Mặc dù doanh thu thuần tăng 19,6% nhưng lợi nhuận sau thuế của Xây dựng Hòa Bình giảm 21,3% trong nửa đầu năm 2018. Công ty đang đàm phán bán cổ phần ở 3 dự án BĐS trong nước và mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Lợi nhuận giảm vì đâu?
Trong 6 tháng đầu năm 2018 lợi nhuận gộp của Hòa Bình đạt 778 tỷ đồng (tăng 5,5% so với cùng kỳ), tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 9,6% (6 tháng đầu năm 2017 là 10,9%). Ở mảng xây lắp, tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 10,7% năm ngoái xuống còn 8,9%. Được biết, tỷ suất lợi nhuận gộp giảm là do chi phí nhân công tăng bởi có sự thay đổi về chính sách bảo hiểm xã hội, sự biến động bất lợi của giá nguyên vật liệu và mức độ cạnh tranh cao hơn trong đấu thầu dự án mới.
Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng so với cùng kỳ cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Hòa Bình giảm sút. Cụ thể, chi phí bán hàng và quản lý tăng 27,5% so với cùng kỳ lên 300 tỷ đồng. Chi phí quản lý/doanh thu tăng từ 3,5% trong 6 tháng đầu năm 2017 lên 3,7% trong kỳ chủ yếu do chi phí nhân công tăng 46,4% so với cùng kỳ và chi phí dịch vụ thuê ngoài tăng 45,2% so với cùng kỳ.
Nửa năm 2018, doanh thu của Hòa Bình tăng khá nhưng chi phí tăng khiến lợi nhuận giảm
Trong khi đó, doanh thu của Hòa Bình tăng 19,6% trong 6 tháng đầu năm chủ yếu đóng góp chính từ mảng xây dựng nhà ở. Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu mảng xây dựng BĐS nhà ở đạt 2.862 tỷ đồng (giảm 17,2% so với cùng kỳ). Mảng này đóng góp 38% trong tổng doanh thu (so với cùng kỳ năm ngoái là 52%). Doanh thu mảng xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng tăng 25,9% so với cùng kỳ và đạt 2.259 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp vào tổng doanh thu tăng từ 27% lên 30%. Doanh thu xây dựng khách sạn và khu nghỉ dưỡng tăng 20,9% so với cùng kỳ và đạt khoảng 1.205 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp vào tổng doanh thu là 16% (trong 6 tháng đầu năm 2017 là 15%).
Tiến hành bán cổ phần 3 dự án BĐS trong nước, mở rộng sang nước ngoài
Các thương vụ bán cổ phần này dự kiến sẽ đóng góp vào việc cải thiện lợi nhuận của 6 tháng cuối năm nay và 6 tháng đầu năm 2019, cũng như bổ sung nguồn vốn ngắn hạn cho hoạt động kinh doanh của Hòa Bình.
Trong đó, dự án "1C" đã tiến hành ký kết MOU và một dự án khác là Long Thới đang trong quá trình đàm phán hợp đồng mua bán; dự án còn lại có thể được bán trong năm 2019.
Dự án 1C nằm tại số 1C Tôn Thất Thuyết, Q.4, Tp.HCM. Dự án có tổng diện tích đất 5.286 m2. Ước tính lợi nhuận từ bán cổ phần ở dự án này là khoảng 155 tỷ đồng.
Dự án Long Thới tọa lạc tại Long Thới, Nhà Bè, Tp.HCM với tổng diện tích đất là 30.209 m2. Xây dựng Hòa Bình ước tính tổng lợi nhuận từ bán 48% cổ phần ở dự án này là khoảng 87 tỷ đồng.
Dự án Phước Lộc Thọ nằm tại Phước Lộc Thọ, Nhà Bè, Tp.HCM với tổng diện tích đất là 40.058 m2, ước tính tổng lợi nhuận từ bán 48% cổ phần ở dự án này là khoảng 100 tỷ đồng.
Khi mà chu kỳ hiện tại của phân khúc chung cư trung đến cao cấp đã có dấu hiệu suy giảm. Đồng thời, thị trường BĐS trong nước trở nên khó khăn khi việc phát triển các dự án ngày càng thận trọng hơn, cạnh tranh cũng gia tăng, kéo theo lợi nhuận giảm.
Đó là lý do công ty Hòa Bình dự kiến sẽ mở rộng hoạt động sang thị trường nước ngoài với mục tiêu là các nước Trung Đông và một số nước kém phát triển hơn tại khu vực ASEAN như Campuchia, Lào và Myanmar. Đơn vị này dự kiến khởi đầu với Myanmar và Kuwait.
Tại thị trường Myanmar: Hòa Bình sẽ là nhà thầu phụ cho Kajima trong dự án xây dựng Yankin Storage Site PPP Redevelopment. Dự án này được triển khai trên diện tích đất 2,7 ha với tổng đầu tư lên tới 450 triệu USD. Thời gian khởi công dự kiến vào cuối năm 2018 và thời gian xây dựng dự kiến kéo dài 5 năm.
Thị trường Kuwait: Hòa Bình đã hợp tác với HOT Engineering and UGCC. Công ty ký hợp đồng phụ với UGCC với giá trị hợp đồng là 28 tỷ đồng chủ yếu là cung cấp nhân lực và dịch vụ quản lý.
Romania và Saudi Arabia có thể sẽ là hai thị trường tiếp theo cho cung cấp các dịch vụ xây dựng của Hòa Bình.
Phương Nga
Theo Trí Thức Trẻ