WeFit: Gọi vốn thành công triệu USD, nhà sáng lập lọt Forbes 30 under 30 nhưng ‘sai ngay từ mô hình kinh doanh’

11/05/2020 13:15

Từng là startup được đánh giá cao và thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, WeFit vừa tuyên bố dừng hoạt động từ 11/5 và cho biết đã nộp đơn phá sản. Theo CEO Nguyễn Hải Đăng, WeFit đã sai ngay từ mô hình kinh doanh, cho đến định giá không đúng sản phẩm, đưa ra các chính sách bán hàng không hợp lý và vận hành chưa hiệu quả. 

Startup tiên phong trong lĩnh vực Fitness

Ra đời vào cuối năm 2016, WeFit được xem như startup tiên phong trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực healthy và fitness (sức khỏe và thể hình) tại Việt Nam. Chỉ sau hơn một năm hoạt động, WeFit đã đạt được mức tăng trưởng trung bình 40%/tháng, sở hữu khoảng 5.000 khách hàng sử dụng hàng tháng và 600 đối tác ở cả Hà Nội và TP HCM, doanh thu năm 2017 đạt 700.000 USD.

Tên tuổi của WeFit gắn liền với nhà sáng lập và cựu CEO Khôi Nguyễn – người từng lọt vào Top 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017 và Top 30 under 30 năm 2018 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.

Khôi Nguyễn sinh năm 1991, tốt nghiệp ngành Kỹ sư máy tính Học viện Công nghệ Illinois (Mỹ). Anh từng có thời gian làm việc tại công ty truyền thông Netlink và khởi nghiệp với dự án Vocalno (chuyên sản xuất các sản phẩm Mobile Apps và dự án Ontot). Sau này do cơ duyên gặp các leader của Topica, Khôi quyết định tạm đóng cửa Volcano và đưa toàn bộ team gia nhập công ty này, giữ vị trí giám đốc phụ trách phát triển các sản phẩm mới của Topica.

feat-ceo-wefit-tap-luyen-main-1333-7710-

 Nhà sáng lập và cựu CEO WeFit, Khôi Nguyễn. Ảnh: WeFit

Ý tưởng khởi nghiệp WeFit của Khôi xuất phát từ việc nhìn thấy nhu cầu luyện tập tăng cao của người dân tại các thành phố lớn, khi chất lượng cuộc sống nâng cao, họ sẽ chú ý đến chăm sóc ngoại hình và sức khoẻ hơn. Áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ tương tự Uber và Grab, WeFit hướng tới việc giúp khách hàng dễ dàng xây dựng và duy trì thói quen tập luyện.

Năm 2017, WeFit được quỹ ESP Capital đầu tư 155.000 USD. Đầu năm 2019, startup này tiếp tục công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD cho vòng đầu tư pre-series A từ các quỹ CyberAgent Capital, KBInvest và một số nhà đầu tư thiên thần khác.

Chia sẻ tại thời điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dũng), Giám đốc của quỹ đầu tư CyberAgent Capital tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi rất ấn tượng với những gì WeFit đã xây dựng được trong 2 năm qua và tin rằng WeFit sẽ tạo ra một hành vi chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp ở Việt Nam hoàn toàn khác trong thời gian ngắn tới".

Thất bại được báo trước?

Trước khi đại dịch Covid-19 “nhấn chìm” WeFit, mô hình kinh doanh và cách vận hành của startup này đã bộ lộ nhiều nhược điểm khi dính vào hàng loạt bê bối với đối tác và khách hàng.

Cuối năm 2019, WeFit bị nhiều phòng tập, spa tố nợ tiền và tuyên bố ngừng hợp tác. Để tái cấu trúc công ty, đầu tháng 2 năm nay, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hải Đăng thay nhà sáng lập Khôi Nguyễn đảm nhận vị trí CEO. Tuy nhiên, không lâu sau, WeFit tiếp tục khiến nhiều khách hàng bức xúc khi bất ngờ thay đổi chính sách sử dụng từ ngày 17/3.

Trong thư xin lỗi khách hàng hồi tháng 3, CEO Nguyễn Hải Đăng thừa nhận bài toán kinh doanh với mô hình WeFit theo đuổi không hề dễ dàng. Khách hàng trả trước cho WeFit một khoản tiền cố định và startup này sẽ trả tiền cho các phòng tập đối tác trên mỗi lượt khách hàng sử dụng. Khách hàng đi tập càng nhiều, chi phí công ty phải bỏ ra càng lớn.

“Thực tế đã có rất nhiều tháng mà chi phí chúng tôi trả cho phòng tập đối tác lớn hơn cả doanh thu. Bên cạnh đó còn nhiều khoản chi phí đến từ việc chúng tôi không kiểm soát được những lỗ hổng của mô hình tập luyện không giới hạn như: booking ảo, nhiều người dùng chung một tài khoản, có những tài khoản tập đến hơn 100 lần mỗi tháng - đỉnh điểm là 202 lần/tháng…”, vị CEO chia sẻ.

212-4984-1589174689.jpg

Ông Nguyễn Hải Đăng được bổ nhiệm làm CEO WeFit hồi tháng 2. Ảnh: WeFit

Theo ông Đăng, WeFit đã sai ngay từ mô hình kinh doanh, cho đến định giá không đúng sản phẩm, đưa ra các chính sách bán hàng không hợp lý và vận hành chưa hiệu quả. Câu chuyện mất cân đối về dòng tiền do mô hình sản phẩm cứ tích luỹ theo thời gian và WeFit quyết định thay đổi hoàn toàn mô hình cũ.

Tuy nhiên, khi đang nỗ lực cải tổ, WeFit phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến vốn hoạt động của công ty cạn kiệt. Công ty này tuyên bố dừng hoạt động tất cả các sản phẩm ( WeFit/WeFit Point/WeFit Pago/WeJoy) từ 8h ngày 11/5 và cho biết đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội theo quy định của pháp luật.

Trước WeFit, startup hàng hiệu giá rẻ Leflair từng gọi vốn được hàng triệu USD cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi không có khả năng trả nợ 50 tỷ đồng cho hàng trăm nhà cung cấp.

LInh Lam/NDH