Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Các ông lớn địa ốc đang vay nợ ra sao?

25/09/2021 14:24

Để đảm bảo nguồn vốn tài trợ và phát triển dự án, bên cạnh vốn vay từ ngân hàng, loạt doanh nghiệp bất động sản cũng đã thường xuyên tìm đến kênh trái phiếu với số lượng phát hành ngày một gia tăng.

Screen Shot 2021-09-24 at 9.20.31 PM

Ảnh: Trọng Hiếu

Theo thống kê, 20 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất trên sàn chứng khoán tính tới cuối tháng 6/2021 có số dư vay nợ tài chính 286.863 tỷ đồng, tăng 7% so với con số vay nợ đầu năm.

Xét về quy mô nợ vay, dẫn đầu là VIC với 138.172 tỷ đồng, gồm vay tín dụng (79.703 tỷ đồng), và phát hành trái phiếu (56.143 tỷ đồng). CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) là đối tác chính khi thu xếp phát hành 42.330 tỷ đồng trái phiếu cho VIC.

Đứng thứ hai trong danh sách là NVL với nợ vay 51.302 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2020, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản lên đến 77%, nằm trong top những doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên, vay và nợ thuê tài chính dài hạn đã giảm gần 4% so với cuối năm 2020 do thanh toán các khoản nợ vay, mua lại trái phiếu từ gói trái phiếu chuyển đổi quốc tế.

VHM cũng là cái tên đáng chú ý khi vay nợ đến cuối tháng 6/2021 là 22.861 tỷ đồng. BCM đứng thứ tư với 16.052 tỷ đồng, tăng 8% so với con số đầu năm.

Screen Shot 2021-09-25 at 8.25.24 AM

Nếu xét về tốc độ tăng trưởng nợ vay thì CRE dẫn đầu với số dư 2.136 tỷ đồng, tăng 160% so với hồi đầu năm, trong đó BIDV là chủ nợ lớn nhất với khoản tiền lên đến 873,3 tỷ đồng, lãi suất cho vay dao động từ 5,1-8%/năm. 

Đối với KBC, bài toán nợ vay cũng là vấn đề mà ông lớn này cần lưu tâm. Theo đó, nợ vay đến cuối tháng 6/2021 của KBC là 7.490 tỷ đồng, tăng 30% so với hồi đầu năm. Chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) với 2.500 tỷ đồng, lãi suất 11,5%/năm.

Còn tại KDH, gánh nặng nợ vay cũng tăng hơn 40% so với đầu năm, lên mức 2.589 tỷ đồng, thêm vào đó công ty cũng ghi nhận âm 843 tỷ đồng tiền từ hoạt động kinh doanh, trong khi cùng kỳ dương 454 tỷ đồng.

Về phần mình, các doanh nghiệp bất động sản nằm trong top báo lãi lớn nhất cũng đẩy mạnh vay nợ trong thời gian qua như DXG vay nợ 6.974 tỷ đồng; HDG vay nợ 6.588 tỷ đồng; SNZ vay 5.289 tỷ đồng,…Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp khác lại chủ động giảm tỷ trọng nợ vay, song con số nợ vẫn ở mức cao như VRE giảm vay nợ từ 5.726 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 3.148 tỷ đồng tại ngày 30/6, hay FLC cũng giảm 10% nợ vay xuống còn 5.841 tỷ đồng.

Bên cạnh vay ngân hàng thì trái phiếu cũng là kênh được các doanh nghiệp bất động sản thường xuyên sử dụng để huy động vốn bởi quy mô rất lớn của thị trường này.

Theo thống kê của SSI Research, trong quý II/2021, các doanh nghiệp phát hành 164.000 tỷ đồng trái phiếu, gấp 3,66 lần lượng phát hành trong quý I/2021 và tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 89% là phát hành riêng lẻ trong nước. Có 2.000 tỷ đồng (chiếm 1,2% tổng lượng phát hành) phát hành ra công chúng của KBC và CTCP Glexhomes; Có ba doanh nghiệp đã niêm yết trái phiếu ở thị trường quốc tế với tổng quy mô vốn 1 tỷ USD gồm Vingroup (500 triệu USD), Bim Land (200 triệu USD) và Novaland (300 triệu USD).

Theo Khánh An/Nhà đầu tư
Bạn đang đọc bài viết "Các ông lớn địa ốc đang vay nợ ra sao?" tại chuyên mục Chuyện thương trường.