Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Cơ duyên làm khẩu trang của cậu bé 'ốc tiêu'

05/05/2020 08:13

Phạm Quang Anh - cậu bé hồi nhỏ từng bị phán là "tương lai u ám" - vừa chốt đơn hàng 15 tỷ đồng độc quyền xuất khẩu trang sang Trung Đông.

Công ty TNHH may mặc Dony (Dony Mask), quận Tân Bình (TP HCM) đang ráo riết hoàn tất đơn hàng độc quyền xuất khẩu 1,5 triệu chiếc khẩu trang kháng khuẩn sang thị trường Trung Đông. Hợp đồng với đối tác Trung Đông này không chỉ quan trọng với một doanh nghiệp non trẻ và khó khăn như Dony, mà còn là nỗ lực "vượt giới hạn" của chính Giám đốc công ty Phạm Quang Anh.

Cậu bé ốc tiêu Phạm Quang Anh. Ảnh: Mai Hoa.

"Cậu bé ốc tiêu" Phạm Quang Anh. Ảnh: Mai Hoa.

'Ốc tiêu' lận đận

Sinh ra tại vùng quê nghèo ở Nghệ An, từ nhỏ Quang Anh tự nhận mình phát triển không bình thường so với trang lứa. Mắt cậu cận nặng, bị lé hay ngước lên trời và thường lẩm nhẩm một mình. Thân hình còi cọc, năm lớp 8 chỉ nặng 36 kg, nên ai cũng bảo "tương lai cậu bé này u ám".

Quang Anh nhớ lại, tuổi thơ gắn liền những bữa cơm độn sắn. "Sáng đi học và đèo em trai đến trường mẫu giáo, rồi làm việc nhà, nấu cháo heo, nấu rượu... vì ba mẹ làm quần quật cả ngày ngoài đồng đến tối mịt. Thấy tôi cực quá, ba mẹ gửi sang nhà ngoại nuôi năm lớp 9 để việc học thuận lợi hơn", Quang Anh nhớ lại.

Gửi Quang Anh ra ngoài thị trấn sống với ông bà ngoại, bố mẹ vào rừng lập nghiệp. Cứ vài ba tuần họ ra thăm, rồi lại về.

Cuộc sống bất ổn định chưa dừng lại khi kinh tế gia đình Quang Anh sa sút, bố mẹ phải vào Bình Phước lập nghiệp. Một lần nữa, cậu bé "ốc tiêu" được gửi cho bà con. Đến năm lớp 6, Quang Anh mới được vào Nam đoàn tụ cùng gia đình.

Nhưng cậu bé "ốc tiêu" học rất giỏi, từng đại diện cho tỉnh Bình Phước đi thi học sinh giỏi quốc gia môn sinh học.

Năm 2003, Quang Anh đỗ cao vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, ngành Công nghệ Sinh học. Tốt nghiệp, anh xin ở lại làm nghiên cứu sinh, với quyết tâm được du học. Nhưng điều kiện khó khăn, ước mơ đó buộc phải dừng giữa chừng.

Cuối năm 2007, trong một lần tình cờ xem báo quảng cáo thấy tuyển nhân viên lương tháng 10 triệu đồng của một công ty truyền thông, anh ứng tuyển. Vào làm Quang Anh mới biết mỗi tháng chỉ được hỗ trợ 200.000 đồng tiền xăng. Công việc vừa làm PR, vừa viết bài về các doanh nhân, vừa bán gói sản phẩm... Chính môi trường này đã cho Quang Anh học hỏi về các gương làm giàu.

Công việc đang trôi chảy, cuối 2008, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, kéo theo trong nước các doanh nghiệp cắt giảm chi phí truyền thông. Nhận thấy công việc bấp bênh, đang bế tắc, anh được một đối tác cũ mời về làm. Vị này có công ty riêng đa ngành, trong đó có mảng xây dựng. Sau một tháng thử việc, Quang Anh thấy không phù hợp nên xin chuyển sang lĩnh vực may mặc với suy nghĩ nhu cầu ngành này lớn hơn.

Và ngay từ đơn hàng đầu tiên, anh đã vấp phải khó khăn. Khách đặt may đồng phục yêu cầu phải làm mẫu trước mà giá một mẫu chi phí tới 15 triệu đồng, nên giám đốc anh không chấp nhận.

Kiên trì thuyết phục, cuối cùng giám đốc đồng ý, nhưng thòng thêm điều kiện "nếu có ký hợp đồng thì công ty cho pháp nhân chứ không chịu chi phí bỏ ra. Tất cả phải tự làm lấy". Quang Anh phải thuyết phục cả phòng kinh doanh 5 người. Ai cũng ủng hộ, nhưng vấn đề là lấy đâu ra tiền.

Tính đủ đường, anh quyết định cầm chiếc xe máy đang chạy và laptop được 9 triệu để hùn hạp với anh em, mỗi người chiếm 20% trong dự án này. Hợp đồng may mắn thành công, nhưng chính điều này khiến giám đốc của anh không vui.

Cuối năm 2009, năm người cùng phòng mở công ty riêng. Nhưng sự khác biệt về tư duy, mục tiêu của mỗi cá nhân, nên chỉ một thời gian công ty tan rã.

Năm 2010, Quang Anh mở công ty may mặc Duy Nguyễn chuyên làm quần áo đồng phục. Vốn ít, làm việc đơn độc, tài chính không dư dả, thậm chí anh vẫn phải đi dạy kèm... Mấy tháng sau, Quang Anh bị lao phổi nặng, phải ở nhà dưỡng bệnh 8 tháng. Một năm sau đó, anh lập gia đình, rồi có con.

Đây là giai đoạn bế tắc, vì anh vẫn cứ theo hình thức kinh doanh cũ. Một sự cố lớn xảy ra với đơn hàng 1.000 áo thun làm cho một đối tác Nhật. Vì không có kinh nghiệm mua vải nguyên liệu nên khi nhập hàng về rồi đem giặt nước đen ngòm. Phía cung cấp lại không chịu đền, vậy là anh mất 70 triệu đồng.

Qua lần này, Quang Anh suy nghĩ đến việc dừng lại để đi làm công ăn lương, nên bàn với vợ đăng ký thi cao học. Tuy nhiên, việc học không đi đôi với thực tế thương trường khiến anh mất hào hứng. Nỗi nhớ kinh doanh lại trỗi dậy. Năm 2013, anh quyết định mở công ty mới đặt tên là Dony Mask, lấy biểu tượng con Kangaroo, với mong muốn công ty sẽ liên tục phát triển.

'Thành công có thể học được'

Lần này, anh đổi hướng tiếp cận khách hàng bằng cách đẩy mạnh marketing online với nhiều hình thức khác nhau, kể cả chạy quảng cáo theo ngày. "Trước đây vài tháng mới có đơn hàng, nay ngày nào cũng có khách hỏi thăm. Đơn hàng theo đó tăng lên. Mình tin rằng thành công có thể học được", Quang Anh chia sẻ.

Do khách hàng đặt nhiều, nên anh phải nhờ gia công thêm bên ngoài và nảy sinh một số sai sót nên Quang Anh hiểu phải làm chủ khâu sản xuất.

Năm 2017, anh mở xưởng, tự đóng gói kiểm tra từng đơn hàng. Một năm sau, cơ hội xuất khẩu đến với xưởng sản xuất nhỏ khi có một khách hàng Trung Đông đến tận nơi tìm hiểu rồi đặt hàng. Vậy là lần đầu tiên, Quang Anh trải qua cảm giác "bán hàng trọn gói". Hiện tại, doanh thu một năm của công ty về may mặc tầm 30 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu chiếm 40%.

Lý giải cho cơ duyên làm khẩu trang, Phạm Quang Anh thừa nhận khi xảy ra dịch bệnh cũng không định làm vì muốn tập trung duy nhất vào may mặc, hơn nữa làm khẩu trang chỉ có tính thời vụ.

Tuy nhiên, một tháng sau đó, một người bạn học chung lớp đại học, là thạc sỹ y tế cộng đồng có công ty về thiết bị y tế và dược, gọi điện bàn về việc làm khẩu trang.

Lúc đầu, anh thấy không hào hứng. Nhưng càng nghe bạn nói định hướng và định vị về chiếc khẩu trang này khác với thị trường khẩu trang thông thường dựa trên kiến thức và kinh nghiệm ngành dược, nên anh đã gật đầu.

Vậy là từ đầu tháng 3, công ty làm mẫu thử. Đúng lúc này, Bộ Y tế ban hành Thông tư 870 hướng dẫn về quy định khẩu trang vải kháng khuẩn, anh lập tức gửi sản phẩm đi kiểm định và được chấp thuận.

Sản phẩm nhanh chóng được chào bán ra thị trường, có 2 công ty dược lớn trong nước đặt mua 70.000 cái cho lô hàng đầu tiên, dùng tặng y bác sỹ tại các bệnh viện dã chiến chống dịch.

Ngoài tính năng đã được kiểm định, theo Quang Anh, bao bì đựng khẩu trang góp một phần tạo nên nét riêng. Để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ người làm, khẩu trang cần tiệt trùng từ khâu kiểm tra phân loại, đến đóng gói. Để hoàn thiện 2 khâu này, Quang Anh phải bố trí sản xuất tại xưởng ở TP HCM, và khâu hấp tiệt trùng bằng công nghệ điều khí E.O tại nhà máy ở Bình Dương.

Nỗi lo khẩu trang chỉ là sản phẩm tạm thời trong mùa dịch đã tạm qua đi. Sau đơn hàng 1,5 triệu chiếc từ đối tác Trung Đông, Dony Mask mới ký tiếp một đơn hàng từ Pháp. Thậm chí phía đối tác còn đề nghị ký hợp đồng độc quyền.

Quang Anh cho biết, những ngày này đang chạy đôn đáo tuyển nhân công làm việc để tăng cường sản xuất. Anh sẽ xúc tiến phát triển mảng quần áo, găng tay bảo hộ và các sản phẩm về vật liệu y tế làm mũi nhọn tương lai.

Mai Hoa/VNE

Bạn đang đọc bài viết "Cơ duyên làm khẩu trang của cậu bé 'ốc tiêu'" tại chuyên mục Featured.