Giờ đây chúng ta ngồi ở đâu cũng đầy hào hứng nói chuyện khởi nghiệp. Bất cứ ai cũng âm thầm nuôi trong đầu ý định khởi nghiệp. Bất cứ nhóm nhỏ nào đó cũng tìm cách gắn bó với nhau bằng khởi nghiệp. Cả xã hội nóng bỏng chuyện khởi nghiệp, đến nỗi trên truyền hình quốc gia có hẳn cả một chương trình mang tên cà phê khởi nghiệp, truyền bá kinh nghiệm thành công cho các bạn trẻ.
Tôi thích thú với chương trình này, nhất là khi nó nhằm tới những người trẻ. Và có lẽ chưa khi nào một từ tiếng Anh là startup lại trở thành phổ thông như bây giờ. Từ già chí trẻ, từ nhà giáo đến bà thu mua lông gà lông vịt, từ ông thi sĩ lơ mơ đến gã lái buôn sành sỏi ngoài chợ trời… đều biết startup là làm gì.
Với họ, nó chắc chắn là “khởi nghiệp”, là bắt đầu quá trình tiến tới làm ông chủ, dù thực tế, ngay cả khi chỉ xét trên khía cạnh ngôn ngữ, đã không hẳn thế.
Tuy nhiên tôi sẽ không sa đà vào việc tranh luận về sự khác nhau giữa khởi nghiệp và startup. Chuyện đó vẫn thường xảy ra khi chúng ta tìm cách diễn dịch một khái niệm vốn có xuất xứ nước ngoài, sang tiếng nước mình. Tôi xin đưa ra định nghĩa của riêng tôi về khởi nghiệp như sau: Đó là tìm cách thực hiện một ý tưởng mới, thường của một người hoặc một nhóm nhỏ, gắn với sản xuất, kinh doanh hay cung cấp sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho xã hội.
Tôi hoan nghênh phong trào khởi nghiệp của giới trẻ hiện nay. Đó là một bước tiến dài về mặt lịch sử phát triển nếu xét riêng ở đất nước chúng ta. Giá kể nó được khởi xướng sớm hơn. Giá kể nó được cổ vũ sớm hơn. Giá kể nó được dành cho những điều kiện ưu ái sớm hơn. Giá kể nó là một chương trình giáo dục trong nhà trường, thay cho môn dạy nghề quá hời hợt, hoàn toàn chỉ mang tính hình thức.
Và, giá kể xã hội chúng ta bớt kì thị hơn với những người dám công khai mơ ước về sự giầu có và tìm cách để giầu có. Bởi vì thêm một người thành công trong việc kiếm tiền, thậm chí trở thành ông chủ, xã hội không chỉ bớt đi hơn một người nghèo, mà còn thêm cơ hội kiếm sống cho nhiều người. Quan trọng hơn, xã hội sẽ bớt đi rất nhiều nỗi sợ hãi về sự thất bại, bớt đi mặc cảm thiếu tự tin, mặc cảm về cái nghèo cứ bám lấy mỗi chúng ta như một định mệnh.
Phong trào khởi nghiệp hiện nay thực chất là một cuộc thử thách lớn của cả đất nước chứ không chỉ của giới trẻ. Nó cần sự cộng hưởng sức mạnh tinh thần, trước hết để xóa đi những định kiến u ám về sự kém cỏi của người Việt so với những người láng giềng. Ngoài ra nó có giá trị rất lớn về khía cạnh truyền cảm hứng.
Nhưng hỡi các bạn trẻ mà tôi vô cùng yêu mến, mọi việc không hề dễ dàng như nhiều người đang nghĩ. Không chỉ cứ phát động một phong trào là có thể yên tâm ngồi chờ thành công đến. Thế giới đã có kinh nghiệm cho chúng ta, rằng hơn tám mươi phần trăm những người khi hăm hở bắt tay vào việc bằng vô vàn khát vọng hừng hực, sẽ quay về với con số không, quay về điểm xuất phát ban đầu hoặc có thể còn tệ hơn. Đây không phải là sự chơi khăm nào đó của ma quỷ hay thần thánh. Đây là ngưỡng định mệnh chung cho toàn nhân loại, có lẽ để mỗi thành công có được một sự hãnh diện thật sự chính đáng.
Vì thế, việc ai đó quyết định khởi nghiệp, đồng nghĩa với một quyết định vô cùng dũng cảm. Nó gần với một sự liều mạng mang tính đánh đổi: Được chưa hẳn đã ăn cả, nhưng ngã thì chắc chắn về không. Do vậy, họ, những con người can đảm ấy, cần rất nhiều sự giúp đỡ, trợ lực về tinh thần của toàn xã hội. Họ cần cả sự cảm thông, bao dung đùm bọc nữa một khi họ tơi tả trở về, bởi như tôi và bạn đã thấy, khởi nghiệp thất bại là chính.
Sau khi nói ra những lời gan ruột và thẳng thắn như vậy, giờ tôi muốn bàn đến khía cạnh rộng lớn hơn của một khởi nghiệp.
Chúng ta nghèo đói quá lâu; chúng ta sống với mặc cảm bị coi thường quá lâu; chúng ta tự “dìm hàng” nhau quá lâu, vì thế khi xã hội giải phóng mỗi người thoát khỏi những “xiềng xích” đó, chúng ta có xu hướng chỉ mong kiếm được thật nhiều tiền, kiếm tiền thật nhanh, kiếm tiền sao cho thật dễ dàng, coi số tiền kiếm được là thước đo của mọi thành công. Đó là những mong muốn không đáng trách nhưng không cao quý và đầy rủi ro. Nếu không vì mục tiêu kiếm sống, không vì để thành người có nhiều tiền, chắc chắn chẳng ai có động lực nào để mà khởi nghiệp. Nhưng chúng ta vừa nói đến tỉ lệ thất bại. Liệu điều đó có nhắc mỗi chúng ta điều gì sẽ phải đối mặt nếu mục tiêu khởi nghiệp chỉ là tiền? Vậy để tôi xin được nói giúp các bạn trẻ: Đó sẽ là nỗi ê chề về mặt danh dự cùng với cảm giác thảm bại. Nó có thể làm tiêu tán mọi khát vọng của bạn, khiến bạn nhụt chí, khiến bạn thù ghét những người thành công chỉ do họ may mắn hơn.
Nhưng nếu chúng ta quan niệm khởi nghiệp là một chuỗi ý tưởng và hành động, nằm trong cả một hành trình, một dự án dài hạn, một kế hoạch giúp thoát nghèo cho đất nước, một sự thử thách lòng can đảm và tình đoàn kết quốc gia, thì vấn đề sẽ hoàn toàn khác. Khi đó, mỗi ý tưởng khởi nghiệp của bạn luôn được đặt trong lợi ích chung của cả cộng đồng. Khi đó bạn sẽ không cố gắng thành công bằng mọi cách, không kiếm tiền bằng mọi giá, nếu điều đó khiến người khác, người bên cạnh bạn nghèo đi, bị đẩy đến rủi ro hay cộng đồng chịu những tổn thất về kỉ cương, đạo đức và môi trường. Bởi vì đã có nhiều thực tế như vậy xảy ra, khi ai đó nhẫn tâm ích kỉ chỉ biết đến mình, dù động cơ là chính đáng, được luật pháp cho phép.
Khước từ điều đó, bạn có thể phải trả giá bằng tiền bạc hoặc mất đi cơ hội tiền bạc. Bù lại, bạn không phải chịu rủi ro một mình, không bị đẩy đến đường cùng khi thất bại, không phải sống trong cảm giác về sự cô độc giữa cả cộng đồng. Vậy là cùng hành động khởi nghiệp, một bên đặt trong tương quan với lợi ích của những người xung quanh, với xã hội, trong khi một bên chỉ nghĩ đến bản thân, vì bản thân. Trường hợp thứ nhất tôi gọi là khởi nghiệp: Bắt đầu của những điều tốt đẹp, kể cả khi thất bại trong mục tiêu kiếm tiền. Còn trường hợp thứ hai tôi bảo đấy là chuốc nghiệp: Khởi đầu cho một sự trả giá về sau, kể cả thành công ngoài ý muốn về tiền bạc.
Vậy chúng ta hãy quan niệm khởi nghiệp là bắt đầu một sự nghiệp, không chỉ cho mình, mà trước hết và trên hết là vì sự giầu có của đất nước. Theo nghĩa rộng lớn này, thì khởi nghiệp không có thất bại, khi đó thất bại cũng là một thứ “được” có thể gọi tên: Đó là cảm hứng xã hội. Tạo ra cảm hứng xã hội về lòng can đảm, thậm chí còn quan trọng hơn cả mục tiêu kiếm tiền. Bởi vì khi cả xã hội can đảm thoát nghèo, cả xã hội can đảm vượt lên, can đảm bước qua những định kiến, thì giá trị của nó không chỉ là tiền. Giá trị của nó là phát triển, là tiến bộ trên nền tảng của khát vọng giầu có.
Nếu bạn hoàn toàn tự tin mình đang hành động nhằm tới mục tiêu lớn lao ấy, thì tôi khuyên bạn không còn phải chờ đợi gì thêm, không cần bất cứ sự chỉ dẫn, dạy bảo nào, không phải e sợ bất cứ điều gì mà hãy dũng cảm dấn thân khởi nghiệp đến cùng.