Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Các đại gia Việt nắm cổ phần hãng hàng không của mình ra sao?

30/12/2019 11:26

Ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trịnh Văn Quyết đang hoặc sắp tham gia kinh doanh trong ngành hàng không theo cách riêng.

Ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trịnh Văn Quyết đang hoặc sắp tham gia kinh doanh trong ngành hàng không theo cách riêng.

Vietjet Air làm nên tên tuổi bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Bamboo Airways cất cánh đã chứng minh ông Trịnh Văn Quyết không hề nói suông trong tuyên bố sẽ làm hàng không.

Ngành hàng không còn tiếp tục dậy sóng sau thông tin Vingroup sẽ "tham chiến" thị trường hàng không với Vinpearl Air. Dù cùng sở hữu hãng bay nhưng mỗi tỷ phú lại có cách nắm cổ phần rất khác nhau.

Bà Thảo và cơ ngơi Vietjet

Hiện bà Nguyễn Thị Phương Thảo là cổ đông lớn thứ hai của Vietjet Air với mức nắm giữ 8,8% cổ phần hãng bay. Tính theo thị giá của cổ phiếu Vietjet Air chiều 27/12, lượng cổ phần mà bà Thảo nắm giữ tại hãng có giá trị hơn 6.800 tỷ đồng.

Bà Thảo đang trực tiếp nắm cổ phần không nhỏ của Vietjet Air và gián tiếp sở hữu hãng bay này thông qua nhiều pháp nhân. Ảnh: Hải An.

Không chỉ nắm cổ phần trực tiếp, bà Thảo còn có ảnh hưởng tại Vietjet Air thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny, Sovico Holdings và Ngân hàng HDBank. Ba doanh nghiệp này đều trong nhóm 4 cổ đông lớn nhất của Vietjet Air và đều có liên hệ mật thiết với nữ tỷ phú USD duy nhất của Việt Nam.

Hướng Dương Sunny là công ty đầu tư thuộc sở hữu của bà Thảo, hiện nắm tới 28,6% cổ phần của Vietjet Air.

HDBank và Sovico Holding, lần lượt nắm 5% và 7,6% cổ phần hãng bay. Đây cũng đều là những doanh nghiệp mà bà Thảo là lãnh đạo chủ chốt và nắm cổ phần không nhỏ.

Vừa là CEO lại vừa là cổ đông trực tiếp và gián tiếp có quyền chi phối lớn, nữ tỷ phú hàng không hiện nắm quyền quyết định mọi hoạt động của hãng bay.

Forbes đánh giá bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2019. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất khởi nghiệp, điều hành một hãng hàng không thương mại lớn.

Ông Phạm Nhật Vượng không trực tiếp nắm Vinpearl Air

Dù là người được truyền thông gắn mác ông chủ của hãng hàng không Vinpearl Air, người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng lại không có cổ phần trực tiếp tại hãng.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ quý II/2019, Vingroup đã khẳng định là chủ sở hữu của pháp nhân Công ty CP Hàng không Vinpearl Air với việc ghi nhận đang nắm giữ 80% tỷ lệ biểu quyết và 51,65% tỷ lệ lợi ích tại Vinpearl Air.

Theo đó, nhiều khả năng Công ty CP Vinpearl đã nắm giữ 80% cổ phần của Vinpearl Air. Do Vingroup đang nắm giữ 64,56% tỷ lệ lợi ích tại Vinpearl, Vingroup gián tiếp nắm giữ 51,65% tỷ lệ lợi ích tại Vinpearl Air.

Ông Phạm Nhật Vượng, trực tiếp và gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư cũng như người thân, vẫn là cổ đông lớn nhất của Vingroup và có quyền chi phối lớn nhất tới doanh nghiệp này. Gián tiếp thông qua Vinpearl, ông Vượng có tỷ lệ biểu quyết và tỷ lệ lợi ích không nhỏ tại Vinpearl Air.

Nhiều nguồn tin cũng khẳng định các cổ đông góp vốn tại Vinpearl Air cũng là nhân sự cấp cao tại Vingroup và các công ty thành viên, có thời gian dài đồng hành cùng ông Phạm Nhật Vượng.

Ông Trịnh Văn Quyết vẫn nắm chắc Bamboo Airways

Việc Bamboo Airways thay đổi mô hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về việc công ty CP Tập đoàn FLC không sẽ phải chia sẻ quyền biểu quyết với ít nhất hai cổ đông mới. Điều này đồng nghĩa việc kinh doanh của Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) sẽ không còn toàn quyền do ông Trịnh Văn Quyết định đoạt.

Tuy nhiên, theo hồ sơ xin cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của hãng, có thể thấy ông Trịnh Văn Quyết vẫn nắm rất chắc Bamboo Airways trong tay.

Hồ sơ xin cấp phép lại của Bamboo Airways ghi nhận hãng hiện hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với với 3 cổ đông, bao gồm Công ty CP tập đoàn FLC với số vốn góp 1.300 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết với số vốn góp 897,8 tỷ đồng và ông Đặng Tất Thắng với số vốn góp 2,2 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ hiện là 2.200 tỷ đồng.

Như vậy, ông Trịnh Văn Quyết nắm trực tiếp tới 40,8% cổ phần của hãng bay. Bên cạnh đó, ông cũng có quyền chi phối không nhỏ với 59% cổ phần hãng bay do Tập đoàn FLC nắm giữ do ông là cổ đông lớn và là Chủ tịch của doanh nghiệp này.

Cổ đông còn lại của Bamboo Airways là ông Đặng Tất Thắng, hiện cũng là Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC với lượng cổ phiếu nắm giữ rất nhỏ.

Hiện quyền chi phối Bamboo Airways nằm hoàn toàn trong tay ông Quyết và Tập đoàn FLC. Nhưng để mở rộng quy mô hãng bay, ông Quyết và FLC đã tuyên bố sẽ chào bán cổ phần của Bamboo Airways và sẵn sàng mời gọi những nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm làm hàng không để chia sẻ sở hữu.

Ngô Minh

Theo Zing