Cơn sóng ngành thép chững lại
Từ giữa năm 2020, cơn sóng ngành thép cuộn trào mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán giữa lúc ngành công nghiệp này bước vào giai đoạn thịnh vượng hiếm có nhất từ trước đến nay.
Mãi cho tới gần đây, nhóm cổ phiếu thép đột nhiên rớt mạnh trong bối cảnh giá thép toàn cầu suy giảm và nhu cầu tiêu thụ chững lại. Các cổ phiếu đầu ngành như NKG, HSG và HPG đều lao dốc 10-20% từ đỉnh xác lập vào giữa tháng 10/2021.
Trước cú rơi của cổ phiếu thép, một số công ty chứng khoán vẫn tỏ ra lạc quan về ngành công nghiệp này. Một số CTCK đưa ra khuyến nghị mua NKG, HSG, HPG với khoảng giá mục tiêu lần lượt 62,000-63,000 đồng/cp, 52,000-59,000 đồng/cp, 63,000-75,000 đồng/cp.
Lý do mà CTCK đưa ra không chỉ là những yếu tố ngoại sinh thuận lợi như giá thép neo cao, nhu cầu mạnh, nguồn cung chưa tăng, đầu tư công, mà chính bản thân cổ phiếu của các doanh nghiệp cũng có định giá hấp dẫn khi có P/E quá thấp so với P/E của VN-Index.
Tuy nhiên, tình hình thực tế có vẻ không diễn biến lạc quan như các CTCK dự báo khi mà rủi ro về giá thép và nhu cầu tiêu thụ dần dần hiển hiện rõ hơn.
Giá thép toàn cầu quay đầu giảm
Sau giai đoạn tăng ấn tượng nhờ sự gián đoạn nguồn cung cũng như nhu cầu tiêu thụ bùng nổ sau dịch, giá thép toàn cầu đã quay đầu giảm trở lại.
Xu hướng giảm của giá thép HRC toàn cầu
Nguồn: FastMarkets
|
Tại Mỹ - thị trường chính của các hãng thép Việt Nam trong những tháng gần đây, giá thép HRC từ đỉnh 1,980 USD/tấn xuống còn 1,800 USD/tấn, mức thấp nhất trong nhiều tháng qua.
Trong khi đó, giá HRC tại EU cũng giảm xuống mức 1,081 USD/tấn vào ngày 27/10, giảm khoảng 300 USD so với mức đỉnh ngày 22/06.
Đằng sau đà suy yếu của giá thép tại Mỹ và châu Âu là sự chững lại của nhu cầu tiêu thụ khi các bên đều đã tích trữ đủ hàng tồn kho và đã ký hợp đồng trong vài tháng tới và sự suy giảm nhu cầu từ lĩnh vực xe hơi (vì lý do thiếu chip). Ngoài ra, nguồn cung thép cũng cải thiện hơn với việc đẩy mạnh sản xuất nội địa và nhập khẩu các sản phẩm thép giá rẻ hơn từ nước ngoài.
Ở phía bên kia trái đất, giá thép HRC tại Trung Quốc – đất nước sản xuất 50% lượng thép thế giới – sụt xuống 728 USD/tấn sau khi có lúc lên tới 1,000 USD/tấn trong tháng 5/2021. Đồng thời, giá thép thanh vằn cũng giảm mạnh xuống mức 730 USD/tấn, mức thấp nhất trong 8 tháng.
Đà lao dốc vẫn diễn ra mặc dù sản lượng thép tại nước này giảm 6 tháng liên tiếp và chạm mức thấp nhất trong 44 tháng qua, Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA) cho biết trong ngày 09/11. Theo S&P Platts, điều này là do nhu cầu thép giảm còn mạnh hơn đà giảm của sản lượng, nhất là nhu cầu từ lĩnh vực xây dựng, và Trung Quốc cũng sắp bước vào giai đoạn thấp điểm vì thời tiết giá lạnh. Chưa hết, thị trường bất động sản Trung Quốc cũng chững lại trước cú sốc “Evergrande” cùng với những biện pháp siết chặt từ Chính phủ.
Điều gì đang diễn ra tại thị trường Việt?
Giá thép Việt Nam cũng hòa vào đà giảm trên thế giới. Trong đó, Hòa Phát và Formosa – hai nhà sản xuất HRC lớn nhất tại Việt Nam – liên tục giảm giá bán HRC trong vài tháng gần đây để cạnh tranh với thép HRC giá rẻ từ bên ngoài.
Tuần này, Hòa Phát giảm giá chào bán HRC giao tháng 1/2022 xuống 838 USD/tấn, trong khi Formosa giảm giá xuống còn 880 USD/tấn. Điều này cũng phần nào cho thấy nhu cầu tiêu thụ thép HRC tại Việt Nam đang khá ảm đạm.
Diễn biến giá bán thép HRC của Formosa
Trong khi đó, giá HRC nhập khẩu tại Việt Nam cũng giảm 50-60 USD/tấn xuống mức 835-845 USD/tấn khi giá nguyên vật liệu thô giảm mạnh và các nhà xuất khẩu của Trung Quốc trở lại thị trường, theo Kallanish.
“Nhiều bên mua thép HRC từ Ấn Độ trong tháng trước sẽ lỗ lớn vì mua giá 910-920 USD/tấn”, một thương gia tại Việt Nam cho biết.
Một nhà giao dịch ở khu vực Đông Nam Á chia sẻ hiện các nhà máy vẫn đang kiếm lãi khá ổn nhờ giá quặng sắt giảm mạnh, nhưng không còn lãi khủng như trước đây, ông nói thêm.
Một điều đáng ngại là dù giá HRC nhập khẩu đã giảm xuống mức thấp, nhưng không có quá nhiều người mua tỏ ra hứng thú khi nhu cầu đang quá yếu, một thương gia tại Việt Nam cho biết.
Trong khi đó, thị trường thép xây dựng cũng xuất hiện các dấu hiệu tiêu cực. Hòa Phát mới đây đã giảm giá thép cây và thép cuộn từ ngày 16/11 sau nhiều lần tăng giá trong 2 tháng qua.
Cũng lưu ý rằng giá hàng hóa không chỉ thể hiện cung cầu hiện tại mà còn phản ánh những kỳ vọng của những thành phần tham gia thị trường về xu hướng tương lai.
Nếu các thành phần tham gia thị trường nghĩ giá thép có thể giảm tiếp, họ sẽ không vội mua ngay mà mang tâm lý chờ đợi giảm thêm. Theo Kallanish, những người mua thận trọng sẽ chỉ trở lại đặt hàng trong tháng 1/2022 hoặc họ có hàng tồn kho thấp.
“Thị trường đang chết dần. Các nhà máy và thương lái đang giảm giá để thu hút đơn đặt hàng. Tuy nhiên, người mua đang muốn chờ đợi và quan sát vì xu hướng giảm đang khá rõ ràng”, một thương gia Việt Nam nói với Kalanish.
Định giá có thực sự hấp dẫn?
Những tín hiệu tiêu cực của ngành thép đã phần nào phản ánh trên thị trường chứng khoán. Và những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu thép còn có thêm một mối lo khác: Cổ phiếu thép đã tăng giá khủng khiếp trong suốt một năm qua. So với đáy tháng 3/2021, cổ phiếu NKG tăng gấp 13 lần, HSG vọt hơn 11 lần và ông lớn HPG cũng tăng gấp 5 lần. Điều này có nghĩa nếu những mức tăng giá đó là quá đà và quá hào hứng, sự suy giảm trong thời kỳ đi xuống có thể sẽ không mấy vui vẻ.
Nguồn: VietstockFinance
|
Nhìn chung, tỷ lệ P/E của ngành thép hiện có vẻ thấp, nhưng liệu có rẻ? Trong trường hợp của NKG, mức P/E 5.48 lần có nghĩa: Nếu mua ở mức giá ngày 15/11/2021, bạn sẽ cần 5.48 năm kinh doanh bùng nổ như hiện nay để hoàn vốn. Đối với ngành mang nặng tính chu kỳ như thép, việc duy trì kết quả kinh doanh bùng nổ trong vài năm là cực kỳ khó, nhất là khi những rủi ro về sự suy giảm của giá thép, sự chững lại của nhu cầu đang dần hiển hiện rõ.
Cũng phải nhớ rằng, cổ phiếu mà thị trường chứng khoán yêu thích không đơn giản chỉ là một doanh nghiệp tăng trưởng, mà nhiều hơn thế, nó muốn doanh nghiệp đó phải tăng trưởng ổn định. Khi tín hiệu kinh doanh ảm đạm xuất hiện, tâm lý lạc quan sẽ bị thay thế bằng sự hoài nghi và sau đó có thể là nỗi thất vọng.
Trước khi thị trường tỏ rõ thái độ với cổ phiếu thép, cũng đã có những tín hiệu cảnh báo mà nhà đầu tư có thể quan sát từ phía người nội bộ doanh nghiệp. Hàng loạt lãnh đạo cấp cao của các công ty thép – những người hiểu rõ nhất về doanh nghiệp – lần lượt bán ra trong 6 tháng qua.
Nguồn: VietstockFinance
|