Doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung không ngừng mở rộng, sở hữu chuỗi bán lẻ vàng bạc trang sức hàng đầu cả nước, trong khi ông chồng Trần Phương Bình khó có cơ hội để thoát khỏi vũng bùn lầy tại DongABank.
Theo kế hoạch, từ ngày 27/11, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ đưa vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á - DongABank (DAB) ra xét xử.
Bị can bị truy tố là ông Trần Phương Bình (59 tuổi), nguyên là tổng giám đốc, nguyên phó chủ tịch HĐQT DongABank… Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) là người có liên quan và bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, chủ tịch HĐQT CTCP Vàng Bạc Phú Nhuận (PNJ) và là vợ bị cáo Trần Phương Bình là một trong những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phải có mặt tại tòa án xử ông Phương Bình.
Trước đây, PNJ có đầu tư vào DongABank và thua lỗ nặng do cổ phiếu ngân hàng này tụt giảm. PNJ đã phải trích lập dự phòng rất lớn đối với khoản đầu tư này. Nhưng kết quả hoạt động kinh doanh vẫn tốt nhờ lợi nhuận cao và sự tăng trưởng về quy mô chuỗi bán lẻ vàng bạc đá quý trang sức, với sự góp vốn của các tổ chức đầu tư lớn.
Năm 2016, sau khi thoát gánh nặng DongABank, PNJ báo đã ghi nhận lợi nhuận quý 3/2016 cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2016 cũng tăng mạnh, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước đó.
Với sự bùng nổ về hệ thống bán lẻ trong thị trường hơn 90 triệu dân với tầng lớp trung lưu phát triển nhanh, cổ phiếu PNJ sau đó liên tục lập đỉnh. PNJ có lúc đã gần tới ngưỡng quy mô vốn hóa tỷ USD.
Chiến lược kinh kinh doanh và tập trung vào chế tác, kinh doanh trang sức cao cấp, đồng thời giảm dần hoạt động kinh doanh vàng miếng bởi đây là mảng đem lại lợi nhuận lớn hơn rất nhiều cho doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, chủ tịch HĐQT PNJ, vợ ông Trần Phương Bình. |
Trong khi PNJ đang sải bước dài, phát triển bùng nổ nhờ năng lực sản xuất và hệ thống phân phối tốt, thì DongABank của cựu TGĐ Trần Phương Bình, chồng bà Dung vẫn gặp khó, từ hoạt động kinh doanh cho đến việc tăng vốn để đáp ứng các yêu cầu mới.
Trong vụ án DongABank, Cơ quan CSĐT Bộ Công an hồi đầu tháng 9 đề nghị truy tố Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) cùng 25 bị can trong vụ án xảy ra tại ngân hàng này.
Vũ Nhôm là cái tên cái tên được nhắc đến trong nhiều thương vụ mua bán nhà đất công tại Đà Nẵng và cả là trong các vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng. Từ một đại gia ngầm thâu tóm đất giá rẻ, Vũ Nhôm luồn sâu vào ngân hàng.
Trong khi đó, PNJ vẫn phát triển khá mạnh. Năm 2017, PNJ đạt lợi nhuận gộp hơn 1,9 ngàn tỷ đồng, chiếm 27% thị phần bán lẻ cả nước.
Hồi đầu 2018, bà Cao Thị Ngọc Dung đã từ nhiệm chức TGĐ PNJ để tập trung vào vai trò chủ tịch HĐQT. PNJ bổ nhiệm ông Lê Trí Thông, anh trai của CEO Facebook Việt Nam làm CEO PNJ thay bà Cao Thị Ngọc Dung.
Ông Lê Trí Thông (1979) cũng từng gia nhập DongABank từ năm 2008 và được được bổ nhiệm phó TGĐ DongABank và chủ tịch HĐQT Công ty Kiều hối Đông Á…
Trong đợt cổ phiếu PNJ giảm giá vài tháng gần đây, bà Cao Thị Ngọc Dung khẳng định không bị ảnh hưởng từ DongABank. PNJ không có liên quan và bị ảnh hưởng gì từ những vấn đề của Ngân hàng Đông Á.
Chủ tịch PNJ khuyến cáo các cổ đông tiếp nhận thông tin thị trường một cách có chọn lọc, không để các thông tin sai lệch, không có cơ sở tác động và làm ảnh hưởng tới quyền lợi.
Tại PNJ, ông Bình không sở hữu cổ phần. Trong khi đó, bà Dung sở hữu 9,3% cổ phần, hai con gái là Trần Phương Ngọc Thảo và Trần Phương Ngọc Giao nắm tổng cộng 5,5% vốn.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực giảm giá vẫn còn khá lớn. VN-Index giảm khá mạnh phiên cuối tuần bất chấp một số cổ phiếu lớn trong đó có Vingroup (VIC), Bảo Việt (BVH)… tăng giá.
Nhóm cổ phiếu thủy sản tiếp tục diễn biến tốt nhờ thuận lợi về xuất khẩu. Cổ phiếu VCG tăng vọt sau phiên SCIC đấu giá thoái vốn đạt giá cao.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co trong vùng 910 - 920 điểm của chỉ số VN-Index. Áp lực bán có dấu hiệu gia tăng ở nhóm Midcaps và Smallcaps sau giai đoạn tăng mạnh trước đó, đặc biệt thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên mức độ phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu vẫn duy trì ở mức cao cho thấy chiến lược đầu tư ngắn hạn vẫn nên chú ý vào xu hướng ở từng cổ phiếu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/11, VN-Index giảm 6,45 điểm xuống 917,97 điểm; HNX-Index giảm 0,24 điểm xuống 104,27 điểm. Upcom-Index giảm 0,29 điểm xuống 51,87 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 3,7 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Theo Vietnamnet