Mặc dù thị trường đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19, tuy nhiên vẫn có nhiều cơ hội đầu tư đáng chú ý xuất hiện.
Trải qua những tháng đầu năm đầy biến động bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến triển vọng đầu tư nhiều nhóm ngành có sự thay đổi đáng kể. CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa đưa ra báo cáo cập nhật các chủ đề đầu tư đáng chú ý trong quý 2 và cả năm 2020.
Giải ngân đầu tư công dự kiến được đẩy mạnh nhờ việc chuyển đổi 8 dự án từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư, Thủ tướng đã chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục để có thể bắt đầu khởi công từ tháng 8/2020. BSC lưu ý trong trường hợp theo hình thức đầu tư PPP cũ thì thời gian khởi công sớm nhất có thể bắt đầu là T1-T2/2021. Tổng mức đầu tư của 11 dự án cao tốc Bắc Nam và các dự án liên quan đến hàng không như sân bay Long Thành lên đến 129.073 tỷ đồng, chiếm 18,4% trong tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) được thực hiện trong năm 2020. Tổng cộng vốn đầu tư công NSNN ước tính khoảng 700.000 tỷ, gấp 2,2 lần số vốn thực hiện giải ngân năm 2019.
BSC cho rằng đầu tư công năm 2020 dự kiến sẽ được kỳ vọng cải thiện nhanh hơn đáng kể hơn so với kỳ vọng trước đó Một số ngành và doanh nghiệp có thể được hưởng lợi trực tiếp nhờ đầu tư công như: Thép (HPG, HSG), Xi Măng (HT1), nhóm vật liệu xây dựng (KSB, CTI), Xây dựng (LCG,C4G, HBC, CTD), Thi công điện (PC1), Nhựa đường (PLC) và một số ngành được hưởng lợi gián tiếp từ hạ tầng được triển khai như Bất Động Sản (DXG, NVL, DIG, NLG) và Khu Công nghiệp như (GVR, D2D, SZL).
Nhóm cổ phiếu liên quan đến thoái vốn từ SCIC
Theo danh sách thoái vốn dự kiến trong năm 2020, dự kiến SCIC sẽ thoái vốn tại 85 công ty cổ phần. Một số khoản đầu tư có giá trị lớn có thể chú ý lớn như Tổng công ty thép – VNsteel (94% vốn), Vinatex (53% vốn), BMI (51% vốn), BVH (3% vốn), FPT (6% vốn), NTP (37% vốn), TRA (36% vốn) và DMC (36% vốn). BSC kỳ vọng SCIC sẽ đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhằm giúp tăng phần nộp ngân sách Nhà nước.
Kuwait chưa nâng hạng ảnh hưởng đến kỳ vọng thu hút dòng vốn ngoại
Với ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm để các nhà đầu tư nước chuẩn bị nguồn lực cũng như cân đối danh mục, MSCI đã tiến hành lùi thời hạn nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi sang thời điểm tháng 11/2020 thay vì tháng 5/2020 như trước đó.
Do đó, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ cận biên (Frontier) tiếp tục giữ nguyên dẫn đến thu hẹp về kỳ vọng thu hút dòng tiền khối ngoại từ việc tăng tỷ trọng này. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể kỳ vọng vào khả năng đột biến Việt Nam được nâng hạng trong năm 2021.
Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng và bán lẻ
Theo BSC, triển vọng nhóm ngân hàng sẽ không còn được quá lạc quan như đầu năm và trong điều kiện (1) Dịch bệnh được kiểm soát tốt trong quý 2/2020, ngành ngân hàng có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số ở mức 16,5%, (2) tăng trưởng tín dụng, theo BSC, sẽ ở mức 10,5% và NIM có thể sẽ bị ảnh hưởng giảm do việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và (3) hạn chót về lộ trình niêm yết của nhóm ngân hàng theo đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025". Tương tự, nhóm ngành bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng do việc giãn cách xã hội và thói quen tiêu dùng thay đổi.
Một số nhóm ngành và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu đầu vào suy giảm
Xét về mặt tích cực giá dầu suy giảm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhờ vào các loại nguyên vật liệu suy giảm cùng chiều với giá dầu.
Một số nhóm ngành doanh nghiệp có thể kể đến được hưởng lợi trực tiếp từ giá dầu như nhóm ngành Phân Bón (DPM, DCM với giá khí là một trong các nguồn nhiên liệu chính), Săm Lốp (DRC, Cao su là nhóm nguyên vật liệu đầu vào), Hóa Chất (DGC, CSV), Nhựa (NTP, BMP), Thép (Giá quặng sắt), Xi măng (Than). BSC lưu ý, diễn biến giá của các nhóm nguyên vật liệu khác có sự tương quan tương đối với giá dầu, diễn biến các loại mặt hàng này phần lớn phụ thuộc nguồn cung - cầu của sản phẩm đó.
Covid – 19 khiến làn sóng dịch chuyển công xưởng ra khỏi Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ hơn
Trung Quốc được coi là công xưởng của thế giới, việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do dịch bệnh khiến sản xuất của các doanh nghiệp bị gián đoạn. Các nhà máy nhận ra sự cần thiết của việc đa dạng hóa (vị trí, danh mục sản phẩm), giảm phụ thuộc vào một quốc gia như Trung Quốc, doanh nghiệp lên kế hoạch dịch chuyển sang các nước lân cận.
Với lợi thế vị trí địa lý, chi phí nhân công giá rẻ, ưu đãi thuế phí của Chính phủ và thu hút FDI từ các hiệp định kinh tế, Việt Nam được cho rằng sẽ là điểm đến hấp dẫn trong chuỗi dịch chuyển này. Một số ngành sẽ được hưởng lợi rõ nét như xây dựng và cơ sở hạ tầng (KSB, CTI, C4G, HBC, CTD,...), bất động sản khu công nghiệp với những doanh nghiệp có quỹ đất lớn sẵn sàng đón đầu cơ hội (KBC, BCM, IDC, GVR, PHR,…).
BSC lưu ý tiến trình này có thể chậm lại vào năm 2020 do dịch bệnh Covid-19 khiến việc thực địa, khảo sát bị trì hoãn, sau đó trở đi, làn sóng dịch chuyển vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh, thu hút nguồn vốn đầu tư mới vào Việt Nam, các doanh nghiệp (cơ sở hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp, xây dựng,…) sẽ có triển vọng tích cực về dài hạn.
Minh Anh