Chùa, du lịch tâm linh dưới góc nhìn kinh doanh

18/08/2019 16:38

“Chùa do ai sở hữu?”, “Có hay không những dự án chùa BOT?”... là các câu hỏi mà Đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp thứ 7 (khóa XIV) vừa qua. Tuy nhiên, dường như chưa có câu trả lời thỏa đáng.  Thực tế, thời gian qua đã xuất hiện các chùa to tượng lớn được doanh nghiệp xây dựng khá rầm rộ, được coi như một sản phẩm “du lịch tâm linh”. Những dự án ấy đang hoạt động như thế nào, mang lại hiệu quả kinh tế ra sao? Người Đô Thị ghi nhận những gì đang diễn ra tại Ninh Bình...

 

Khu tâm linh chùa Bái Đính thuộc Quần thể Danh thắng Tràng An, nằm trên địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn  (Ninh Bình) được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, với nhiều kỷ lục như: chùa có tượng Phật dát vàng lớn nhất châu Á, hành lang La Hán dài nhất châu Á, tháp xá lợi Phật cao nhất châu Á và tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á…

Chùa... du lịch

Từ năm 2003, dựa trên nền tảng của ngôi chùa cổ, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường đã bỏ vốn trùng tu và mở rộng chùa với tổng diện tích hiện nay là hơn 1.000ha. Chùa vẫn còn nhiều công trình đang tiếp tục xây dựng tới năm 2020 như Công viên Văn hóa Phật giáo, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh, công viên cây xanh...

Đại diện của Doanh nghiệp Xuân Trường cho hay, doanh nghiệp này được UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận làm chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Tràng An, với tổng số vốn 17.780 tỷ đồng (100% vốn doanh nghiệp). Trong đó, khu tâm linh chùa Bái Đính là một trong những hạng mục của dự án Khu du lịch sinh thái Tràng An.

Với việc đầu tư này, Doanh nghiệp Xuân Trường được quyền khai thác du lịch với Khu du lịch sinh thái Tràng An (bao gồm cả chùa Bái Đính), trong 70 năm. Hiện Doanh nghiệp Xuân Trường chia ra khai thác theo hai khu du lịch khác nhau. Cụ thể, Khu du lịch sinh thái Tràng An thì giá vé tham quan 200.000 đồng/khách người lớn và 100.000 đồng/ trẻ em, hướng dẫn viên 300.000 đồng/tour. Ngoài ra, để tham quan khu du lịch Tràng An cổ thì du khách phải mua vé với giá 45.000 đồng/người.

Chùa Tam Chúc rộng 144ha trong khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam).

Với chùa Bái Đính, dù Doanh nghiệp Xuân Trường bỏ vốn đầu tư nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết chùa thuộc Giáo hội, do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - trụ trì. Thượng tọa Thích Minh Quang - người trực tiếp coi sóc chùa Bái Đính (và cả chùa Tam Chúc ở Hà Nam) cho biết tiền công đức thì thuộc nhà chùa còn các dịch vụ du lịch là do Doanh nghiệp Xuân Trường khai thác. Thượng tọa cũng tiết lộ, mỗi tháng ngôi chùa này phải trả khoảng 700 triệu đồng tiền điện, không kể các khoản sửa chữa, tu bổ. Tiền công đức có năm chỉ đủ chi trả 1/3 số tiền vận hành chùa, còn lại Doanh nghiệp Xuân Trường phải “hỗ trợ”.

Doanh nghiệp Xuân Trường hiện không bán vé tham quan chùa Bái Đính. Tuy nhiên, khi vãng cảnh chùa này, du khách thường buộc phải sử dụng dịch vụ xe điện với giá 30.000 đồng/lượt, hai chiều đi-về là 60.000 đồng, bởi địa điểm đỗ xe cách cổng Tam quan Chùa Bái Đính khá xa, khoảng 4km. Ngoài ra, du khách đến Bái Đính được mời sử dụng dịch vụ hướng dẫn viên với giá 300.000 đồng cho tour chùa mới và 500.000 đồng cho cả chùa mới và chùa cổ. Dịch vụ này không bắt buộc nhưng nếu không muốn mỏi chân đi bộ nhìn lớp lớp chùa to tượng lớn mà hầu như không có bảng thông tin giới thiệu nào, thì du khách nên thuê hướng dẫn viên.Thêm nữa, nếu du khách muốn lên bảo tháp và đầm Vân Long của chùa thì phải trả thêm 50.000 đồng mỗi điểm.

Du khách bước tới ngôi chùa nhiều kỷ lục Đông Nam Á này, thật khó tìm thấy bóng dáng của các vị tu hành. Thượng tọa Thích Minh Quang ngoài việc chăm sóc hai ngôi chùa Bái Đính, Tam Chúc thì còn trụ trì vài ngôi chùa khác. Thượng tọa cho biết chùa có 300 - 400 người làm việc nhưng không phải là người tu hành.

Ngay tại tầng hầm của tòa Tam Thế chùa Bái Đính và cả chùa Tam Chúc là một nhà hàng lớn cả nghìn mét vuông, có thể phục vụ ăn uống cho cả nghìn người và còn có nhiều phòng làm việc, phòng hội nghị. Chùa Bái Đính cũng có cả một khu lớn bán đồ lưu niệm và dịch vụ ăn uống ngay gần cổng. Các xe điện trả khách ở chính khu mua sắm này chứ không phải là điểm đón khách vào ban đầu, với ý đồ mời mọc khách mua đồ trước khi ra về. Phí gửi xe tại cổng chùa Bái Đính (và cả chùa Tam Chúc) do Doanh nghiệp Xuân Trường phát hành: 40.000 đồng cho xe ô tô và 15.000 đồng cho xe máy.
Tại chùa Bái Đính còn cung cấp cả dịch vụ ăn ngủ với Khách sạn chùa Bái Đính của Doanh nghiệp Xuân Trường.

Một nửa du khách đến Ninh Bình là đến Bái Đính

Thông tin từ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng 2030 cho thấy, khách du lịch nội địa đến Ninh Bình chủ yếu là dòng khách du lịch văn hóa tâm linh, tham quan lễ chùa Bái Đính và khu du lịch Tràng An (cũng có rất nhiều chùa được xây mới làm điểm dừng chân trên hành trình tham quan). Theo thống kê của Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An, từ 2010 - 2016 khách du lịch nội địa đến chùa Bái Đính tăng liên tục, chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng số khách du lịch nội địa đến Ninh Bình.

Chỉ riêng tiền xe điện chuyên chở du khách tham quan chùa Bái Đính, mỗi năm Doanh nghiệp Xuân Trường thu hơn 163 tỉ đồng.

Năm 2016, chùa Bái Đính là điểm đến của 48,5% tổng số lượng khách nội địa đến Ninh Bình. Số liệu thống kê của Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An cũng cho thấy, lượng khách đến Bái Đính dao động từ hơn 200.000 đến hơn 800.000 lượt khách/tháng, trong đó tháng 2 là đông nhất. Bảy tháng còn lại, mỗi tháng cũng đạt từ hơn 105.000 đến hơn 160.000 lượt khách.

Cận cảnh hơn về nguồn thu, số lượt khách đến chùa Bái Đính năm 2016, 2017 lần lượt là 3.207.206 và 3.199.318 lượt khách. Chỉ tiền xe điện, mỗi năm Doanh nghiệp Xuân Trường thu hơn 163 tỉ đồng, tiền dịch vụ vệ sinh gần 6,4 tỉ đồng. Và Doanh nghiệp Xuân Trường còn rất nhiều khoản thu các dịch vụ khác như đã nói.

Chỉ bỏ vốn đầu tư Khu du lịch sinh thái Tràng An, nhưng từ năm 2013, Doanh nghiệp Xuân Trường được “tiếp quản” thêm Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, vốn trước đây do Ban quản lý của huyện Hoa Lư khai thác.

Tại Tam Cốc, Doanh nghiệp Xuân Trường bán vé tham quan 120.000 đồng/khách cộng thêm giá vé đò được tính riêng là 150.000 đồng/chuyến. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đang xây dựng một tổ hợp dịch vụ phòng nghỉ, ăn uống ngay khu vực bến đò đón khách.

Phân chia lợi ích thế nào?

Theo một nghiên cứu của UNESCO Việt Nam năm 2018, tỉnh Ninh Bình đang thực hiện cho phép tái đầu tư tới 90% nguồn thu phí tham quan cho doanh nghiệp để phát triển các hoạt động du lịch và bảo tồn, với mục tiêu tạo động lực cho chuỗi giá trị kinh tế du lịch tại địa phương và bù đắp nguồn vốn tư nhân đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng và vận hành hoạt động các khu vực chức năng tại khu di sản. Điều này có nghĩa, Doanh nghiệp Xuân Trường nộp ngân sách nhà nước 10% tổng nguồn phí tham quan mà họ thu được.

Lượng khách đến Bái Đính dao động từ hơn 200.000 đến hơn 800.000 lượt khách/tháng.

Doanh nghiệp Xuân Trường cho biết, tổng số tiền mà doanh nghiệp này nộp cho tỉnh Ninh Bình năm 2017 là: 202,931 tỉ đồng. Từ 1.1.2018, doanh nghiệp này bắt đầu hạch toán thuế nộp cho nhà nước, chính thức kinh doanh dịch vụ tham quan, du khách phải chịu thuế GTGT 10% trên tiền vé. Với cách tính thuế này, mặc dù khách du lịch năm 2018 tăng hơn năm 2017 nhưng tổng số thuế doanh nghiệp này nộp lại giảm xuống: 131,639 tỉ đồng. Năm 2019, doanh nghiệp dự kiến nộp thuế 209 tỉ đồng.

Doanh nghiệp Xuân Trường cũng khẳng định vai trò của mình trong việc thay đổi bộ mặt kinh tế địa phương: nhờ đầu tư của doanh nghiệp, Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, thúc đẩy du lịch phát triển giải quyết công ăn việc làm cho trên trăm nghìn dân lao động gián tiếp, trong đó riêng Doanh nghiệp Xuân Trường đã trả lương cho hơn 2.000 người, mức lương trung bình 6 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, từ phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trường Yên (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) cũng bày tỏ trăn trở chuyện phân chia lợi ích trong hợp tác công - tư này. Ông Lợi nói, Khu du lịch sinh thái Tràng An nằm trên địa bàn xã ngày càng thu hút đông khách tham quan nhưng địa phương không được hưởng điều tiết tỉ lệ thu vé tham quan. Trong khi đó, xã Trường Yên nằm trong vùng bảo vệ đặc biệt nên nhiều năm nay không được đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn thu của xã rất khó khăn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

 

Hoàng Hương thực hiện - Ảnh: Nam Trần

Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết "Chùa, du lịch tâm linh dưới góc nhìn kinh doanh" tại chuyên mục Tiêu điểm.