Bộ Tài Chính vừa công bố văn bản tổng hợp báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ, với trọng tâm đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Về kết quả giám sát tài chính, theo báo cáo này, tính đến 01/9/2021, vẫn còn 02/20 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chưa gửi và gửi đầy đủ Báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Trong đó, Bộ Công Thương (chưa gửi báo cáo) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) (gửi thiếu) là hai đơn vị còn thiếu báo cáo, trực tiếp được nêu tên.
Với UBQLVNN, Bộ Tài chính cho biết đơn vị này đã gửi báo cáo của 15/19 doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. 4 đơn vị còn thiếu báo cáo giám sát gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng san Việt Nam (VINACOMIN) và CTCP Lương thực miền Nam.
Theo đơn vị tỉnh/thành, còn 02/63 UBND tỉnh/thành chưa gửi báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp là TP.HCM và Cao Bằng.
Về đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp, còn 03/18 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chưa gửi và gửi đầy đủ báo cáo này.
Trong đó, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hai đơn vị chưa có báo cáo; UBQLVNN tiếp tục là đơn vị có báo cáo chưa đầy đủ (mới nộp báo cáo của 5/12 doanh nghiệp).
Theo đơn vị tỉnh/thành, còn 02/63 UBND tỉnh/TP chưa gửi báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp. Cũng tiếp tục là TP.HCM và Cao Bằng.
Như vậy, báo cáo Thủ tướng, bức tranh mà Bộ Tài chính vừa định hình vẫn còn khuyết và có cả ẩn số khi không xác định được cụ thể.
Đa số có lãi, thiểu số lỗ lũy kế nhiều
Dựa trên số liệu của 145 doanh nghiệp đã có báo cáo, Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu năm 2020 của các doanh nghiệp do nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ là 1,015 triệu tỷ đồng.
Trong đó, riêng doanh thu của các doanh nghiệp do UBQLVNN làm đại diện chủ sở hữu là 628 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 62% tổng doanh thu. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng làm đại diện chủ sở hữu là 198 nghìn tỷ đồng, chiếm 20% tổng doanh thu.
Đáng chú ý, tổng doanh thu của các đơn vị do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm đại diện chủ sở hữu là 135 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,3% tổng doanh thu. Đây là điểm mới của kỳ báo cáo 2020 bởi trong các năm trước Bộ Tài chính không tổng hợp số liệu báo cáo của các ngân hàng do NHNN làm đại diện chủ sở hữu vì NHNN báo cáo đây là nội dung mật.
Một số doanh nghiệp có doanh thu lớn trong năm 2020 được Bộ Tài chính nhắc đến gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 322 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là 132, 8 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) là 101,5 nghìn tỷ đồng.
Trái ngược với những đơn vị có lợi nhuận cao như Viettel (30,7 nghìn tỷ đồng), PVN (15 nghìn tỷ đồng), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) với 10,5 nghìn tỷ đồng, cũng có một số DNNN làm ăn không hiệu quả, có số lỗ năm 2020 lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, hai cái tên nổi bật là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) chiếm tới 98,5% tổng số lỗ phát sinh 2,5 nghìn tỷ đồng năm 2020 của các DNNN. Trong đó, VNR chiếm số lỗ 1,3 nghìn tỷ và VINACHEM góp lỗ 1,1 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, tổng số lỗ lũy kế đến năm 2020 của các DNNN là 4,5 nghìn tỷ đồng thì hai doanh nghiệp trên cũng đóng góp tới 95% khoản lỗ với 2,9 nghìn tỷ đồng lỗ lũy kế của VINACHEM và 1,3 nghìn tỷ đồng của VNR.
Theo báo cáo giám sát của Bộ Tài chính, trong số 145 DNNN được thống kê nói trên có 135 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 09 doanh nghiệp kinh doanh lỗ.
Có 7 doanh nghiệp báo cáo có số nợ quá hạn là 2,2 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng VINACHEM nợ quá hạn 2 nghìn tỷ đồng.
Trong 145 DNNN này, có 48 đơn vị được đánh giá an toàn về tài chính, 06 đơn vị bị đánh giá mất an toàn và 10 đơn vị có dấu hiệu mất an toàn. Các đơn vị còn lại chưa được chủ sở hữu tổng hợp, đánh giá.
Ngoài ra, kết quả báo cáo giám sát tài chính nói trên vẫn chưa phải đầy đủ, do một số đầu mối và nhiều doanh nghiệp chưa được chủ sở hữu tổng hợp, đánh giá, báo cáo gửi về Bộ Tài chính. Có trường hợp thậm chí không có số liệu về lợi nhuận/lỗ (Công ty TNHH MTV Hacota).
Ở khối doanh nghiệp có vốn nhà nước, Bộ Tài chính cho biết tổng số lỗ phát sinh trong năm 2020 là 10,2 nghìn tỷ đồng; trong đó lỗ lớn nhất là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) với 8,8 nghỉn tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng lỗ 823 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực miền Nam lỗ 271,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) lỗ 256 tỷ đồng.
Theo đó, tổng lỗ lũy kế đến năm 2020 của khối doanh nghiệp này đã lên 14,8 nghìn tỷ đồng, với trọng số ở Vietnam Airlines (8,8 nghìn tỷ), VSTV (3,6 nghìn tỷ), Tổng công ty Hàng hải (1,1 nghìn tỷ), Tổng công ty Sông Hồng (1,03 nghỉn tỷ đồng).