không thể hoàn thành việc sau: Phát triển thương hiệu giày của riêng bản thân.

BTS đang phân phối giày và túi xách của nhãn hàng cao cấp Cole Haan tại Việt Nam.

Trong quá khứ, khi được hỏi vì sao không làm điều đó, ông Thuấn trả lời bởi ông không thể vừa cáng đáng thị trường quốc tế lẫn Việt Nam. Tuy nhiên, theo bài báo của Forbes năm 2013 thì: Năm 1997-1998, do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á ảnh hưởng đến xuất khẩu, ông Thuấn xuất hiện trên báo chí và kêu gọi doanh nghiệp giày nêu chú trọng thị trường nội địa. Thông tin trong ngành cho biết, năm 2001-2002, ông Thuấn từng tuyển một nhóm khoảng 10 người từ Biti’s về làm để bán trong thị trường nội địa nhưng không thành công. Nhóm này sau đó nghỉ khỏi TBS.

Hiện tại, TBS có bán giày và túi xách, song với cương vị là nhà phân phối. Hiện TBS đang phân phối 2 sản phẩm ECCO – tầm trung và Cole Haan – cao cấp.

Khánh Triều/NQL