Nợ dài hạn tăng mạnh
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của Tập đoàn Đèo Cả cho thấy, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng lên hơn 137 tỷ đồng so với con số hơn 26 tỷ của cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tổng giá trị nợ vay của Tập đoàn Đèo Cả lại tăng cao so với thời điểm năm trước, đạt hơn 25.163 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn từ 1 năm trở xuống là hơn 3.823 tỷ đồng, riêng nợ vay dài hạn ghi nhận hơn 21.339 tỷ đồng. Đáng chú ý, những khoản vay của Tập đoàn Đèo Cả chủ yếu đến từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).
Về khoản vay dài hạn, Vietinbank chi nhánh Hà Nội cho Tập đoàn Đèo Cả vay hơn 19.663 tỷ đồng.
Cụ thể, tại Hợp đồng số 02/2013/NHCT106-DEOCA ngày 22/10/2013 với hạn mức vay 4.800 tỷ đồng; mục đích sử dụng tiền vay là thanh toán các chi phí hợp lý để thực hiện công trình BOT thuộc dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà; thời hạn vay là 180 tháng, lãi suất theo từng lần nhận nợ.
Hợp đồng số 01/2015-HDTDDA/NHCT106-DEOCA ngày 28/07/2015 với hạn mức vay là 2.500 tỷ đồng để thực hiện hạng mục đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông, Quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên và Bình Định thuộc dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tình Khánh Hòa theo hình thức BT và BOT; thời hạn vay là 204 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian giải ngân là 48 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên; lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.
Hợp đồng số 02/2015- HDTDDA/NHCT106-DEOCA ngày 11/12/2015 có hạn mức vay là 1.190 tỷ đồng để thực hiện nâng cấp, sửa chữa, cải tạo hầm Hải Vân 1 và đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân (giai đoạn của hạng mục đầu tư mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, quốc lộ 1 tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng; thời hạn vay là 192 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian giải ngân 24 tháng; lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.
Hợp đồng số 01/2016-HDTDDA/NHCT106-DEOCA ngày 2/2/2016 với mức vay 4.182 tỷ đồng và phần lãi vay trong thời gian xây dựng được vốn hóa vào tổng mức đầu tư của dự án để thực hiện giai đoạn 2 – Mở rộng hầm Hải Vân thuộc Hạng mục đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân Quốc lộ 1 tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng được bổ sung vào Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả; thời hạn vay là 20 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian giải ngân là 4 năm; lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.
Hợp đồng số 01/2017-HDTDDA/NHCT106-BOT GBLS của Vietinbank Chi nhánh thành phố Hà Nội với hạn mức 1.190 tỷ đồng để thực hiện dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; thời hạn vay là 17 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian giải ngân 24 tháng; lãi suất nhận nợ là lãi suất ghi trên từng giấy nhận nợ.
Bên cạnh các khoản vay dài hạn, Vietinbank chi nhánh Đà Nẵng còn cho Tập đoàn Đèo Cả vay 180 tỷ đồng với thời hạn 1 năm để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trong đó, tại Hợp đồng số 01/2020-HDCVHM/NHCT480-DII ngày 2/11/2020 với mức vay 100 tỷ đồng, hình thức đảm bảo bằng cà vẹt (giấy đăng ký) xe ô tô và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại căn hộ Plaza. Còn Hợp đồng số 02/2020-HDCVHM/NHCT480-DII ngày 2/11/2020 với mức vay 80 tỷ đồng, hình thức đảm bảo là tín chấp.
Được biết, thời điểm Vietinbank chi nhánh Hà Nội ký hợp đồng giải ngân cho Tập đoàn Đèo Cả vay hàng nghìn tỷ đồng (năm 2013), Giám đốc chi nhánh lúc đó là ông Trần Minh Bình, hiện là Chủ tịch HĐQT Vietinbank.
Ông Trần Minh Bình là ai?
Ngày 7/9 vừa qua, Vietinbank đã công bố kiện toàn chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT và Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành.
Theo đó, ông Trần Minh Bình đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2019 – 2024. Ông Nguyễn Hoàng Dũng phụ trách Ban điều hành VietinBank.
Ông Trần Minh Bình đã được HĐQT giao giữ chức Chủ tịch VietinBank theo phê duyệt tại văn bản số 673/NHNN-TCCB về công tác tác nhân sự của Ngân hàng Nhà nước.
Người tiền nhiệm của ông Bình là ông Lê Đức Thọ, người trước đó được TW điều động giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre.
Theo một nguồn tin, ông Trần Minh Bình sinh ngày 7/12/1974, sinh ra tại Thái Lan, nguyên quán tại xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông Bình cùng gia đình hiện đang cư trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Không chỉ ông Bình, vợ ông Bình cũng đang là giám đốc chi nhánh một ngân hàng, có trụ sở đặt tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ông Bình có trình độ giáo dục phổ thông 12/12; Trình độ chuyên môn: Thạc sỹ chuyên ngành Khoa học quản lý tại Đại học Kinh tế quốc dân - Đại học Tự do Bruxelles - Trường Thương mại Solvay.
Sau khi ra trường năm 1994, ông Bình trải qua khoảng 5 năm làm việc cho các doanh nghiệp như Goldsun hay Công ty Tư vấn Sealine Consultant.
Năm 1999, ông Bình chính thức làm việc lại Vietinbank ở vị trí nhân viên Phòng Thanh toán quốc tế. Từ tháng 8/2002 đến tháng 4/2005, ông Bình là Thư ký Văn phòng Tổng giám đốc ngân hàng này.
Tới nửa đầu năm 2012, ông Bình giữ chức Giám đốc ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nguyễn Trãi. Từ tháng 5/2012, ông Bình được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Tới tháng 9/2012, vị trí Giám đốc ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội thuộc về ông Bình. Ông Bình sau đó giữ chức vụ này tới hết tháng 12/2013.
Có thể thấy, thời điểm Tập đoàn Đèo Cả được duyệt vay số vốn khủng gần 20 nghìn tỷ, ông Bình đang là người đứng đầu chi nhánh “chủ nợ”.
Trong quá trình công tác, ông Bình đã nhận được Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (năm 2016); Chiến sỹ Thi đua Ngành ngân hàng (năm 2017). Đây là giai đoạn ông Bình đang làm lãnh đạo của Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Vietinbank. Sau đó là Chủ tịch Ngân hàng Vietinbank tại Lào.
Từ ngày 31/10/2018, ông Bình nắm giữ vị trí Quyền Tổng Giám đốc Vietinbank cho tới khi được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2019 – 2024 vào ngày 7/9 vừa qua.
Về kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý II/2021 của VietinBank công bố cho thấy, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tăng gấp đôi từ hơn 6.050 tỷ đồng (31/12/2020) lên hơn 12.293 tỷ đồng (30/6/2021).
Trong khi đó, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của Vietinbank đạt mức hơn 2.238 tỷ đồng, giảm hơn 1.371 tỷ đồng (tương đương với mức giảm 38%) so với cùng kỳ quý II/2020.
Còn lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hợp nhất tăng lên hơn 3.203 tỷ đồng (tương đương mức tăng 48%, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hợp nhất tăng hơn 4.898 tỷ đồng (tương đương mức tăng 222%), do đó lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý II/2021 đạt hơn 2.279 tỷ đồng, giảm 1.695 tỷ đồng (tương đương mức giảm 38%) so với cùng kỳ năm trước.
Đặt lên bàn cân, có thể thấy, trong khi Tập đoàn Đèo Cả kinh doanh bất ổn, nợ dài hạn tăng mạnh thì “chủ nợ” là Vietinbank có kết quả cũng không mấy sáng sủa.
Bài toán đặt ra, liệu khoản nợ khổng lồ của Tập đoàn Đèo Cả có bị chuyển thành nợ xấu hay không? Ai sẽ chịu trách nhiệm về khoản nợ này nếu bị chuyển thành nợ xấu, thậm chí, tình huống xấu nhất là doanh nghiệp mất khả năng trả nợ?