Đó là cách Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long khi ví von về dự án gang thép Dung Quất của Hòa Phát tại Quảng Ngải. Với công suất lên tới hàng triệu tấn thép/năm, cùng với hệ thống cảng nước sâu cho tàu 100.000 tấn cập cảng, Chủ tịch Hòa Phát hoàn toàn có thể tự tin khi cho rằng đây là yếu tố X – yếu tố được dự đoán sẽ thay đổi thế trận ngành thép.
Hưởng lợi thế quy mô
Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội khi doanh thu bán hàng và dịch vụ quý I và quý II lần lượt là 13.161 tỉ đồng và 14.432 tỉ đồng. So sánh với cùng kỳ năm 2017, quý I/2018 ghi nhận mức tăng hơn 26,18%, còn quý II/2018 là 34,06%. Lợi nhuận sau thuế của quý I/2018 là 2.222 tỉ đồng (tăng trưởng 14,89% so với quý I/2017); còn quý II là 2.202 tỉ đồng (tăng trưởng 43,17% so với quý II/2017).
Trên bàn cờ ngành thép, yếu tố thiên thời của Hòa Phát là việc giảm nhẹ áp lực cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Từ tháng 3.2016, Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá lên thép nhập khẩu. Mức thuế chống bán phá giá được áp dụng cho Trung Quốc là 17,47-25,35%; Indonesia là từ 6,64-13,03%, Malaysia là 9,31% và Đài Loan là từ 13,39-37,29%. Khi nhà sản xuất nước ngoài bị hàng rào thuế quan bủa vây, cũng là lúc Hòa Phát có thể dồn toàn lực vào cuộc chiến giành thị phần với các doanh nghiệp ngành thép trong nước.
Hòa Phát đang ở vị thế nổi trội khi nắm trong tay hàng loạt lợi thế so với các đối thủ trong nước, đặc biệt chi phí sản xuất đơn vị phôi thép tiết kiệm khoảng 20% so với doanh nghiệp cùng ngành khi sử dụng công nghệ lò hồ quang (EAF), và hấp dẫn hơn khoảng 10% so với phôi thép nhập khẩu (giả định thuế chống bán phá giá neo ở mức 19,3%).
Hòa Phát đang có quyết tâm rất cao qua khoản đầu tư mạnh mẽ vào dự án Dung Quất với số vốn lên đến 2 tỉ USD. Dự án Dung Quất là khu liên hợp bao gồm lò cao luyện thép, nhà máy điện, nhà máy nước và cảng nước sâu tạo thành vòng sản xuất khép kín hoàn toàn. Từ vị trí chiến lược này, HPG có thể dễ dàng chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, do lợi thế nằm sát biển nên Hòa Phát có thể giảm đáng kể chi phí nhập quặng sắt, 1 đội tàu container 100.000 tấn chắc chắn sẽ tối ưu hơn vận chuyển quặng sắt bằng đường bộ.
Tiềm năng 6 tháng cuối năm
Hòa Phát đã thành công trong việc tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô nhờ mở rộng quy mô sản xuất liên tục trong giai đoạn vừa qua. Khu liên hợp thép Dung Quất không chỉ giúp doanh nghiệp củng cố vị thế đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất thép xây dựng mà còn đưa Hòa Phát thâm nhập vào lĩnh vực mới mẻ và giàu tiềm năng của ngành thép Việt Nam: sản xuất ở khâu thượng nguồn của thép dẹt, thép cán nóng HRC. Hiện tại, thép dẹt được ứng dụng nhiều trong sản xuất công nghiệp và xây dựng như lĩnh vực ô tô, đóng tàu và thiết bị gia dụng.
Giai đoạn thứ nhất của Khu liên hợp thép Dung Quất được khởi công từ tháng 2.2017 và dự kiến hoàn thành vào tháng 2.2019, sẽ giúp Hòa Phát tăng gấp đôi công suất thép dài lên 4 triệu tấn. Trong giai đoạn 2, tập đoàn Hòa Phát dự kiến sản xuất thêm 2 triệu tấn thép cán nóng, khởi công vào tháng 8.2017 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, Hòa Phát sẽ trở thành doanh nghiệp thứ 2 có năng lực sản xuất thép cán nóng sau Formosa.
VNDIRECT ước tính đóng góp của giai đoạn 1 dự án thép Dung Quất vào doanh thu của Hòa Phát là vào khoảng 20-25% tổng doanh thu giai đoạn 2019-2020. Trong giai đoạn 2018-2020, dự báo biên gộp của HPG sẽ tăng khoảng 3,4 điểm phần trăm từ mức bình quân 21,5% trong giai đoạn 2013-2017. Nhờ đó, tăng trưởng lợi nhuận ròng bình quân ước đạt 32,9% trong giai đoạn 2017-2020.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong quý I/2018, tổng sản lượng tiêu thụ của ngành thép Việt Nam đạt 5,7 triệu tấn (tăng 29% so với năm 2017). Sau khi tăng giá thép tăng 18,6% trong năm 2017, giá thép trong nước tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong quý I/2018 với mức tăng 8,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có một sự suy giảm nhẹ kể từ khi bắt đầu từ quý II/2018 sau xu hướng chung của giá thép thế giới. So với cuối năm 2017, giá thép trong nước vẫn tăng khoảng 6,0% so với đầu năm. Dự đoán giá bán trung bình của Tập đoàn Hòa Phát năm 2018 sẽ tiếp tục tăng ở mức 7,0% so với năm trước.
Dự phóng giá mục tiêu của HPG là 47.800 đồng/cổ phiếu dựa trên mức giá bình quân của hai phương pháp định giá: 1) P/E dự phóng 8,7x dựa trên EPS trung bình trong giai đoạn 2018-2019; và 2) định giá DCF trong giai đoạn 5 năm. Các yếu tố rủi ro đối với khuyến nghị bao gồm: 1) giá thép giảm sâu; 2) nguyên liệu đầu vào tăng giá; và 3) các quy định về môi trường ở Việt Nam nghiêm ngặt hơn.
Vũ Phong/NCDT