Sau hai năm hủy niêm yết tự nguyện, Minh Phú lên kế hoạch trở lại sàn chứng khoán với bước đệm ở sàn Upcom. Trong tham vọng nâng cao vị thế xuất khẩu tôm Việt Nam trên bản đồ thủy sản thế giới, bước đi đầu tiên của “vua tôm” Lê Văn Quang: áp dụng công nghệ nuôi tôm mới.
Một buổi sáng đẹp trời trung tuần tháng 12, một số khách mời chọn lọc tham dự một sự kiện ấm cúng tại khách sạn năm sao Sheraton TP.HCM. So với hàng trăm hội nghị, hội thảo lớn tổ chức tại khách sạn này mỗi năm, sự kiện hôm ấy quy mô khiêm tốn với khoảng 100 khách mời nhưng họ đến từ những công ty hàng đầu Việt Nam: Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, nhà sản xuất ống nhựa có bề dày thương hiệu 60 năm, doanh nghiệp nhựa xây dựng có thị phần lớn nhất phía Bắc; công ty TNHH Ống thép Hòa Phát, thành viên của tập đoàn Hòa Phát, nhà sản xuất ống thép số một Việt Nam. Trung tâm của sự kiện là tập đoàn Thủy sản Minh Phú, quán quân xuất khẩu tôm Việt Nam trong suốt hai thập kỷ qua.
Điều gì khiến ba công ty hàng đầu, một ống nhựa, một sản xuất ống thép và một chế biến thủy sản xuất khẩu ngày hôm ấy xích lại gần nhau? Một dự án bất động sản phát triển chung? Một cơ hội mới xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài? Hay các công ty hàng đầu tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm xây dựng thương hiệu? Các phỏng đoán trên đều không chính xác.
“Trong nhiều năm qua chúng tôi đã cố gắng nghiên cứu tìm ra giải pháp để nâng cao hiệu quả cho người nuôi tôm. Chính từ trăn trở này chúng tôi đã nghiên cứu và tìm ra công nghệ nuôi tôm mới,” ông Lê Văn Quang, chủ tịch Minh Phú công bố trước các đối tác. Thay vì nuôi trong ao theo lối truyền thống, theo cách mới tôm nuôi trong ao nổi, thiết kế khung thép ống chịu lực, đáy lót bạt, hệ thống dẫn và thoát nước bằng ống nhựa sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn.
Lễ ký hợp tác của Minh Phú với hai nhà cung cấp vật liệu là bước đánh dấu công ty xuất khẩu tôm số một Việt Nam nhân rộng mô hình mới. Sự kiện nhỏ này có thể mở ra một chương mới, sức bật đột phá mới cho ngành nuôi tôm xuất khẩu trị giá bốn tỉ đô la Mỹ của Việt Nam. Từng làm việc ở một công ty nhà nước, giữa thập niên 1980 kỹ sư thủy sản Lê Văn Quang lập công ty tư nhân thu gom thủy sản xuất khẩu, từ công ty thương mại tiến lên đầu tư nhà máy chế biến.
Theo chủ tịch Minh Phú, năm 2018 công ty nắm giữ gần 5% thị phần tôm thế giới, xét theo sản lượng, trở thành “công ty chế biến tôm lớn nhất thế giới.” Năm qua, trong 100 con tôm Minh Phú xuất ra nước ngoài, 40 con tiêu thụ ở Mỹ, nơi công ty được hưởng thuế suất chống phá giá, 20 con ở Nhật, thị trường Minh Phú gắn bó với đối tác chiến lược Mitsu, 10 con ở EU, 9 con ở Canada, 8 con ở Hàn Quốc. Ngoài một số ít xuất khẩu sang Úc, New Zealand, Trung Quốc, tiêu thụ nội địa của Minh Phú dưới 1% do “tăng trưởng xuất khẩu quá nhanh.”
Đúng năm năm trước, vào tháng 12.2013 “vua tôm” trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam khi công ty đang làm thủ tục rời sàn chứng khoán. Khi ấy, ông bày tỏ: “Tôi thấy rất nhiều cơ hội trong ngành tôm nếu tự làm sẽ rất chậm, muốn nhanh hơn nữa phải có đối tác nước ngoài. Quản lý gia đình chặt chẽ nhưng mất đi nhiều cái khác.” Thời điểm đó chưa có quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu vượt giới hạn 49% cổ phần của công ty niêm yết. Minh Phú muốn hủy công ty đại chúng, rời sàn chứng khoán, tái cơ cấu, củng cố nguồn lực tài chính bằng cách bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vượt giới hạn 49%.
Năm 2014, khi Minh Phú thực hiện các thủ tục rời sàn, công ty tư nhân thành lập năm 1992 xác lập các kỷ lục trong hoạt động: doanh thu xuất khẩu đạt 680 triệu đô la Mỹ, lợi nhuận trước thuế lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên 2018 mới là năm Minh Phú phá các kỷ lục trong 26 năm hoạt động. Doanh thu xuất khẩu ước đạt 750 triệu đô la Mỹ, cao nhất từ trước tới nay. Sản lượng xuất khẩu của Minh Phú đạt hơn 65 ngàn tấn, trong đó một nửa số hàng có giá trị gia tăng – “tôm bán theo con” như lời “vua tôm”. Công ty đạt lợi nhuận trước thuế 1.100 tỉ đồng. Vốn hóa công ty có lúc đạt 300 triệu đô la Mỹ trước khi cổ phiếu MPC thoái lui điều chỉnh theo xu hướng chung của thị trường, hiện còn ở mức 240 triệu đô la Mỹ.
“Đáng ra kết quả của Minh Phú có thể đạt tốt hơn nhưng những tháng cuối năm tình hình xuất khẩu không như mong đợi,” nhấp một ngụm trà xanh ông Quang nói vẻ tiếc nuối, trong buổi trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam vào chiều chủ nhật tại trụ sở công ty. Dù là ngày nghỉ, ông Quang tới công ty bàn bạc với đối tác Úc, đại diện viện nghiên cứu CSIRO bàn chuyển giao công nghệ sinh học.
Nửa cuối năm 2018, cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc trở thành đề tài nóng trên các phương tiện truyền thông Việt Nam. Đã có rất nhiều phân tích viễn cảnh cơ hội màu hồng cho Việt Nam trong cuộc chiến thương mại khẳng định vị thế giữa hai siêu cường. Với các doanh nghiệp hoạt động ở sân chơi quốc tế như Minh Phú vài tháng qua đã chịu ảnh hưởng tiêu cực. Ông Quang kể, nhằm né mức thuế suất tăng từ 10% lên 25% áp dụng từ đầu năm 2019, vài tháng cuối năm hàng hóa từ Trung Quốc, trong đó có tôm đông lạnh xuất khẩu ồ ạt sang thị trường Hoa Kỳ. Hệ lụy, các hãng tàu thiếu container cho mặt hàng đông lạnh, cước vận tải tăng cao, kho bãi tại Hoa Kỳ khai thác hết công suất khi tràn ngập hàng hóa “made in China.” Cuối năm luôn là giai đoạn tốt nhất của xuất khẩu thủy sản nhưng năm nay hàng tồn của công ty tăng cao. “Có lẽ phải hết mùa xuân tình hình mới khả quan hơn,” ông nói.
Những năm qua, giá trị xuất khẩu ngành tôm thế giới dao động từ 16 – 19 tỉ đô la Mỹ, trong đó phân nửa nguồn cung đến từ việc đánh bắt tự nhiên. Các nhà cung ứng sản phẩm tôm nuôi quan trọng nhất trên bản đồ thủy sản thế giới gồm Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Ecuador. Giai đoạn 2010 – 2017, sản lượng tôm của Việt Nam chiếm 9,7 – 15,4% tổng sản lượng tôm thế giới phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và thời tiết, ổn định ở thứ hạng 3 – 5, xét theo sản lượng.
Với diện tích lớn thứ tư thế giới, quy mô dân số hơn 1,3 tỉ người, giai đoạn 2010 – 2016 Trung Quốc xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới trước khi bị Ấn Độ vượt qua vào năm 2017. Cuối năm 2018, khi tôm đông lạnh Trung Quốc ào ạt chiếm thị trường Hoa Kỳ, Minh Phú ở thế lưỡng đầu thọ địch khi hai quốc gia Ấn Độ và Indonesia chấp nhận bán dưới giá thành giảm hàng tồn kho. Kết quả, sản lượng xuất khẩu của công ty tăng 20% nhưng giá trị tăng khoảng 7,5% khi giá bán trung bình giảm khoảng 20% so với cùng kỳ. “Nền tảng kỹ thuật tốt, nhạy bén về thị trường, quyết tâm đổi mới của người đứng đầu giúp Minh Phú tập trung vào giá trị cốt lõi,” bà Nguyễn Thị Hồng Minh, cựu thứ trưởng bộ Thủy sản nhận xét.
Một nửa sản phẩm xuất khẩu của Minh Phú là mặt hàng có giá trị gia tăng. “Nguyên liệu chiếm 60 – 70% giá thành sản xuất của Minh Phú nên đầu vào là yếu tố sống còn,” ông Quang nói. Hiện tại Minh Phú là công ty thủy sản có vùng nuôi lớn nhất cả nước với 900 héc ta nuôi công nghiệp, 50 ngàn héc ta vùng nguyên liệu kết hợp giữa công ty và nông dân. Minh Phú có hai nhà máy chế biến, tổng công suất chế biến 76 ngàn tấn thành phẩm/năm, gấp ba công suất của đối thủ cạnh tranh kế tiếp là Thủy sản Sóc Trăng. Công ty sở hữu trại tôm giống hai tỉ con/năm và có nhà máy thức ăn chăn nuôi liên kết với Grobest, tập đoàn Anh chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, đáp ứng cho mục đích tiêu dùng nội bộ và cung ứng cho các hộ liên kết.
Quy mô chế biến lớn, nguồn nguyên liệu tự cung cấp của công ty chiếm 10% nhu cầu đầu vào. Với kinh nghiệm hơn 30 năm kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản, khi nguồn cung nguyên liệu trong nước thiếu hụt, vị kỹ sư thủy sản tận dụng quy luật Bắc bán cầu và Nam bán cầu không thể cùng dịch bệnh nên nhập khẩu một phần nguyên liệu từ Ecuador, duy trì sản xuất ổn định, mang lại công ăn việc làm, tạo ra giá trị thăng dư dựa trên trình độ tay nghề của 15 ngàn công nhân lao động chế biến đang làm việc. Nhưng cuộc cách mạng về ao nuôi có thể mở ra chương mới cho Minh Phú và xa hơn là cả ngành tôm Việt Nam.
Theo phương thức cũ, ao tôm có kích thước phổ biến 50 x 100 m. Với kích thước lớn, ao đất dễ thu hoạch nhưng khó xử lý triệt để tạp chất, chưa kể nếu bùng phát dịch bệnh như EMS người nuôi có thể trắng tay. Theo mô hình mới, ao nuôi khung thép ống, thiết kế nổi, dễ xử lý tạp chất, dễ thay nước, dễ kiểm soát môi sinh, tỉ lệ tôm sống lên tới 90%. Chi phí đầu tư cho ao nổi thể tích 1.000 m3 khoảng 100 triệu đồng, thấp hơn suất đầu tư ao đất có thể tích tương đương, theo tính toán của ông Quang. Ao nổi che bạt, hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết, trang bị máy sục khí ô xy, máy cho ăn tự động, hệ thống làm sạch… nên mỗi nhân công có thể phụ trách một hồ ươm, hai hồ nuôi.
Sau khi thay nước, vệ sinh hồ chứa, xử lý chất thải một năm ao nổi có thể kinh doanh ba vụ. Với công nghệ mới, bước một tôm giống nuôi trong ao ươm, đường kính 17,2 m, sau khoảng ba tuần tuổi, chuyển sang ao nuôi lớn hơn đường kính 32,6 m, tương đương thể tích 1.000 m3. “Tôm nhỏ, nuôi hồ nhỏ chăm sóc tốt hơn, tăng tỉ lệ thành công. Khi tôm lớn, chuyển sang nuôi ao lớn,” doanh nhân thành danh với nghề thủy sản giải thích. Theo ông Quang, bước đột phá về hiệu quả kinh tế nằm ở khâu thu hoạch khi tôm thịt được thu tỉa ba lần, thay vì một lần như tập quán cũ.
Đợt một, sau 60 – 65 ngày nuôi, với mật độ thả 350 con/m3 , tôm đạt cỡ 65 – 75 con/kg, kích cỡ mà nhu cầu thị trường khá cao, Minh Phú thu hoạch khoảng 50% số tôm trong ao nuôi. Đợt hai, sau khoảng 80 – 85 ngày nuôi, tôm đạt kích thước 40 – 45 con/kg, kích cỡ sức cầu thị trường cao nhất, công ty thu hoạch một nửa số tôm còn lại trong hồ nuôi. Đợt cuối, sau khoảng 110 ngày, tôm đạt kích cỡ 18 – 22 con/kg, nhu cầu của khách sạn, nhà hàng, đợt cuối thu hoạch vét.
“Điều này nhằm tối ưu hóa, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường,” ông Quang nói. Ở góc độ kinh doanh, người nuôi thích nuôi tôm tới 110 ngày tuổi vì giá cao nhất. Với nhà sản xuất như Minh Phú, còn cân nhắc giải quyết các vấn đề cân đối của thị trường. “Bài toán Minh Phú cần giải quyết là đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và giá nguyên liệu thấp nhất. Nếu tất cả sản xuất cỡ 18 – 22 con/kg, cung vượt cầu không bán được, giá giảm, tất cả cùng thiệt hại.”
Theo kế hoạch 2019 -2020, Minh Phú sẽ chuyển dịch toàn bộ ao nuôi theo hướng truyền thống sang công nghệ nuôi mới với khoảng 758 ao ươm và 1.016 ao nuôi, tỉ lệ 1:2. Nhưng đó chưa phải đích đến cuối cùng của Minh Phú. Theo ông Quang, Minh Phú muốn tiến một bước cao hơn, tự động hóa, kiểm soát tự động quy trình nuôi. Bởi lẽ, để đạt hiệu quả cao phải kiểm soát tất cả các yếu tố của ao nuôi 24/24. Chẳng hạn mưa gió, thời tiết thay đổi hay nửa đêm tảo phát triển, các yếu tố môi sinh thay đổi, ô xy thiếu tôm có thể chết hàng loạt.
Minh Phú đang nghiên cứu lắp đặt các công cụ cảm biến (sensor) giám sát tự động hoàn toàn ao nuôi, đo chất lượng nguồn nước, nhiệt độ, nồng độ ô xy… Với ao nuôi 1.000 m3 suất đầu tư tổng thể có thể lên tới 600 – 700 triệu đồng. “Đầu tư ban đầu rất lớn, nên phải có tầm nhìn, phải có quyết tâm mới đầu tư,” doanh nhân sinh năm 1958 nói. Theo tính toán khi áp dụng công nghệ mới, nuôi tôm ba vụ, với giá bán hiện tại, lợi nhuận nuôi tôm có thể đạt tỉ suất 50%/vụ hay 150%/năm.
Lợi nhuận sẽ thành thỏi nam châm thu hút người nuôi chuyển đổi mô hình. “Một vài năm nữa giá thành sản xuất tôm Việt Nam sẽ rất cạnh tranh,” ông dự liệu. Việc nâng cấp công nghệ nuôi trồng của Minh Phú phải bắt đầu từ chìa khóa nguồn lực tài chính. Báo cáo tài chính quý 3 của công ty này cho thấy, vay nợ khoảng 320 triệu đô la Mỹ, gấp đôi vốn chủ sở hữu, trong đó 80% là nợ ngắn hạn. Trong 10 năm gần đây Minh Phú chịu lỗ một lần do đầu tư dàn trải ngoài ngành. Tuy vậy, nhiều năm hiệu quả kinh doanh suy giảm do chi phí lãi vay.
Sau khi hủy niêm yết, Minh Phú quay lại sàn chứng khoán có nhiều lý do. Thứ nhất, lúc cao điểm nhất công ty này có 5.000 cổ đông, ngay cả khi hủy niêm yết vẫn có khoảng 900 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ cổ phiếu, bất đắc dĩ Minh Phú “khoác áo” công ty đại chúng. Động cơ lớn hơn thôi thúc công ty quay lại sàn chứng khoán nhằm huy động vốn, giảm tỉ lệ đòn bẩy tài chính khi hành lang pháp lý đã cho phép nước ngoài sở hữu không giới hạn cổ phần ở công ty Việt Nam.
Miếng ngon thì lắm người thèm. Đối tác tiềm năng đầu tiên của Minh Phú, một công ty nước ngoài cùng ngành muốn mua kiểm soát 51% cổ phần, đồng nghĩa với thâu tóm công ty đầu ngành của Việt Nam. Đối tác chiến lược thứ hai muốn sở hữu 35%, giữ ban điều hành hiện tại với hai gương mặt chủ chốt là ông Quang, chủ tịch kiêm tổng giám đốc và bà Chu Thị Bình, cánh tay mặt hỗ trợ chồng điều hành quản lý tài chính. “Việc lựa chọn nhà đầu tư tùy theo bối cảnh nhà đầu tư có thể giúp cho Minh Phú nâng cao giá trị nhất có thể,” người cùng vợ và các con kiểm soát khoảng 60% cổ phần của công ty nói.
Nhà xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam nhìn nhận cơ hội lớn trong cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc khi quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất nhì thế giới bị áp mức thuế suất 25%. Ông Quang cho biết, các khách hàng Mỹ, thị trường lâu năm của Minh Phú đã thăm dò khả năng Minh Phú tăng sản lượng cung ứng để bù đắp vào nguồn nhập khẩu thiếu hụt. Ban điều hành công ty vừa thông qua kế hoạch xây dựng nhà máy tôm tẩm bột công suất 40 ngàn tấn/năm tại nhà máy Minh Phú Hậu Giang, nhà máy Mitsu nắm 30% cổ phần.
Chuẩn bị xa hơn cho việc tiến sâu hơn vào thị trường Hoa Kỳ, “vua tôm” chủ trương đầu tư xây dựng hai kho lạnh cùng công suất 10.000 pallet tại Los Angeles và New York. “Bài toán cốt lõi của Minh Phú là luôn luôn đổi mới công nghệ để nghiên cứu sản xuất nhiều hàng giá trị gia tăng, tăng cạnh tranh. Tất cả mục tiêu đáp ứng nhu cầu của thị trường và phát triển trên quan điểm hai bên cùng có lợi, khách hàng không bỏ mình đi,” ông Quang nói.
Giang Thanh/Forbes Việt Nam