Chiếm 65% sản lượng ngành thuốc lá, triển vọng Vinataba ra sao?

12/07/2018 14:45

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường thuốc lá điếu nội tiêu có dấu hiệu tăng trưởng trong nửa đầu năm 2018. Xu hướng chuyển dịch từ phân khúc phổ thông lên phân khúc trung cấp do nhu cầu của người tiêu dùng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng sản xuất thuốc lá bao các loại đạt 2,8 tỷ bao, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Vinataba chiếm 65% sản lượng thuốc lá cả nước

Theo báo cáo của Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba), thị trường tiêu thụ thuốc lá điếu trong nước có phần ổn định trở lại sau giai đoạn điều chỉnh giá bán theo quy định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) từ đầu năm 2016.

Cụ thể, thuế đã tăng lên mức 70% từ 1/1/2016, đồng thời phí đóng góp cho Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá cũng tăng lên mức 1,5% kể từ 1/5/2016.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường thuốc lá điếu nội tiêu có dấu hiệu tăng trưởng trong nửa đầu năm 2018. Xu hướng chuyển dịch từ phân khúc phổ thông lên phân khúc trung cấp do nhu cầu của người tiêu dùng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng sản xuất thuốc lá bao các loại đạt 2,8 tỷ bao, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng 2018 của Vinataba, sản lượng của tổng công ty ước đạt 1,83 tỷ bao; như vậy công ty đầu ngành này chiếm hơn 65% sản lượng của cả nước.

Bộ Công Thương nhận định, theo chu kỳ hàng năm, sức mua của thị trường trong nước 6 tháng cuối năm sẽ tăng so với đầu năm do cuối năm có nhiều dịp lễ, hội. Tuy nhiên, ngành thuốc lá vẫn gặp phải nhiều khó khăn do mức độ cạnh tranh trong ngành tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

Cùng với đó, tình trạng buôn bán thuốc lá lậu tại một số địa phương có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, thuế suất thuế TTĐB tiếp tục tăng từ 1/1/2019 và suất tính Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ được điều chỉnh tăng từ 1/5/2019 sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu giá sản phẩm và việc ổn định thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, ngành thuốc lá cũng gặp nhiều khó khăn về vùng nguyên liệu dần thu hẹp, các sản phẩm thay thế thuốc lá truyền thống xuất hiện, việc tuyên truyền mạnh mẽ của Vinacosh và cơ quan truyền thông về tác hại của thuốc lá đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng…

Gặp khó nhưng vẫn lãi nghìn tỷ

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, Vinataba đưa ra kế hoạch kinh doanh 2018 với con số doanh thu 24.712 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.454 tỷ đồng, đều giảm mạnh so với thực hiện 2017.

Vinataba vẫn có doanh thu tỷ đô trong các năm qua.

Việc các chỉ tiêu nhuận 2018 suy giảm là do tổng công ty sẽ không thu được khoản lợi nhuận bất thường từ hoạt động thoái vốn tại các CTCP Bánh kẹo Hải Hà, Thực phẩm Hữu Nghị, Vina Alliance như năm 2017. Và do đó, Vinataba cũng không còn đóng góp của mảng bánh kẹo vào doanh thu.

Kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2018 của Vinataba thể hiện khá đúng với những dự báo. Tổng doanh thu nửa đầu năm là 11.878 tỷ đồng, thực hiện 48% kế hoạch năm. Sản lượng tiêu thụ là 1,83 tỷ bao cũng hoàn thành 48% kế hoạch (không có sản phẩm bánh kẹo).

Vinataba sản xuất 1,83 tỷ bao, chiếm hơn 65% sản lượng toàn ngành.

Từ sau 2015, Vinataba đã đẩy mạnh thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp không thuộc ngành sản xuất kinh doanh chính như các công ty bánh kẹo hay như liên doanh bia Sapporo Việt Nam… Trong năm 2018, Vinataba cho biết sẽ hoàn tất thoái vốn tại một công ty bánh kẹo nữa là Công ty TNHH Hải Hà – Kotobuki.

Mặc dù thoái vốn mạnh ngoài ngành và kinh doanh thuốc lá gặp khó khăn nhưng Vinataba cho biết các công ty con vẫn ổn định sản xuất, giữ thị phần, kinh doanh có lãi và là những đơn vị chủ lực trong ngành. Cụ thể, hoạt động sản xuất kinh doanh chính trong năm 2017 vẫn hoàn thành tốt kế hoạch, sản lượng tiêu thụ thuốc lá điếu tăng gần 8% cho thấy triển vọng khá ổn định.

Vinataba sẽ tái cấu trúc để tập trung vào hoạt động kinh doanh chính thông qua việc tiếp tục nắm giữ 100% vốn tại 2 đơn vị trọng điểm là Công ty thuốc lá Sài Gòn và Thăng Long có tổng mức đầu tư 4.281 tỷ đồng, chiếm 89% nguồn vốn đầu tư vào các công ty con. Điều này cho thấy tương lai của Vinataba phụ thuộc khá lớn vào triển vọng của 2 doanh nghiệp trên.

Với công ty thuốc lá Sài Gòn, đơn vị này sẽ chuyển đổi cơ cấu sản phẩm sang phát triển các sản phẩm trung và cao cấp để đón đầu xu hướng chuyển dịch của người tiêu dùng. Phấn đấu đưa phân khúc này chiếm 60% trong cơ cấu sản phẩm nội tiêu của doanh nghiệp.

Sản lượng của CT Thuốc lá Sài Gòn tiếp tục gia tăng.

Hoạt động kinh doanh của thuốc lá Sài Gòn cũng tăng trưởng cao trong giai đoạn 2015-2017. Trong năm 2018, công ty đặt kế hoạch doanh thu sụt giảm nhẹ còn 6.772 tỷ nhưng lợi nhuận vẫn có sự tăng trưởng đạt 346 tỷ đồng.

Trong khi đó công ty thuốc lá Thăng Long cũng là đơn vị chủ lực với sản lượng dự kiến cho năm 2018 là 1,59 tỷ bao. Doanh thu dự kiến mang về 5.726 tỷ và lợi nhuận trước thuế 292,1 tỷ đồng, đều tăng trưởng so với 2017.

HĐKD của Thuốc lá Thăng Long dự báo tiếp tục tăng trưởng.

Theo Huy Lê/NDH