T-Farm (máy trồng cây trong nhà) là ý tưởng vừa giúp founder Phạm Anh Tuấn ẵm giải nhất bảng doanh nghiệp tại Vietnam Startup Wheel 2019. Đây là hệ thống trồng cây trong nhà, tưới tiêu tự động trên máy và áp dụng chế độ dinh dưỡng theo quy chuẩn đặc biệt. Máy vận hành theo cơ chế tự động tất cả các giai đoạn: Phân tích, Chuẩn bị, Tưới tiêu, Quang hợp, Cân bằng dinh dưỡng, Vệ sinh … giúp người dùng không cần bất kỳ kiến thức nào về trồng cây, chỉ cần tải App, chọn loại cây muốn trồng và nhấn nút là máy sẽ sắp xếp và chăm sóc cây theo chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Mỗi máy T-Farm bán ra thị trường với giá 30 triệu đồng cho bản căn hộ, bao gồm một máy trồng cây, 2 bình dinh dưỡng và cây giống theo lựa chọn của khách hàng. Mỗi tháng, thay vì tốn công chăm sóc thì người dùng tiêu tốn khoảng 220.000 đồng cho việc thay thế bình dinh dưỡng.
Được biết, để làm ra được sản phẩm này CEO Phạm Tuấn Anh phải mất 3 năm lăn lộn và trả giá không ít. Con đường khởi nghiệp của ông bố 2 con sinh năm 1990 sẽ mang đến cho nhiều người góc nhìn mới về nghề startup đang nở rộ hiện nay.
Mô hình trồng cây trong nhà của TFarm
Sau tai nạn, đột nhiên yêu cây cối đến lạ kỳ
Tuấn Phạm là một trong những startup trẻ tuổi nhất trong thị trường startup ở Việt Nam. Sinh năm 1990, học về IT nhưng lại không có đam mê lớn với công nghệ, Tuấn Phạm từng thử qua rất nhiều ngành nghề sau khi rời ghế nhà trường. Trước khi quyết định thành lập Treant Protector vào tháng 10/2016, Tuấn Phạm từng đi kinh doanh bất động sản và khá thành công với khoản vốn liếng đầu tay là 1 tỷ đồng.
Ban đầu anh có ý định đem số tiền này đi đầu tư một miếng đất khác chờ cơ hội sinh lời, hoặc nếu không tìm được chỗ tốt sẽ đầu tư mở một công ty về bất động sản hay mở 1 công ty về thiết kế nội thất. Tuy nhiên, câu chuyện cuộc đời anh bắt đầu rẽ qua hướng khác khi vào đúng 28 Tết cuối năm 2015, Anh Tuấn bất ngờ gặp tai nạn bị rạn xương sống, mẻ xương cổ và phải nằm im bất động suốt 3 tháng liền.
Đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, Tuấn Phạm nhận ra tiền bạc không có ý nghĩa nhiều đối với cuộc sống con người. Anh bắt đầu xuất hiện tình yêu dành cho thiên nhiên, khí hậu, cây cối đến kỳ lạ.
"Khi tỉnh dậy sau 3 tháng, mọi thứ xung quanh gần như thay đổi hoàn toàn. Tôi nhìn vợ, nhìn con, nhìn những người xung quanh và tự nhủ mình phải làm cái gì đó có ích cho cộng đồng. Lúc đó, bản thân tự nhiên xuất hiện một nguồn năng lượng tích cực, và như có ai đó dẫn đường để tôi bắt đầu với cây cối. Ưu tiên lớn nhất là phải làm sao để thiên nhiên và con người được xích lại gần nhau hơn", Tuấn Phạm chia sẻ.
Ý tưởng đã có nhưng với một người "sát cây" cứ trồng là chết, trong nhà lại chẳng có ai làm về nông nghiệp nên bỗng dưng bản thân xuất hiện tình yêu cho cây cối là một điều hết sức khó tin đối với Tuấn Phạm và gia đình. Từ đây, chàng trai bắt đầu nghiên cứu cây cối, khí hậu phù hợp với từng loại cây. Anh cho biết bản thân như có ai đó dẫn đường để cảm được linh hồn của cây và biết cách chăm sóc từng loại theo điều kiện khí hậu khác nhau.
Khó khăn lớn nhất bấy giờ là việc phải bắt đầu như thế nào? Có sẵn trong tay 1 tỷ đồng nhưng lại thiếu cộng sự, chàng trai sinh năm 1990 bắt đầu lên kế hoạch tìm kiếm co-founder. Để làm được một cỗ máy trồng cây trong nhà, Tuấn Phạm đặt mục tiêu phải tìm được 5 người giỏi nhất về 5 lĩnh vực bao gồm: Cơ khí chế tạo máy, Mạch tự động hóa, IT, Nông nghiệp và Sinh học. Trong đó, sinh học là mảng nghiên cứu về phân, dinh dưỡng cho cây và là ngành khó nhằn nhất đối với một "tay ngang" như Tuấn Phạm.
Sau thời gian cố gắng thuyết phục, chàng trai trẻ cũng tìm được co-founder giỏi về cùng đồng hành. Đến nay sau 3 năm, có một số cộng sự không còn đi tiếp với Treant Protector nhưng đối với CEO sinh năm 1990 thì tất cả những người ra đi và ở lại đều xứng đáng được ghi nhận đối với những đóng góp lớn lao của họ
Mong muốn mọi ngóc ngách trong nhà đều phải có linh hồn
Khi được hỏi vì sao không trở thành nhà nông, mở trang trại thật ngoài trời mà lại đưa cây vào trồng trong nhà, Tuấn Phạm cho biết mục tiêu lớn nhất của anh là tạo ra sự cân bằng giữa thiên nhiên và con người. Trong cuộc sống quá bận rộn, khi mà công nghệ chiếm ưu thế thì con người dần xa rời thiên nhiên. Do đó chàng trai trẻ mong muốn "bóc" cả khu vườn vào nhà, áp dụng công nghệ hiện đại để thay thế con người trong việc trồng cây, đồng thời giúp cân bằng hai yếu tố thiên nhiên và con người trong chính ngôi nhà của họ.
"Tôi nhận thấy các căn hộ đều đang thiếu mảng xanh trong nhà. Trong khi thị trường lại chưa có ai có thể làm được việc đó. Nhiều người cứ nghĩ trồng cây là phải trồng ngoài trời, trồng trên đất. Thì bây giờ T-Farm sẽ giải được bài toán trồng luôn cây trong nhà, đi ngược với quan điểm xưa nay vẫn hằn sâu trong suy nghĩ của họ.
Nhưng cái chính ở đây là người trồng cây không phải vất vả tưới tiêu. Họ chỉ cần tải App, lựa chọn cây trồng, ngồi 1 chỗ ấn nút và việc còn lại đã có máy lo tất. Mục đích của chúng tôi là tạo ra là khu vườn trong nhà, còn khách muốn trồng gì là chuyện của họ", CEO Tuấn Phạm chia sẻ.
Được biết hiện tại T-Farm có thể trồng được 33 loại, bao gồm: Cây gia vị, rau xanh, cây phong thủy và một số loại hoa. Dự kiến đến Tết công ty sẽ cập nhật thêm một số loại cây khác phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam. Theo Tuấn Phạm, ngoài việc tạo ra một cái máy có thể trồng cây và quang hợp luôn trong nhà thì tương lai công ty cũng sẽ đưa luôn hệ thống giàn lập khí hậu áp dụng cho tất cả sản phẩm. Khi đó, người dùng có thể trồng được nhiều loại cây khác nhau bất chấp vùng miền, địa phương và điều kiện khí hậu. Thậm chí, cây châu Âu có thể trồng được ở châu Á, kể cả việc trồng Sâm ngọc linh hoặc wasabi của Nhật Bản ngay tại Việt Nam.
Ngoài việc tấn công mảng căn hộ, Tuấn Phạm cũng đã tính đến việc đưa vườn cây vào nhà phố, làm sáng bừng những ngóc ngách tối tăm nhất trong nhà như gầm cầu thang, tủ để giày dép, góc bếp... Chàng trai sinh năm 1990 mong muốn biến mọi không gian trong nhà đều có linh hồn và gần gũi với thiên nhiên. Ngoài việc áp dụng chế độ dinh dưỡng riêng biệt để đảm bảo các loại rau xanh, gia vị khi trồng đến khi thu hoạch đều đủ chất dinh dưỡng và an toàn cho người dùng thì T-Farm cũng có khả năng mang đến một diện mạo khác cho ngôi nhà mà trước nay ai cũng nghĩ là điều không thể.
"Mỗi cây 1 chế độ hấp thụ ánh sáng, độ ẩm, dinh dưỡng khác nhau. Có 2 dạng, một là cây thông thường thì chế độ dinh dưỡng là bình thường nhất, trung bình nhất. Tuy nhiên với những cây dược liệu hoặc thiên về vùng miền thì phải sử dụng chế độ dinh dưỡng riêng. Một máy bình thường chỉ cần 2 bình dinh dưỡng nhưng nhưng với những cây dược liệu phục vụ cho việc nghiên cứu có khi cần đến 5,6 bình", anh chia sẻ.
Ba năm "đốt" 14 tỷ và những lần nịnh vợ để xin những đồng cuối cùng
Khởi nghiệp chỉ với 1 tỷ trong tay, trong khi đó chi phí cho nhân công, mặt bằng và công nghệ ngốn khoảng 850 triệu/ 1 tháng, Tuấn Phạm chỉ có thể đưa công ty đi được 1 năm. Đến năm 2017, anh bắt đầu nghĩ đến việc phải kêu gọi nhà đầu tư để đi tiếp.
Startup trẻ tuổi bắt đầu lên kế hoạch tìm kiếm những người giàu nhất để nhờ hỗ trợ. Anh gửi ý tưởng đi khắp nơi, cứ người nào giàu ở đất nước Việt Nam anh đều tìm đến để giới thiệu. Cuối cùng, CEO sinh năm 1990 cũng tìm được nhà đầu tư đồng ý hỗ trợ công ty. Mọi việc diễn ra thuận lợi cho đến 8/2017, nhà đầu tư đột nhiên cắt viện trợ khiến Tuấn Phạm và công ty lao đao mấy tháng trời. Khoảng thời gian này là vô cùng khó khăn với doanh nghiệp khi anh phải gồng lên trả lương cho nhân viên, khi thiếu thốn quá "cha đẻ" T-Farm đã phải về nịnh vợ đưa những đồng tiền cuối cùng (dành dụm cho việc sinh nở) để đi tiếp.
"Tôi may mắn có một người vợ thấu hiểu và tin tưởng vào chồng. Tôi cũng là người dám về nịnh vợ để đưa những đồng tiền cuối cùng trong nhà chỉ với lời hứa khi nào con sinh ra tôi nhất định sẽ cho con cuộc sống no đủ. Có những lúc lao đao, tôi phải gặp từng nhân viên để thuyết phục họ ở lại. Công ty có người già nhất là sinh năm 1969, còn lại chủ yếu là thế hệ 8X, trong khi đó CEO là thế hệ đầu 9X nên cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng tất cả chúng tôi đều hướng đến những giá trị cho cộng đồng nên đã vượt qua tất cả", Tuấn Phạm nhớ lại giai đoạn khó khăn.
May mắn là đến đầu năm 2019, công ty của anh bắt đầu được nhà đầu tư rót vốn trở lại để đi tiếp. Vị CEO sinh năm 1990 đã chứng minh cho nhà đầu tư thấy tầm quan trọng của T-Farm đối với mỗi một căn nhà trên đất nước Việt.
"Mong muốn lớn nhất của tôi là giữ sự cân bằng giữa thiên nhiên và con người. Con người không thể sống thiếu thiên nhiên. Hiện mọi thứ vẫn đang ở mức độ nhân tạo. Con người xây nhà, tạo ra mảng xanh nhưng chỉ là nhân tạo chứ chưa có linh hồn, chưa có sự gần gũi với mẹ thiên nhiên. Tôi muốn hai yếu tố này phải có sự dung hòa. Ngay trên sản phẩm cũng có logo là Balance - có nghĩa là sự cân bằng", anh nói.
Để tạo ra T-Farm, cả hệ thống của Tuấn Phạm gồm 16 con người phải làm việc liên tục trong suốt 3 năm qua. Mỗi quá trình thử nghiệm cho từng loại cây trải qua 2-3 chu kỳ và đều phải trả giá bằng thời gian thực, tương đương với việc "đốt" tiền mỗi tháng là 850 triệu. Với những cây thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch là 2 tháng thì đồng nghĩa là cả hệ thống sẽ phải đợi cây lớn trong suốt 2 tháng. Khi đó bộ máy phải vẽ ra nhiều việc. Mỗi một phòng ban phải có mục tiêu riêng cho tương lai, có định hướng rất nhiều nhưng đều nhắm đến mục tiêu chung là cộng đồng.
"Chúng tôi bán máy cho người dân thì chính chúng tôi phải trải nghiệm thực tế ở trong nhiều điều kiện khí hậu. Toàn bộ các cây đều được thử nghiệm trong nhiệt độ thường, nhiệt độ lạnh, nóng khác nhau và đảm bảo thời gian sinh trưởng ngang bằng với cây trồng ngoài trời. Làm sao để khi người dân hái rau ăn sẽ không bị rỗng dinh dưỡng và an toàn tuyệt đối. Chứ không phải tôi bán cho ông cái máy, tôi thu tiền là xong. Cây nào tôi cho phép App cập nhật lên rồi thì rất tuyệt vời, dù ở bất cứ đâu", Tuấn Phạm quả quyết.
Theo kinh nghiệm của doanh nhân này, việc trồng cây nghe có vẻ đơn giản nhưng lại rất đặc thù. Ngoài yếu tố dinh dưỡng thì nguồn nước cấp cho cây cũng vô cùng quan trọng. Do đó, khi lắp đặt, hệ thống T-Farm sẽ nối trực tiếp với nguồn nước của mỗi hộ gia đình. Nước được bơm vào hệ thống nhưng sẽ qua chế độ xử lý nhằm đảm bảo sự cân bằng trung tính, để người dùng luôn có một vườn cây xanh ngay trong chính ngôi nhà. Họ có thể đi vài bước chân để ngắm và hái ăn liên tục.
Hành trình ba năm qua công ty Tuấn Phạm "đốt" hết 14 tỷ, đến đầu tháng 6/2019 mới bắt đầu tung sản phẩm ra thị trường. Tuấn Phạm cho biết hiện tại công ty đã có đơn sỉ đầu tiên là 100 máy, một số đơn lẻ và bắt đầu có những dòng doanh thu đầu tiên.
Theo Tri thức trẻ.