Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Xóa sổ Jetstar Pacific - Bài 1: Vietnam Airlines đang phải gánh lỗ khủng cho Jetstar Pacific

24/06/2020 09:32

LTS: Kinh doanh thua lỗ liên tục, Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific sắp bị xóa sổ trên bản đồ bay của Việt Nam. Tuy nhiên, với khoản lỗ lũy kế hơn 4.000 tỉ đồng và những 'món nợ khó đòi' có thể tiếp tục gây thiệt hại cho nhà nước, câu hỏi đặc ra là, trách nhiệm thuộc về ai?

LTS: Kinh doanh thua lỗ liên tục, Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific sắp bị xóa sổ trên bản đồ bay của Việt Nam. Tuy nhiên, với khoản lỗ lũy kế hơn 4.000 tỉ đồng và những 'món nợ khó đòi' có thể tiếp tục gây thiệt hại cho nhà nước, câu hỏi đặc ra là, trách nhiệm thuộc về ai?

Jetstar - hãng hàng không nổi tiếng với việc liên tục báo lỗ từ năm này sang năm khác. Ảnh: Jetstar

Bài 1: Vietnam Airlines đang phải gánh lỗ khủng cho Jetstar Pacific

Từ khi khai sinh cho đến nay, Jetstar Pacific là hãng hàng không luôn ca điệp khúc lỗ triền miên, liên tục. Cho đến nay khoản lỗ lũy kế đã lên đến hơn 4.000 tỉ đồng. Và với tư cách là cổ đông lớn nhất của Jetstar Pacific, Vietnam Airlines vừa phải chịu đựng cú đánh “Covid-19”, vừa phải hứng khoản lỗ khủng của hãng hàng không giá rẻ này.

Lời hơn trăm tỉ, lỗ ngàn tỉ

Theo thông tin từ bản cáo bạch niêm yết của Vietnam Airlines thì năm 2015 và 2018 là 2 năm Jetstar có lãi ròng. Tuy nhiên khoản lợi nhuận này quá khiêm tốn, tính đến ngày 31/12/2018, khoản lỗ lũy kế của Jetstar đã lên đến 4.252 tỉ đồng.

Cùng bóc tách khoản lỗ này mới thấy, Jetstar kinh doanh cực kỳ kém hiệu quả. Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2008 - 2009, Jetstar đã báo lỗ gần 700 tỉ đồng. Đến giai đoạn năm 2010 - 2011, Jetstar vẫn bị thua lỗ. Và số lỗ năm 2011 lại tăng gấp đôi so với năm 2010, lên hơn 430 tỉ đồng.

Sau khi Vietnam Airlines trở thành cổ đông lớn của Jetstar, đến năm 2015 hãng hàng không này báo lãi ròng vào khoảng 112 tỉ đồng. Nhưng đến 2016 lại báo lỗ sau thuế gần 900 tỉ đồng. Năm 2017 tiếp tục lỗ 1.000 tỉ đồng. Năm 2018, lãi sau thuế chỉ được hơn 34 tỉ đồng.

Được biết, Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airline hiện do 3 cổ đông nắm giữ phần vốn. Trong đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang nắm 68,86% cổ phần; Tập đoàn Qantas của Australia nắm 30% cổ phần và Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) nắm 1,14% cổ phần.

Kiểm toán nhà nước tại Vietnam Airlines kết luận rằng, khoản đầu tư vào Jetstar có dấu hiệu mất an toàn tài chính. Ảnh: Jetstar

Với tình hình kinh doanh lời ít, lỗ quá nhiều, Tập đoàn Qantas đã quyết định thoái vốn, rút khỏi Jetstar Pacific. Và theo thông tin mới nhất, Vietnam Airlines đã thống nhất tiếp nhận của Qantas 30% cổ phần. Tương lai, Vietnam Airlines sẽ nắm giữ hơn 98% cổ phần tại Jetstar để tiếp tục tái cơ cấu.

Như vậy, khoản nợ hơn 4.000 tỉ đồng của Jetstar sẽ khiến Vietnam Airlines phải chịu thiệt hại nhiều nhất. Vietnam Airlines vẫn đang là Công ty Cổ phần có vốn nhà nước hơn 50%, do đó có thể nói nhà nước đang gián tiếp gánh chịu khoản lỗ ngàn tỉ từ Jetstar.

Có dấu hiệu mất an toàn tài chính

Thông báo kết quả Kiểm toán Nhà nước số 1074/TB-KTNN ngày 18/12/2019 tại Tổng Công ty hàng không Việt Nam nêu rõ: “Khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines thua lỗ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn: Số vốn góp của Tổng công ty Hàng không Việt Nam vào Jetstar Pacific là 2.424 tỉ đồng (chiếm 68,85% vốn điều lệ). Theo báo cáo tài chính năm 2018 của Jetstar Pacific, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 34 tỉ đồng nhưng lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2018 là 4.252 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 180 tỉ đồng”.

Kết luận kiểm toán còn nêu rõ, các chỉ tiêu tài chính nói trên đang trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng, và cho thấy khoản đầu tư vào Jetstar Pacific chưa bảo toàn và phát triển vốn, kết quả kinh doanh thua lỗ và mất an toàn tài chính doanh nghiệp (theo Điều 6 Thông tư 200/2015/TT-BTC ngày 15/12/2015 của Bộ Tài chính).

Xóa sổ thương hiệu Jetstar Pacific

Với tư cách là cổ đông lớn nhất, Vietnam Airlines sẽ tái cơ cấu Jetstar, và chuyển đổi thương hiệu thành Pacific Airlines. Theo đó, Jetstar sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để đổi tên, logo và bộ nhận diện thương hiệu mới. Pacific Airlines cũng chính là tên gọi đầu tiên khi hãng bay này được thành lập năm 1991. Tuy nhiên, Vietnam Airlines cho biết thời điểm Jetstar Pacific chính thức hoạt động dưới tên mới sẽ còn phải dựa theo quyết định của nhà chức trách.

Từ đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, tăng cường giám sát đặc biệt và kiểm tra đối với đơn vị có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, không bảo toàn được vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật. Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan, có giải pháp phù hợp và xin ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đầu tư vào Jetstar Pacific để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến những sai sót, tồn tại đã nêu tại Biên bản kiểm toán và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Bài 2: “Chủ nợ” Jetstar Pacific và món nợ khó đòi từ Pan Pacific Airlines

Hồ Ngọc Giàu

Theo Ngày Nay