Đang có một công việc ổn định đem lại thu nhập 30 triệu/tháng với vị trí quản lý cho một công ty bất động sản nhưng Hảo vẫn chọn từ bỏ công việc “bàn giấy” để theo nghề làm thợ mộc, quanh năm đục đẽo.
Chị Nguyễn Thị Hảo (28 tuổi, ở Đan Phượng, Hà Nội) đã lập gia đình và có một người con nhỏ. Trước đây, Hảo cũng theo học và tốt nghiệp trường Đại học Kiến Trúc, ra trường có công việc ổn định với thu nhập 30 triệu đồng/tháng.
Từ bỏ công việc "bàn giấy" với mức lương 30 triệu đồng/tháng, chị Hảo trở về làm nghề mộc để tiếp tục theo đuổi đam mê của bản thân và làm cho bố vui.
Đối với một người phụ nữ đã có gia đình, một con nhỏ, mức thu nhập 30 triệu/tháng không hề nhỏ. Tuy nhiên, chị đã từ bỏ tất cả để theo nghề làm mộc khiến ai cũng phải ngỡ ngàng.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, có bố làm nghề thợ mộc, mẹ làm ruộng. Hảo được tiếp xúc với những dụng cụ làm mộc từ khi còn nhỏ nhưng chưa bao giờ cô nghĩ sẽ làm việc này.
Chị luôn đạt nhân viện xuất sắc trước khi về làm mộc.
Khi Hảo lên lớp 10, bố chị bị tai biến nên không thể tiếp tục theo nghề làm mộc. Không còn ai nối nghiệp, xưởng mộc nhỏ của gia đình cũng được dỡ bỏ để xây chuồng trại chăn nuôi.
Gia đình kinh tế khó khăn, Hảo thi đỗ đại học nhưng phải tự bươn chải làm thêm đủ việc để kiếm sống.
Ban đầu khi mới bắt đầu nghề mộc, chị nhận được sự phản đối gay gắt từ gia đình.
Ngày tháng trôi đi, Hảo nhận thấy bố của mình vẫn luyến tiếc với nghề mộc nhưng sức khoẻ không cho phép. Đến năm 4 đại học, Hảo bắt đầu tự tìm hiểu về nghề mộc, tự học hỏi các kiến thức cơ bản về nghề mộc.
Dần dần, chị tự tay cưa gỗ, đóng những chiếc bàn, ghế nhỏ. Khi đã nắm kiến thức cơ bản, chị đóng thêm những giá sách và các đồ chơi thủ công cho trẻ em.
Sau nhiều cố gắng, chị Hảo cũng thuyết phục được chồng và người thân.
Chị tự đi chở vật liệu về để sáng chế làm những món đồ chơi dành cho trẻ em.
Xưởng sản xuất đồ mộc của chị Hảo.
Tốt nghiệp ra trường với thành tích học tập tốt, Hảo xin được công việc phù hợp và đúng với chuyên nghành tại một công ty bất động sản. Khi đó, Hảo cân nhắc nhiều nhưng rồi cô quyết định tạm gác lại nghề mộc, đi làm kiếm tiền còn nuôi em, phụ giúp mẹ chữa bệnh cho bố. Cố gắng trong công việc, Hảo đạt được nhiều thành tích tốt tại công ty và được làm quản lý với mức lương hấp dẫn.
Bước ngoặt cuộc sống của chị vào đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty nơi Hảo làm việc cho nhân viên tạm nghỉ. Trong khoảng thời gian này, Hảo suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định viết đơn xin nghỉ việc, để quay về với đam mê làm nghề mộc.
Những sản phẩm đầy tính sáng tạo và đẹp mắt do chị Hảo sáng tạo.
Những mảnh gỗ thô ráp sau khi qua bàn tay chị Hảo đều trở thành những đồ chơi, vật trang trí vô cũng đáng yêu, ngộ nghĩnh.
Bắt đầu với nghề từ 2 bàn tay trắng, Hảo mua sắm cưa, đục rồi các máy móc hiện đại. Mỗi khi không biết cách sử dụng, vận hành, cô lại lên mạng tìm hiểu và học hỏi những người đi trước.
"Là phụ nữ làm mộc đương nhiên khó khăn rồi, những lúc máy móc hỏng không biết sửa. Rồi khi gặp những cây gỗ to, nặng phải nhờ người vận chuyển giúp mới về được tới nhà", Hảo tâm sự về những khó khăn của mình.
Những tạo hình đơn giản nhưng vô cùng đẹp mắt, chất liệu an toàn.
Chị Hảo tận dụng mọi mẩu gỗ thừa để làm ra những sản phẩm đẹp mắt.
Xưởng mộc không lớn, chị Hảo tận dụng một cái chuồng gà cũ để làm xưởng. Chị có thói quen tận dụng tối đa những nguyên liệu có thể để tiết kiệm chi phí: "Làng tôi có 4-5 nhà làm mộc, đều là anh em quen biết nên tôi đến xin lại những loại gỗ thừa về để tái chế làm sản phẩm", chị Hảo chia sẻ.
Nghề mộc vốn là một nghề đòi hỏi sức khoẻ tốt, phù hợp với đàn ông nhưng chị Hảo lại tỏ ra không mấy bận tâm vì điều đó. Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về lựa chọn lạ thường của chị Hảo nhưng chị chỉ cười và nói: "Chọn vì đam mê".
Các sản phẩm sẽ được chị Hảo tạo hình trước khi đục đẽo.
Chú vịt gỗ đáng yêu.
Những mẩu gỗ nhỏ sẽ được tận dụng làm bảng chữ cái, ghép chữ...
Nói là vậy nhưng ít ai hiểu được trong sâu thẳm suy nghĩ của chị vẫn có những lý do đặc biệt hơn chứ không hẳn là chỉ vì đam mê. Bố chị Hảo đã theo nghề làm mộc từ khi còn trẻ với đầy lòng nhiệt huyết. Bạo bệnh ập đến cướp đi sức khoẻ trong lúc ông còn rất yêu và nhiệt huyết với nghề. Chính vì vậy, chị Hảo quyết định sẽ làm mộc để hàng ngày bố mình được nghe tiếng cưa, tiếng đục thân thuộc. Tất cả chỉ cần thấy bố vui là chị đủ mãn nguyện.
"Từ ngày tôi làm mộc, bố vui lắm. Bố bị tai biến nhưng vẫn đi lại được, hàng ngày bố dùng kinh nghiệm của mình chỉ dạy tôi để làm ra những sản phẩm sắc nét hơn", chị Hảo tâm sự.
Chị Hảo cũng tự tô màu cho các tác phẩm của mình.
Dù công việc không đem lại thu nhập cao như trước đây như được làm công việc mình yêu thích và làm cho bố vui nên chị Hảo rất hài lòng.
Khi mới bắt đầu khỏi nghiệp với nghề mộc, chồng chị Hảo cũng phản đối gay gắt nhưng với đam mê và quyết tâm của mình chị đã thuyết phục được chồng và những người thân trong gia đình. Các sản phẩm từ gỗ vô cùng tinh xảo và được trang trí đẹp mắt cũng dần chiếm được thiện cảm của mọi người.
Giờ đây, dù công việc không còn đem lại thu nhập cao như trước đây nhưng chị Hảo vô cùng vui vẻ vì được làm công việc mình thích, đam mê và quan trọng hơn cả là hàng ngày chị được nhìn thấy bố vui vẻ.
Long Quyền
Tổ quốc