Bị từ chối visa sang Mỹ tới 8 lần, 22 năm sau người đàn ông nhập cư này trở thành tỷ phú mới nhất làng công nghệ, CEO của startup 20 tỷ USD

05/07/2019 14:12

Với việc sở hữu 20% cổ phần công ty, Eric Yuan đã trở thành tỷ phú mới nhất của làng công nghệ khi lượng cổ phần này trị giá gần 3 tỷ USD.


Với việc sở hữu 20% cổ phần công ty, Eric Yuan đã trở thành tỷ phú mới nhất của làng công nghệ khi lượng cổ phần này trị giá gần 3 tỷ USD.

Kể từ khi thành lập năm 2011 bởi Eric Yuan đến nay, công ty cung cấp giải pháp họp trực tuyến Zoom đã có hơn 2.000 nhân viên, đạt hơn 120 triệu USD doanh thu hàng quý, vốn hóa thị trường đạt mức trên 20 tỷ USD và kinh doanh có lãi.

Nhà sáng lập Zoom, tỷ phú Eric Yuan từng gặp rất nhiều khó khăn để thành công như ngày hôm nay. Trước đây, ông từng bị từ chối visa sang Mỹ tới 8 lần. Tuy nhiên, người đàn ông này vẫn không nản chí và cuối cùng cũng xin visa thành công năm 1997.

Sau đó, ông làm công việc xây dựng hệ thống họp trực tuyến và nhanh chóng trở thành người đứng đầu bộ phận kỹ sư của WebEx. Vài năm sau, ông nảy ra ý tưởng thành lập Zoom sau khi nhớ về quãng thời gian di chuyển liên tục 10 tiếng để gặp bạn gái hồi đại học. Khi đó, mong muốn của ông là có một thiết bị thông minh giúp hai người trò chuyện và nhìn thấy nhau chỉ bằng một cú nhấp chuột.

Giờ đây, sau khi IPO, Zoom đã đạt được giá trị thị trường khổng lồ cùng hàng trăm triệu USD trong ngân hàng để tiếp tục phát triển. Còn Eric Yuan, với việc sở hữu 20% cổ phần công ty đã trở thành tỷ phú mới nhất của làng công nghệ khi lượng cổ phần này trị giá gần 3 tỷ USD.

Bị từ chối visa sang Mỹ tới 8 lần, 22 năm sau người đàn ông nhập cư này trở thành tỷ phú mới nhất làng công nghệ, CEO của startup 20 tỷ USD - Ảnh 1.

Eric Yuan và cộng sự trong sự kiện IPO của Zoom.

Mới đây, Eric Yuan đã chia sẻ với Entrepreneur về 6 nguyên tắc quan trọng giúp ông xây dựng và phát triển Zoom:

1. Có chuyên môn sâu

Từng là một chuyên gia tại WebEx, Yuan đã tích lũy được kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong lĩnh vực kết nối qua video trong hơn 10 năm trước khi thành lập Zoom.

Ông kể lại: "Sau khi WebEx tăng trưởng từ con số 0 lên hơn 700 triệu USD, công ty được bán lại cho Cisco. Đội ngũ nhân viên của WebEx đã mất đi niềm đam mê với công việc và rời đi vì sự hợp nhất của hai công ty khiến họ không cảm thấy thoải mái. Từ đây, tôi nhận ra rằng mình phải tiếp tục làm việc chăm chỉ để đem lại sự hài lòng cho khách hàng và bản thân tôi mới chính là người có thể kiểm soát vận mệnh của mình".

Bị từ chối visa sang Mỹ tới 8 lần, 22 năm sau người đàn ông nhập cư này trở thành tỷ phú mới nhất làng công nghệ, CEO của startup 20 tỷ USD - Ảnh 2.

Zoom giúp các cuộc họp nhóm diễn ra dễ dàng hơn.

2. Mạo hiểm

Năm 2011, Yuan là người đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh sau khi Cisco thâu tóm WebEx. Thời điểm đó, ông quản lý hơn 800 nhân viên và nhận mức lương hậu hĩnh. Vợ ông đã hỏi liệu ông có muốn bỏ việc để khởi nghiệp hay không và ông trả lời không biết Zoom sẽ ra sao trong tương lai nhưng ông biết chắc chắn rằng đã đến lúc nghỉ việc tại WebEx.

Yuan chia sẻ: "Hàng ngày, tôi nói chuyện với khách hàng tại WebEx và họ không ngừng phàn nàn về dịch vụ của chúng tôi. Tôi cảm thấy điều này thật khủng khiếp và nặng nề. Việc tôi muốn làm là dành thời gian để đem lại sự hài lòng cho khách hàng".

Thị trường gọi video trực tuyến đã trở nên sôi động vào khoảng năm 2011 và bạn bè của Yuan đã khuyên ông không nên mở công ty trong lĩnh vực này. Mặc dù vậy, ông bỏ ngoài tai tất cả để thành lập Zoom. Đến nay, sự mạo hiểm của Yuan đã được đền đáp xứng đáng khi công ty do ông sáng lập đạt giá trị thị trường 20 tỷ USD.

3. Quan tâm đến trải nghiệm khách hàng

Một trong những nguyên nhân giúp Zoom tăng trưởng siêu tốc trong vài năm qua là vì Yuan thực sự quan tâm tới khách hàng. Trong khi nhiều nhà sáng lập startup khác chỉ tập trung vào marketing để làm nổi bật tên tuổi công ty thì Yuan lại tin rằng việc "khiến khách hàng cảm thấy hài lòng là chiến lược tăng trưởng số 1 của Zoom. Nếu người dùng hiện tại hài lòng, họ sẽ giới thiệu nền tảng của chúng tôi cho người dùng mới".

4. Đảm bảo cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Yuan tiết lộ ông chưa từng vắng mặt trong bất cứ sự kiện thể thao nào mà các con của ông tham gia thi đấu. Ông tiết lộ: "Tôi không đi công tác thường xuyên, chỉ khoảng 2 lần/năm. Khi khách hàng muốn gặp tôi trực tiếp, tôi sẽ nói rằng hãy gặp đại diện của Zoom trước, nếu mọi việc không ổn, tôi mới gặp họ. Đó là cách tôi có thể dành thời gian cho lũ trẻ.

Tôi tin rằng khi bạn quan tâm sâu sắc đến những việc mình đang làm, khái niệm "cân bằng giữa công việc và cuộc sống" trở nên không quá nặng nề".

Bị từ chối visa sang Mỹ tới 8 lần, 22 năm sau người đàn ông nhập cư này trở thành tỷ phú mới nhất làng công nghệ, CEO của startup 20 tỷ USD - Ảnh 3.

Theo Yuan, khi bạn quan tâm sâu sắc đến những việc mình đang làm, khái niệm "cân bằng giữa công việc và cuộc sống" sẽ trở nên không quá nặng nề.

5. Đam mê

Một trong những điều khiến người khác ấn tượng nhất ở Yuan là niềm đam mê mãnh liệt của ông. CEO của Zoom không ngại dành thời gian để trò chuyện qua lại với khách hàng trên Twitter.

Đây là đặc điểm giúp "định hình" con người Yuan: Đam mê của ông không bắt nguồn từ số tiền kiếm được mà từ sự hài lòng của khách hàng. Điều này thể hiện rõ trong cách Yuan tích cực tương tác với người dùng. Ông thường đề nghị họ góp ý trực tiếp để nâng cao chất lượng dịch vụ của Zoom.

Yuan nói: "Khi thấy một khách hàng cần giúp đỡ hoặc không hài lòng, tôi đều muốn giúp họ có trải nghiệm tốt hơn. Tôi rất say mê khách hàng của mình, họ là những người sẽ đem lại hạnh phúc cho tôi về lâu dài".


Gia Vũ

Theo Trí Thức Trẻ/Entrepreneur