Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Bắt đáy chứng khoán: 'Ai tham lam khi mọi người sợ hãi'?

28/05/2018 11:09

Trao đổi với BizLIVE, các chuyên gia chứng khoán cho rằng thị trường chứng khoán đang trong quá trình tạo 'đáy'.

Câu châm ngôn nổi tiếng của Warrent Buffet: “Hãy tham lam khi mọi người sợ hãi” có vẻ không “thiêng” với nhiều nhà đầu tư. Vì không phải ai cũng có khả năng dò đáy chính xác.

VN-Index thủng mốc 1.000 điểm, “bay hơi” 10 tỷ USD vốn hóa

Trong ngày giao dịch “đỏ lửa” 22/5/2018, lực bán mạnh đã khiến chỉ số VN-Index thủng mốc 1.000 điểm đạt được vào ngày 03/01/2018 sau hơn 10 năm.

Kỳ vọng sự huy hoàng trở lại của thị trường chứng khoán sau 10 năm lẹt đẹt đã gặp phải thử thách khi chỉ số VN-Index kết thúc phiên 22/5 giảm 2,86%, còn 985,91 điểm. Hàng loạt bluechip như VIC, BID, HSG, BVH, CTG… nằm sàn.

Vốn hóa thị trường của HOSE giảm 83.283 tỷ đồng (tương đương 3,67 tỷ USD) xuống 2,988 triệu tỷ đồng (131,7 tỷ USD). Trong rổ VN30 có đến 25 mã giảm mạnh. Chỉ số HNX-Index cũng giảm 2,46% xuống mức 116,72 điểm.

Toàn thị trường nghiêng về bên bán với 95 mã tăng điểm và 388 mã giảm điểm.

Chốt tuần 21/5-25/5/2018, thị trường chứng khoán có tới 04 phiên giảm sâu và chỉ 01 phiên tăng nhẹ.

Vốn hóa thị trường sàn HOSE còn 2,922 triệu tỷ đồng (128,7 tỷ USD), “bay hơi” gần 10 tỷ USD (225.522 tỷ đồng) so với cuối tuần trước đó. Tương ứng với chỉ số VN-Index giảm 7,4%, từ 1.040,54 điểm xuống còn 963,90 điểm.

HNX-Index cũng giảm 5,59% xuống chỉ còn 114,49 điểm. Còn UPCoM-Index giảm 3,82% xuống 53,13 điểm.

Nguồn: HOSE

“Tội đồ” là nhóm ngân hàng hay Top 5 chi phối?

Khi VHM lên sàn và trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường, chiếm tỷ trọng 11% trong VN-Index, và Top 5 cổ phiếu lớn nhất: VHM, VIC, VNM, GAS, VCB (tính đến ngày 22/5/2018) chiếm hơn 40% vốn hóa thị trường. Điều này làm lên lo ngại liệu các mã cổ phiếu lớn có chi phối chỉ số VN-Index.

Chốt phiên ngày thứ Ba "đen tối” 22/5, các cổ phiếu ngân hàng bị coi là “tội đồ” khi BID giảm sàn 7%, vốn hóa thị trường mất sụt 7.521 tỷ đồng; VCB giảm 4,1%, vốn hóa bị thổi bay 8.275 tỷ đồng; CTG giảm 6%, vốn hóa “bay” 6.300 tỷ đồng; còn VPB giảm 4,3%, vốn hóa “bay” 2.995 tỷ đồng...

Tiếp tục kéo dài các phiên giảm điểm, tính đến hết tuần, trong Top 10 mã chứng khoán có vốn hóa lớn nhất, có 03 "ông lớn" ngân hàng là BID, VCB và CTG giảm thê thảm.

Nguồn: HOSE

Cụ thể, BID giảm 16%, còn 27.700 đồng/cp, thổi bay 17.948 tỷ đồng (khoảng 791 triệu USD).

VCB giảm 12%, còn 50.000 đồng/cp, vốn hóa hao hụt 23.385 tỷ đồng (khoảng 1,03 tỷ USD).

CTG giảm 11%, còn 26.150 đồng/cp, vốn hóa “bốc hơi” 12.287 tỷ đồng (541 triệu USD).

Vậy, “tội đồ” là cổ phiếu ngân hàng?

Xét sự tác động của 05 mã chiếm vốn hóa trên 40% toàn thị trường tới chỉ số VN-Index, cho thấy VCB vẫn là quán quân giảm điểm trong nhóm, tuy nhiên VCB chỉ đứng thứ 5 về vốn hóa trong nhóm này, chiếm tỷ trọng 6,13%.

Tiếp đến là “họ nhà Vin” với VIC giảm 13% (bay hơi 1,8 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 9,62%. GAS giảm 8% (bay hơi 817 triệu USD), chiếm tỷ trọng 6,87%. VNM giảm 3% (bay hơi 319 triệu USD), chiếm tỷ trọng 8,21%.

Chỉ riêng 4 cổ phiếu này đã làm thị trường bay hơi 3,97 tỷ USD vốn hóa.

Duy nhất có “người khổng lồ” mới lên sàn là VHM, chiếm tỷ trọng gần 11%, đã tăng giá 6% trong tuần qua, nhưng không thể khiến toàn thị trường "lội ngược dòng".

Trong tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh với 3.400 tỷ đồng trên 2 sàn HOSE và HNX.

Ai tham lam khi mọi người sợ hãi?

Trao đổi với BizLIVE, các chuyên gia chứng khoán nhận định vùng 950-970 vẫn là một vùng kháng cự mạnh với thị trường.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - CTCP Chứng khoán BIDV

“Đến tháng 6/2018 thị trường mới phát tín hiệu tích cực”

Ông Bùi Nguyên Khoa - Ảnh: BizLIVE.

Với giai đoạn tăng nóng của chỉ số, phần lớn nhà đầu tư bán ra cổ phiếu không phải do chịu áp lực giải chấp.

Đợt điều chỉnh sâu của thị trường vừa qua mang tính chất tâm lý do sự thất vọng với hiện tượng cổ phiếu VHM và ảnh hưởng của việc VN-Index để mất ngưỡng 1.000 điểm. Cụ thể, VHM đã có liền những phiên không có thanh khoản và không tạo được ảnh hưởng như kỳ vọng lên chỉ số VN-Index. Trong khi, đó VIC và một loạt mã ngân hàng, dầu khí bị bán ra cũng kích hoạt tâm lý hoảng loạn để chỉ số rời xa khỏi mốc 1.000 điểm.

Thị trường đang dò đáy. Để lấy lại được xu thế tăng, vẫn còn sớm để đưa ra dự báo. Theo tôi, ít nhất phải đến trung tuần tháng 6, thị trường mới có thể phát tín hiệu tích cực hơn do có thêm các thông tin công bố về hoạt động kinh doanh 6 tháng.

Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

“Nhà đầu tư ngoại bán ròng có liên quan tới biến động tài chính toàn cầu”

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Ảnh: BizLIVE.

Thị trường giảm điểm trong thời gian qua có 2 nguyên nhân chính, thứ nhất là nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ròng với số lượng lớn, thứ hai là mức định giá thị trường chứng khoán Việt Nam khá cao.

Tính từ tháng 2/2018 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 10.000 tỷ đồng (440 triệu USD), gấp 2 lần lượng mua ròng trong tháng 1/2018 (chỉ tính giao dịch khớp lệnh). Các cổ phiếu bị bán ròng gồm VIC, VCB, VJC, MSN … là những cổ phiếu các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán, có tác động mạnh đến chỉ số.

Mức định giá (P/E) của thị trường chứng khoán Việt Nam cuối tháng 3/2018 đã lên trên 21 lần, cao hơn nhiều mức P/E trung bình 5 năm qua là 14,6 và trung bình của năm 2016-2017 là 15,4.

Ngoài ra, có mối liên hệ khá rõ ràng giữa việc nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng từ tháng 2/2018 với những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.

Chúng tôi đã có phân tích và dự báo về xu hướng này tại Báo cáo dòng vốn toàn cầu tháng 3/2018.

Từ tháng 3 đến nay, những rủi ro chúng tôi đề cập đã ngày càng hiện rõ. Nguy cơ chiến tranh thương mại gia tăng cùng với rủi ro thắt chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ nhanh hơn so với dự kiến đã khiến giới đầu tư thế giới phải thay đổi chiến lược theo hướng rút vốn ở các kênh đầu tư mạo hiểm, trong đó có việc đầu tư ở thị trường mới nổi.

Dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là một ẩn số lớn không chỉ với Việt Nam mà với toàn bộ các thị trường mới nổi khác. Lãi suất tại Mỹ và giá trị đồng USD vẫn còn có thể tiếp tục tăng trong những tháng sắp tới làm ảnh hưởng tới chi phí vốn và giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc có nhiều doanh nghiệp mới lên niêm yết cũng khiến các quỹ phải cơ cấu lại danh mục theo hướng bán bớt các cổ phiếu sẵn có.

Sau một thời gian giảm điểm, mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa xuống ngưỡng được coi là rẻ để tạo sức hút với cả nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước.

Điểm tích cực là những yếu tố cơ bản nội tại của vĩ mô Việt Nam vẫn rất chắc chắn, vì vậy khi nhà đầu tư nước ngoài phải bán cổ phiếu do những lý do khách quan ngoài Việt Nam, rất có thể đây là cơ hội để nhà đầu tư trong nước mua được cổ phiếu giá rẻ với mục đích đầu tư cho dài hạn.

Cao Minh Hoàng, Giám đốc Đầu tư Quỹ IPAAM

“Nếu thông tin bất lợi, đáy sẽ sớm được xác định”

Ông Cao Minh Hoàng - Ảnh: TG

Ở thời điểm hiện tại tôi cho rằng yếu tố giá xăng dầu tăng cao, kéo theo một loạt các chi phí đầu vào khác đang được phản ánh một phần vào thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, tỷ giá chưa phải là điều giới đầu tư lo lắng vào lúc này.

Điểm số của VN-Index là thước đo phản ánh tổng quan tất cả các cổ phiếu cấu thành trong đó, vì vậy mốc điểm số nào là đáy cũng chỉ mang tính thời điểm, chỉ áp dụng trong một khung thời gian hữu hạn.

Ý kiến cá nhân của tôi đây là vùng đáy sẽ xác lập trong 1-2 quý tới, tuy nhiên quá trình tạo đáy vẫn tiếp tục diễn ra và cần thêm thời gian để xác định. Nếu có thông tin bất lợi diễn ra trong thời gian tới thì có thể đáy sẽ sớm được xác nhận.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển rất nhanh trong hơn 10 năm qua, vốn hóa thị trường đã tăng gần 100 lần, mở room 49% đòi hỏi các nhà đầu tư phải có kiến thức, có kỷ luật đầu tư để có thể duy trì một tỷ suất lợi nhuận ngang bằng VN-Index chứ chưa nói đến sinh lời vượt trội đà tăng của chỉ số này.

Nhà đầu tư cá nhân nên quen dần với việc ủy thác đầu tư cho một trong những quỹ đầu tư uy tín và có lịch sử lợi nhuận vượt trội mức sinh lời của VN-Index để tránh rủi ro cao và bị tâm lý thái quá.

Theo M.HƯƠNG-H.QUÂN-T.THÚY-L.ANH/Bizlive