Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), cho rằng quyết định tạm dừng hoạt động bốn nhà máy đường là một bước lùi để tiến.
Vùng nguyên liệu mạnh mún, không thể áp dụng kỹ thuật khoa học tiên tiến trên cánh đồng mẫu lớn, nguồn nhân lực không ổn định, giá điện tăng cùng nhiều tác động khác do đường nhập lậu, đường bẩn… đã khiến cho nhiều nhà máy đường Việt Nam phải đóng cửa.
Mới đây, TTC Sugar, “vua” của ngành mía đường Việt Nam cũng đã phải đi đến quyết định đóng cửa bốn nhà máy đường là Nước Trong, Biên Hoà - Phan Rang, Biên Hoà - Tây Ninh và Biên Hoà - Trị An.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công: “Đây chỉ là một bước lùi để chúng tôi phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, có thể cạnh tranh theo quy luật kinh tế thị trường cũng như xu thế hội nhập ATIGA. Dừng là để tiến, không thể sản xuất manh mún mãi thế này.”
Ông có thể cho biết rõ hơn lý do TTC quyết định đóng cửa bốn nhà máy đường cùng một lúc?
Ông Đặng Văn Thành: Kinh tế thị trường không nhún nhường một ai và luôn đào thải. Doanh nghiệp mía đường phải tự đối mặt thử thách chứ không thể trông chờ vào chính sách bảo hộ của chính phủ.
Tình hình ngành mía đường Việt Nam và TTC diễn biến như tôi đã từng dự báo trong các hội thảo chuyên về ngành mía đường trong những năm gần đây. Chúng tôi đã nhìn thấy trước vấn đề và đã có bước chuẩn bị chiến lược. Tất cả nhà máy đường dưới 5 ngàn tấn mía cây/ngày mà không có vùng nguyên liệu thì khó tồn tại vào mùa 2019-2022, đó là quy luật đào thải tự nhiên theo kinh tế thị trường.
Ngành mía đường Việt Nam đang “giữa muôn trùng vây”. Trong lúc đường nhập lậu, đường lỏng Trung Quốc thuế 0% đổ bộ đang tiếp tay phá nát ngành đường. Với khí hậu thổ nhưỡng rất tốt của Việt Nam, cây mía nếu cạnh tranh với các nhóm cây khác như sầu riêng, mãng cầu, vú sữa… sẽ đứng không nổi, vì lợi ích thấp hơn.
Vấn đề mấu chốt nữa là diện tích cánh đồng nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay cũng không thể áp dụng cơ giới. Ở một số nước như Brazil, Thái Lan… tỷ lệ áp dụng cơ giới hoá trong canh tác mía đã đạt 80-90%. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở Việt Nam còn khá thấp, chủ yếu ở khâu làm đất. Do đó năng suất mía bình quân và giá thành sản xuất không thể ngang bằng so với các nước khác. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng, lao động phổ thông thu hẹp dần, rất khó khăn về nguồn nhân lực vào thời vụ đốn mía.
Trong tình hình nước sôi lửa bỏng đó, ngành điện lại bất ngờ tăng giá khiến cho các nhà máy sản xuất vô cùng gian nan.
TTC đã có kế hoạch tạm dừng bốn nhà máy, đó là nhà máy đường Nước Trong với diện tích 3.100 ha và sản lượng đường (ước tính niên độ 2018-2019) 10.339 tấn; nhà máy Đường Biên Hòa - Phan Rang 3.800 ha và 10.316 tấn; nhà máy đường Biên Hòa - Tây Ninh 6.000 ha và 21.985 tấn và nhà máy đường Biên Hòa - Trị An 2.600 ha và 16.553 tấn.
Riêng nhà máy đường Suối Nước Trong có thể tạm dừng để chuyên sản xuất đường organic. Công suất nhà máy đường Biên Hoà - Tây Ninh hiện còn khoảng 4 ngàn tấn mía cây/ngày.
Tuy nhiên, đây không phải là quyết định mang tính tình huống, mà là sự chuyển dịch sâu về chiến lược đã được chuẩn bị kỹ từ ba năm nay. Đây là bước tái cơ cấu lại của TTC Sugar để tập trung hơn về sản xuất, chế biến. TTC Sugar đã chính thức nhận chuyển giao từ nhà đầu tư Ấn Độ tại Campuchia với công suất 6 ngàn tấn mía cây/ngày, đặc biệt có 17 ngàn hecta vùng nguyên liệu. Đây thực sự là chiến lược then chốt trong điều kiện cạnh tranh nước sôi lửa bỏng này, để bảo đảm thị trường tiêu thụ cho 90 triệu dân mà TTC chiếm thị phần 50%.
Chiến lược chuyển dịch vùng nguyên liệu sang Lào, Campuchia có phải là bàn đạp để TTT Sugar chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á không thưa ông?
Ông Đặng Văn Thành: Chi phí sản xuất rất quyết định cho vấn đề cạnh tranh, vùng nguyên liệu manh mún thì không tập trung, không thể cơ giới được. TTC đã nhận thức rất rõ về điều này, và chuẩn bị rất kỹ cho chuyển dịch vùng nguyên liệu.
Chuẩn bị cho hội nhập, thông thương, thông qua việc tiếp quản nhà máy HAGL Sugar Lào và nhà máy sản xuất phức hợp Đường - Cồn - Điện có công suất ép 6.000 tấn mía/ngày, với tổng diện tích vùng nguyên liệu mía lên đến 17.000ha tại tỉnh Kamadhenu Ventures, Campuchia, TTC đã chính thức đạt quy mô hoạt động trên toàn khu vực Đông Dương.
Lý do chúng tôi chọn để mở rộng sang Lào và Campuchia vì những vùng đất này con hoang sơ, chưa bị ô nhiễm bởi quá trình canh tác hoá học, diện tích canh tác lớn và liền thửa, có thể áp dụng cơ giới hoá trên cánh đồng mẫu lớn để triển khai sản xuất mía organic theo tiêu chuẩn châu Âu.
Bên cạnh nông trường tại Lào với tổng diện tích 2.300ha, tổng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất mía tập trung tại Campuchia lên đến 16.000ha trong bán kính không quá 30 km, sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu của TTC lên hơn 70.000ha tại ba nước Đông Dương.
Đặc biệt, với hệ thống dây chuyền nhà máy hiện đại ở Campuchia khi vận hành sẽ sản xuất đường thô, đường tinh luyện, cồn, điện thương phẩm cùng nhiều phụ phẩm có giá trị khác, tạo thành một chuỗi sản xuất khép kín khai thác tối đa giá trị từ cây mía.
Đây là bước chuẩn bị quan trọng để TTC có thể xuất khẩu trực tiếp đường sang các nước Đông Nam Á, nếu thị trường Việt Nam thiếu hụt, chúng tôi sẽ đưa về. Chiến lược của chúng tôi là 50% xuất khẩu, 50% phục vụ thị trường nội địa.
Với thị phần chiếm tới 50%, sự chuyển dịch này sẽ ảnh hưởng thế nào đến toàn ngành và thị trường tiêu dùng Việt Nam thưa ông? Ông có lo ngại TTC sẽ mất thị phần trong nước khi mở rộng kinh doanh ở nước ngoài?
Ông Đặng Văn Thành: Chắc chắn ngành mía đường Việt Nam sẽ thiếu hụt trong cuối năm, nguyên nhân từ chu kỳ ảm đạm của ngành mía đường trong ba năm qua, đặc biệt sản lượng giảm trên dưới 37%. Khan hiếm cục bộ có thể xảy ra. Chúng tôi sẽ kiến nghị Nhà nước nhập đường thô để giải quyết lao động cho các nhà máy còn lại trong giai đoạn chuyển tiếp.
Trong ngành đường, TTC có lợi thế ở trên sân nhà với thị trường 90 triệu dân. TTC tự tin là nhà bán lẻ số 1 về đường, vì có thị phần lâu nay rồi, có lợi thế phân phối nhiều năm nay. Gần đây, chúng tôi đã chuyển hướng nghiên cứu, đa dạng hoá sản phẩm, đưa ra những sản phẩm phù hợp xu thế thị trường như đưa đường organic, đường phổi, đương phèn, đường sạch… xuống tận tay người tiêu dùng. Ba năm nay, các sản phẩm mới này rất thành công. Đây là những thế mạnh then chốt TTC tiếp tục giữ vững được trong hội nhập ngành mía đường, để sản lượng bình quân 17 kg/đầu người/năm là không thay đổi.
Để nâng cao giá trị gia tăng từ cây mía, chúng tôi đã tận dụng bã mía rất hiệu quả cho sản xuất điện, nguyên liệu cho ngành giấy, và sắp tới đang nghiên cứu làm ống hút, hộp cơm từ bã mía. Nhà máy ở Tây Ninh mỗi năm bán điện cho doanh thu cả trăm tỷ đồng, tạo giá trị gia tăng cho cây mía rất lớn.
Nhà máy đường Biên Hoà - Trị An.
TTC đã chuẩn bị cho lộ trình tạm dừng các nhà máy này như thế nào? Công nhân làm việc tại các nhà máy số phận sẽ ra sao?
Ông Đặng Văn Thành: Chúng tôi sẽ gom lại thành một nhà máy ở Campuchia. Hướng xử lý về nhân sự, một số sẽ chuyển sang Campuchia, một số sẽ giải quyết theo luật lao động. Hiện nhân lực của ba nhà máy khoảng trên 400 người, 200 người sẽ được giải quyết nghỉ việc theo luật lao động.
Vì sao chỉ có nhà máy đường Nước Trong là được chuyển dịch sang organic thưa ông?
Ông Đặng Văn Thành: Vô lĩnh vực này, tôi đã chính mắt nhìn thấy có nhà máy dùng hoá chất tẩy đường, nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Đường TTC an toàn tuyệt đối, công nghệ Pháp không dùng hoá chất. Chuyển dịch organic không đơn giản, đòi hỏi giám sát cơ quan chức năng tầm cỡ quốc tế với tiêu chí bắt buộc. Chọn Nước Trong nhờ 10 năm nay chúng tôi không dùng phân hoá học, không dùng thuốc trừ sâu.
Về canh tác organic, TTC đã mời TS. Trần Tấn Việt về nghiên cứu thành công con ong mắt đỏ chuyên diệt sâu mía. Sâu mía rất kỵ con ong mắt đỏ. Thứ hai là bẫy sâu bằng đèn, tối mở đèn trên cái phễu, thiêu thân sẽ bay vào, rớt xuống phễu, sáng dậy nhân viên chỉ cần hốt sâu mang cho cá ăn.
Hiện TTC đã sản xuất đường organic tại Lào. Trong định hướng, Campuchia sẽ chuyên sản xuất organic và các sản phẩm sau đường như nước mía, ethanol, bã mía dùng phát điện, nguyên liệu giấy, thay thế ống hút nhựa, cơm hộp nhựa bằng bã mía, thân thiện với môi trường.
Nếu Nhà nước có giá khuyến khích về điện, chúng tôi sẽ chuyển qua organic.
Ông có tự tin chiến lược này sẽ giúp TTC giải được bài toán về giá thành so với các nước trong khu vực? Theo ông, bao giờ thì TTC ở Campuchia sẽ cho vụ mùa đầu tiên?
Ông Đặng Văn Thành: Thái Lan làm được, mình làm được. Nếu điều kiện khách quan khiến cho người làm mía dường Việt Nam phải chịu chi phí sản xuất cao hơn, thì tại sao mình không tìm môi trường khác để chuyển dịch nguồn nguyên liệu? Với diện tích 20ha, “ngoại hình” mình sẽ đẹp hơn, lao động mình lại cần cù, mình đâu thua gì họ.
Hiện nông trường ở Campuchia đang tiếp nhận và trồng mía, trước hết trồng 500ha giống, sau đó nhân lên, ít nhất ba năm mới đủ lượng giống cho 3 ngàn hecta. Chúng tôi đang đổ lực lượng để trồng bên đó, bắt đầu cày, thiết kế lại đồng ruộng cho 300 - 500ha làm giống, sau ba năm mới đủ mía giống. Về nhân sự cũng có khó khăn, phụ thuộc vào luật đầu tư của nước sở tại, trước mắt là đưa cán bộ của mình sang, sau đó đào tạo người địa phương.
Tâm trạng của riêng ông như thế nào, khi là đơn vị tư nhân đầu tiên tham gia cơ cấu lại ngành đường trong nước, mua lại nhiều nhà máy của Nhà nước, giờ lại tiên phong đầu tư sang nước khác?
Ông Đặng Văn Thành: Đường là nhu yếu phẩm, phải theo quy luật đào thải thôi, chứ nhà nước bảo hộ hoài đâu có được. Nếu Việt Nam cứ giữ bảo hộ hoài, ngành đường sẽ ảnh hưởng. Khi Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu đường trong các nước ASEAN sẽ giảm về 0%, nguy cơ không chỉ 25 nhà máy sẽ đóng cửa đâu, mà còn nhiều hơn nữa.
Chúng tôi đã “gồng” hết sức mình. Tất cả doanh nghiệp mía đường gần như mệt mỏi, kể cả mình, đương nhiên mình rất giữ uy tín với nông dân. Trong khi nhiều nhà máy trả công bằng đường, nhiều cánh đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long mía cháy vàng hết vì người dân đốt mía để trồng cây khác thì mình vẫn trả tiền đầy đủ cho dân, gồng mình chịu đựng để vượt qua, đặc biệt giữ uy tín.
Về chiến lược, với trách nhiệm người kinh doanh mía đường, trong năm năm gần đây, TTC đã nhìn thấy bức tranh tương lai của ngành mía đường. Với tình trạnh nhà máy phân tán, công nghệ thấp, công suất nhỏ, đầu tư không khép kín, không thể nào cạnh tranh về giá. Thứ hai là nguồn nguyên liệu, gần 80% giá thành phụ thuộc vào nguyên liệu, cơ giới, khoa học kỹ thuật nói chung … trong khi hạn điền vẫn còn là rào cản quá lớn chưa thể giải quyết.
Không còn cách nào khác Nhà nước phải có sự chuyển dịch của toàn ngành. Chia sẻ, tiếp thu kinh nghiệm với các quốc gia tiên tiến, TTC đã thành lập Viện nghiên cứu giống mía, mời GS Võ Tòng Xuân về, đưa ra quy trình canh tác khoa học. Phải chuẩn bị trước, đối diện sự thật khách quan, thổ nhưỡng, khí hậu VN, buộc chúng tôi có kế hoạch phù hợp.
90 triệu dân mình chắc chắn phải ăn đường. Trong điều kiện khách quan này, làm sao đáp ứng các nhà đầu tư, khách hàng của mình? Tôi rất đồng cảm và chia sẻ với các doanh nghiệp mía đường Việt Nam. Bất cứ lĩnh vực nào cũng phải chọn giải pháp để tồn tại, đáp ứng thị trường Việt Nam bằng điều kiện chuẩn bị 50% vùng nguyên liệu ở nước ngoài là cách đi của TTC.
Thực sự có đôi lúc chạnh lòng, thôi thì điều kiện như vậy, cơ giới không được do hạn điền, mà vấn đề này thì không thể thay đổi một sớm một chiều được.
Được biết trong ngày hôm nay, ông có buổi làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Tây Ninh, khẳng định vẫn coi Tây Ninh là thủ phủ của ngành đường Việt Nam?
Ông Đặng Văn Thành: Chúng tôi sẽ làm việc kỹ với UBND tỉnh Tây Ninh. Nếu không quyết liệt cấu trúc lại, ngành mía đường sẽ rất khó khăn. Việt Nam là quốc gia sản xuất đường thấp nhất trong vùng, nếu những doanh nghiệp mía đường không thoát ra được, thị trường sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài trong thời gian tới.
Đây là sự thật mà chúng ta cưỡng lại cũng không nổi, trong khi mình không bảo hộ được. Mộc Hoá độc canh cây mía cũng chuyển sang trồng dứa rồi, vì bản thân nhà máy không đủ quy trình khép kín.
Gần đây, Chính phủ đã nhìn thấy đóng góp của lực lượng kinh tế tư nhân. TTC hoạt động ở Đông Dương bằng nguồn vốn tự có, tích luỹ của TTC. Trong chiến lược cấu trúc ngành mía đường, TTC chọn Tây Ninh là thủ phủ, căn cứ cho ngành mía đường, khẳng định sẽ tồn tại và giữ vững được.
Chúng tôi muốn người tiêu dùng Việt Nam hiểu tạm dừng ba nhà máy không phải là thụt lùi, mà để phục vụ chiến lược lâu dài của ngành mía đường nhằm củng cố, phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, chứ không thể chắp vá mãi được. Phải mạnh dạn đối diện với thực tại và thay đổi quyết liệt.
Dừng là để tiến, không thể sản xuất manh mún mãi thế này. Năng lực cạnh tranh là dồn sức, không phải phân tán. Dồn vùng nguyên liệu lại, hồi xưa ba nhà máy giờ phải dồn một nhà máy.
Bước vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt với cây mía, TTC đã nghiên cứu với sự cầu tiến, hết lòng, dùng thiên địch xử lý sâu bọ, cày sâu 8 tấc, khẳng định chuyện tưới, phương pháp bón phân không bị trôi dạt, rơi vãi, cho cây hấp thụ hết… làm sao giảm chi phí tối đa trên cánh đồng lớn, chắc chắn sẽ giảm giá thành.
Ngành mía đường với mục tiêu một triệu tấn đường vai trò lịch sử đã thành công, giờ chiến lược ngành đòi hỏi vùng nguyên liệu lớn hơn, TTC phải là người tiên phong.
Theo the leader