Chủ tịch Tập đoàn BRG: Đề xuất giảm giá điện cho sân golf

06/11/2021 20:56

Tại hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19", Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG đã đề xuất giảm giá điện cho sân golf bởi lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh.

8b74206801a8c9f690b9

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga.  Ảnh: Sở TT&TT Hà Nội.

Sáng nay, 6/11, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19".

Đây là một trong các nội dung công việc quan trọng trong nhiều nội dung, mà Hà Nội đã và đang triển khai, nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG đã nêu một số ý kiến về tiếp tục đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính, qua đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng, khởi công các dự án.

Đồng thời, Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng mong muốn thúc đẩy du lịch, công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế của Thủ đô.

Bà Nga cho biết thêm, BRG đã góp vốn để xây dựng một công trình vui chơi trong nhà Hello Kitty tại quận Tây Hồ. Mặc dù dự án đã hoàn thành thiết kế, đặt nhiều thiết bị từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai xây dựng do vướng mắc về đất đai.

"Đề nghị Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, các sở, ban, ngành hỗ trợ dự án sớm được triển khai để phục vụ tốt nhu cầu vui chơi của trẻ em, thanh thiếu niên Thủ đô và khách du lịch", bà Nga chia sẻ.

Đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG đã đề xuất giảm giá điện cho sân golf bởi lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh.

Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse cũng chia sẻ, các luật chồng chéo khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, điển hình như doanh nghiệp chưa xin phép xây dựng được nhà máy do vướng quy định của tỉnh Hà Tây cũ…và mong muốn TP. Hà Nội tháo gỡ khó khăn.

"Hiện Hà Nội có hơn 200.000 doanh nghiệp. Thành phố cần có hệ thống số hóa để ghi nhận các công việc, kiến nghị của doanh nghiệp để có thời hạn trả lời cho doanh nghiệp việc gì được, việc gì không được, để cả đề xuất ý kiến của các doanh nghiệp nhỏ cũng được giải quyết", ông Phú kiến nghị thêm.

Phát biểu tại hội nghị, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, thời gian qua, Chính phủ và thành phố luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Nhiều chính sách hỗ trợ được doanh nghiệp đánh giá cao như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; giảm lãi suất cho vay, giảm tiền thuê đất, tiền điện; gia hạn thuế...

Dù vậy, nhiều chính sách hỗ trợ được đánh giá hữu ích nhưng còn khoảng cách khá xa từ chủ trương đến triển khai thực tế, đặc biệt, vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất vì nhiều điều kiện đi kèm.

Đặc biệt, ông Mạc Quốc Anh đã nêu ra 8 đề xuất, kiến nghị với Trung ương và TP. Hà Nội.

Theo đó, Hà Nội cần tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết các kiến nghị; đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới; tiếp tục đề xuất giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp một số loại thuế cho doanh nghiệp; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm các chi phí mặt hàng thiết yếu như: Điện, nước, xăng dầu; có các gói giải pháp hỗ trợ về chính sách, tài chính, đào tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ.

Theo Trần Võ/ Nhà Đầu Tư